48 người chết do tai nạn giao thông dịp nghỉ lễ Quốc khánh

NDO - Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong 4 ngày nghỉ lễ Quốc khánh (từ ngày 1/9 đến 4/9), toàn quốc xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người, bị thương 51 người.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thành Đạt)
Ảnh minh họa. (Ảnh: Thành Đạt)

Trong đó, đường bộ xảy ra 79 vụ tai nạn giao thông, làm chết 48 người, bị thương 51 người.

So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2021 (thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn quốc đang thực hiện giãn cách xã hội), số vụ tai nạn giao thông tăng 22 vụ (tăng 38,59%); tăng 24 người chết (tăng 100%); tăng 12 người bị thương (tăng 30,76%).

Đường sắt, đường thủy không xảy ra tai nạn. So với 4 ngày nghỉ lễ năm 2021, số vụ, số người chết và số người bị thương không tăng, không giảm.

Về tình hình hoạt động giao thông và ùn tắc giao thông (tính từ chiều ngày 31/8 đến trưa ngày 4/9), lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao vào dịp nghỉ lễ, do người dân di chuyển về quê, đi du lịch và ngược lại.

Tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số tuyến đường chính đến các địa phương có khu du lịch, các phương tiện di chuyển chậm.

Lực lượng cảnh sát giao thông, công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông theo đúng nội dung các phương án phân luồng giao thông.

Cụ thể, tại Hà Nội và các địa phương giáp ranh, tình hình trật tự an toàn giao thông trong 4 ngày nghỉ lễ được bảo đảm, không xảy ra ùn tắc giao thông kéo dài.

Từ khoảng 15 giờ 30 phút ngày 3/9 đến trưa ngày 4/9, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông trên một số tuyến cửa ngõ và nội đô thành phố có xu hướng gia tăng trở lại.

Vành đai 3 trên cao, nút giao Pháp Vân-Ngọc Hồi thường xuyên xuất hiện tình trạng ùn ứ do mật độ phương tiện từ các tuyến khác trên địa bàn di chuyển vào, đặc biệt là lượng phương tiện trên tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình và quốc lộ 1A.

Trong đó, chiều tối 3/9, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông tuyến cao tốc Pháp Vân-Cầu Giẽ-Ninh Bình tăng cao, dẫn đến tình trạng ùn ứ tại Km182 (điểm cuối đường cao tốc, hướng Ninh Bình về Hà Nội).

Căn cứ tình hình giao thông thực tế của các tuyến nội đô Hà Nội và tuyến quốc lộ 1 (qua địa phận Hà Nam), lực lượng cảnh sát giao thông đã triển khai phân luồng theo đúng các phương án để giảm tải ùn tắc trên các tuyến chính và các cửa ngõ ra vào Thủ đô.

Tại TP Hồ Chí Minh và các địa phương giáp ranh, từ chiều 1/9 đến sáng 4/9, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, các tuyến cao tốc, quốc lộ trọng điểm từ TP Hồ Chí Minh đi các địa phương liên quan nhìn chung ổn định, có thời điểm tăng cao nhưng không xảy ra ùn tắc giao thông.

Chiều 3/9, tuyến quốc lộ 60, khu vực cầu Rạch Miễu lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông, di chuyển chậm từ 15 giờ đến 17 giờ, PC08 Công an Tiền Giang và Bến Tre đã phối hợp điều tiết, phân luồng giao thông, trong đó, trạm thu phí Rạch Miễu xả trạm 2 lần (hướng từ Bến Tre đi Tiền Giang).

Về công tác tuần tra, kiểm soát bảo đảm trật tự an toàn giao thông, lực lượng cảnh sát giao thông toàn quốc đã xử lý 42.020 trường hợp vi phạm, phạt tiền 64 tỷ 576 triệu đồng; tạm giữ 960 xe ô-tô, 12.700 xe mô-tô và 2 phương tiện thủy, tước 6.446 giấy phép lái xe, bằng, chứng chỉ chuyên môn các loại.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, năm nay, dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9 lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông tại các tuyến đường cửa ngõ và tại các bến xe, nhà ga, sân bay, tại cửa ngõ của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, mức độ ùn tắc giao thông giảm rất nhiều so với dịp nghỉ lễ 30/4/2022, do triển khai thu phí không dừng trên toàn quốc.

Tổng số vụ, số người chết và số người bị thương do tai nạn giao thông tăng so với 4 ngày dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9/2021.

Nguyên nhân khách quan là do nghỉ lễ năm 2021 là thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, toàn quốc đang thực hiện giãn cách xã hội; mật độ giao thông tăng cao.

Nguyên nhân chủ quan là do ý thức tham gia giao thông của một số người dân vẫn còn hạn chế, vi phạm các quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông.

Lực lượng chức năng các địa phương, đặc biệt là cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông vận tải tiếp tục thực hiện tốt công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm, đặc biệt là chỉ huy giao thông, trực tiếp phân luồng để kéo giảm ùn tắc giao thông, xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện, siết chặt quản lý kinh doanh vận tải.