50% việc sử dụng kháng sinh là không phù hợp

NDO - Sáng 22/9, Sở Y tế Hà Nội phối hợp với Trường Đại học Dược Hà Nội và Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn tổ chức Hội nghị Dược lâm sàng 2022 với chủ đề “Quản lý và tối ưu hóa sử dụng kháng sinh trong bệnh viện”.
0:00 / 0:00
0:00
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.
Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị.

Nhiều tham luận có giá trị thiết thực cảnh báo về thực trạng sử dụng kháng sinh và tầm quan trọng của dược lâm sàng trong kê đơn điều trị cho người bệnh.

GS, TS Jennifer Lê, Giáo sư dược lâm sàng, Đại học California, San Diego, Trường Dược và Khoa học Dược phẩm Skaggs, Mỹ cho biết, trong vài thập kỷ qua, có tới 50% việc sử dụng kháng sinh là không phù hợp.

Kháng kháng sinh là một trong những mối đe dọa sức khỏe cộng đồng cấp bách nhất. "Nếu mọi người không sử dụng kháng sinh đúng cách thì tất cả đều phải hứng chịu hậu quả", Giáo sư Jennifer nói.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Y tế Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, điều trị người bệnh là điều trị toàn diện từ tâm lý, chế độ dinh dưỡng, tập luyện, thuốc. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang lạm dụng thuốc.

Kháng sinh ra đời là bước ngoặt trong y học để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn. Việc sử dụng kháng sinh là hết sức cần thiết để điều trị bệnh cho con người. Tuy nhiên do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

"Việc đầu tư, nghiên cứu cho ra đời các kháng sinh mới đã giảm trong nhiều thập kỷ nay, dẫn đến sự thiếu hụt các kháng sinh có hiệu quả để điều trị các bệnh nhiễm khuẩn do vi khuẩn đa kháng", Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nói.

Do việc sử dụng kháng sinh không hợp lý, lạm dụng kháng sinh, điều trị kháng sinh khi không cần thiết… đã làm gia tăng tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Kháng thuốc ngày nay không chỉ của riêng quốc gia nào mà là vấn đề y tế toàn cầu, đặc biệt nổi trội ở các nước đang phát triển, thế giới mỗi năm có hàng chục ngàn người tử vong do kháng thuốc và phải chi phí hàng chục tỷ USD cho kháng thuốc.

Liên quan tới vấn đề an toàn sử dụng thuốc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đưa ra con số đáng giật mình: có tới 12% tổng số người bệnh gặp sự cố từ kê đơn, tỷ lệ này tăng là 38% ở những người bệnh từ 75 tuổi trở lên; 6-7% người bệnh nội trú gặp sự cố do liên quan tới thuốc. 30% người bệnh gặp sự cố khi dùng 5 loại thuốc trở lên. Tỷ lệ kê đơn sai liều lượng chiếm 27,6%.

Tại Việt Nam, từ năm 2019 đến tháng 8/2022, có 35% bệnh viện trên toàn quốc triển khai báo cáo sự cố y khoa. Đáng chú ý khi có tới 1/3 số lượng sự cố được báo cáo là có thể ngăn chặn được, chưa xảy ra.

PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh cho biết, sự cố y khoa liên quan đến công tác dược lâm sàng gặp nhiều nhất là nhầm liều, chiếm 20% tổng số sự cố về thuốc tại bệnh viện tuyến Trung ương và 18,5% sự cố về thuốc tại bệnh viện tỉnh, thành phố. Ở bệnh viện tuyến quận, huyện, sự cố gặp nhiều nhất, chiếm 23,7% do nhầm thuốc và thứ hai là nhầm liều, chiếm 10%.

Việc bảo đảm quản lý sử dụng kháng sinh tại các cơ sở là cần thiết và cấp bách. Năm 2015, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn sử dụng kháng sinh; năm 2020, Bộ Y tế ban hành Hướng dẫn quản lý, sử dụng kháng sinh trong bệnh viện là các tài liệu không thể thiếu trong thực hành dược lâm sàng.

Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nhấn mạnh, để triển khai tốt nhất công tác dược lâm sàng nói chung và công tác quản lý, sử dụng kháng sinh nói riêng tại từng đơn vị, cần sự nỗ lực của nhiều thành phần, từ bộ máy lãnh đạo đến nhân viên các khoa, phòng, đặc biệt là đội ngũ dược sĩ, dược sĩ lâm sàng.

Theo PGS, TS Nguyễn Thị Liên Hương, Bộ môn Dược lâm sàng, Trường Đại học Dược Hà Nội, kết quả thực hiện sau 3 tháng giám sát và triển khai các chiến lược hoạt động trong Chương trình quản lý sử dụng kháng sinh một số bệnh viện có hợp tác viện-trường, về cơ bản, các bệnh viện đã triển khai tương đối bài bản các nhiệm vụ cốt lõi của chương trình quản lý sử dụng kháng sinh.

Tuy nhiên, chương trình này vẫn đang trong lộ trình hoàn thiện và cải tiến chất lượng. Đồng thời, cần triển khai đánh giá hiệu quả thông qua các bộ chỉ số đánh giá chương trình.