Khẳng định vai trò dược sĩ lâm sàng trong sử dụng thuốc an toàn

NDO -

NDĐT - Nếu như năm 2015, dược sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai mới chỉ tham gia hội chẩn toàn viện khoảng 100 ca thì nay con số này vào năm 2019 đã tăng lên hơn 700 ca. Trong những năm qua, các dược sĩ lâm sàng tại Bệnh viện Bạch Mai đã tham gia nhiều hơn vào những cuộc hội chẩn toàn viện.

GS, TS Nguyễn Quang Tuấn trao giấy chứng nhận cho các báo cáo viên.
GS, TS Nguyễn Quang Tuấn trao giấy chứng nhận cho các báo cáo viên.

Ngày 26-6, tại Hà Nội diễn ra “Hội nghị Khoa học Dược lâm sàng Bệnh viện Bạch Mai mở rộng lần thứ hai” với sự tham dự của gần 600 đại biểu là dược sĩ, bác sĩ.

GS, TS Nguyễn Quang Tuấn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc bệnh viện cho biết, hiện nay, mục tiêu hàng đầu của các cơ sở khám, chữa bệnh là nâng cao hiệu quả điều trị và an toàn người bệnh. Nhiều bệnh viện đã và đang thực hiện mô hình làm việc nhóm giữa bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng… và lấy tiêu chí người bệnh làm trung tâm.

“Điều này đã khẳng định vai trò của dược sĩ lâm sàng trong công tác phối hợp điều trị như cung cấp thông tin thuốc, hỗ trợ bác sĩ kê đơn, lựa chọn thuốc tối ưu, theo dõi, phát hiện, xử trí các biến cố do thuốc xảy ra trên người bệnh để bảo đảm sử dụng thuốc hợp lý, hiệu quả và an toàn. Bệnh viện Bạch Mai là một trong những đơn vị đầu tiên triển khai hoạt động dược lâm sàng hiệu quả, đặc biệt là đối với những ca bệnh khó, bệnh cảnh phức tạp”, GS, TS Nguyễn Quang Tuấn cho biết.

Theo TS Cẩn Tuyết Nga, Trưởng Khoa Dược, Bệnh viện Bạch Mai, hoạt động dược lâm sàng được triển khai mạnh mẽ tại nhiều khoa/đơn vị tại bệnh viện thời gian qua. Các dược sĩ đã đưa ra những ý kiến tư vấn xác đáng trong việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả cho các bác sĩ điều trị. Thông qua hoạt động này, vai trò của dược sĩ lâm sàng đã được nhìn nhận tại các khoa lâm sàng và trong toàn bệnh viện, dược sĩ lâm sàng đã tham gia trực tiếp vào công tác điều trị, bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả, hợp lý cho người bệnh.

Thời gian qua, các dược sĩ lâm sàng cũng tham gia hội chẩn theo yêu cầu của khoa lâm sàng và tham gia hội chẩn toàn viện từ dưới 100 ca vào năm 2015 tăng lên trên 700 ca vào năm 2019.

Đối với vấn đề quản lý kháng sinh trong bệnh viện, đến nay, bệnh viện đã ban hành hai quy trình định lượng thuốc trong máu: Vancomycin và Amikacin; Ban hành quy trình sử dụng Colistin năm 2019 thay thế quy trình cũ năm 2012; Xây dựng và triển khai quy trình kháng sinh dự phòng tại Khoa Phẫu thuật lồng ngực giúp giảm chi phí điều trị, giảm số ngày nằm viện, góp phần hạn chế gia tăng đề kháng kháng sinh. Công tác thông tin thuốc cho nhân viên y tế và bệnh nhân cũng được quan tâm.

Trong hai năm qua, Khoa Dược đã triển khai hoạt động hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân ung thư tại Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu và tổ chức lớp hướng dẫn sử dụng thuốc cho bệnh nhân đái tháo đường tại Khoa Nội tiết - Đái tháo đường. Hoạt động này đã nhận được sự ủng hộ của Trung tâm Y học hạt nhân ung bướu, Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, sự phản hồi tích cực từ phía bệnh nhân…

Hội nghị có gần 20 bài báo cáo của các chuyên gia đến từ các bệnh viện hàng đầu trong cả nước, chia sẻ kinh nghiệm về sự phát triển của thực hành dược lâm sàng sau hai năm hoạt động tại các bệnh viện trên toàn quốc nói chung và tại Bệnh viện Bạch Mai nói riêng. Nội dung của Hội nghị sẽ tập trung vào các vấn đề dược và sử dụng thuốc hiện đang được ngành y tế quan tâm như lĩnh vực cảnh giác dược trong hoạt động dược lâm sàng, chương trình quản lý kháng sinh, công tác bảo đảm an toàn người bệnh và công tác định hướng phát triển dược lâm sàng của bệnh viện trong thời gian sắp tới….