Theo thống kê, Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu và là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam. Thương mại giữa hai nước luôn giữ tốc độ tăng trưởng đều đặn qua các năm. Năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, kim ngạch thương mại hai chiều vẫn đạt 42,7 tỷ USD, tăng 7,8% so năm 2020.
Trong ba quý năm 2022, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam-Nhật Bản ước đạt 35,69 tỷ USD, tăng 15% so cùng kỳ 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Nhật Bản ước đạt 17,84 tỷ USD, tăng 21,6% so cùng kỳ năm 2021.
Các sản phẩm Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản gồm dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng; phương tiện vận tải; thủy sản; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện thoại và linh kiện; giày dép; sản phẩm từ chất dẻo...
Đại diện doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh tìm cơ hội kết nối giao thương với các doanh nghiệp tại Osaka (Nhật Bản). |
Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố Hồ Chí Minh, với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu, động lực, có sức thu hút, sức lan tỏa của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư kinh doanh tại thành phố.
Đồng thời, thành phố nghiên cứu thực hiện các chính sách, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước phát triển sản phẩm, dịch vụ mới và nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm; đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến kết nối giao thương, gắn kết sản xuất với nhà phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ, không để đứt gãy chuỗi cung ứng sau đại dịch Covid-19.
Tại Hội nghị, hai bên thúc đẩy giao thương các lĩnh vực về linh kiện, phụ kiện cho đèn LED năng lượng mặt trời kết hợp pin dự phòng; các sản phẩm đựng thực phẩm từ nhựa và giấy; sản phẩm đồ dùng nhà bếp, đồ gỗ; nông sản chế biến; thủy sản đông lạnh...