4.500 tỷ đồng hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19 đào tạo nghề

NDO -

Dự kiến, 4.500 tỷ đồng sẽ được dành hỗ trợ người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 để đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động trong gói hỗ trợ 26 nghìn tỷ đồng.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Thực hiện Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg  quy định về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 (sau đây gọi tắt là Quyết định 23).

Chương III của Quyết định 23 quy định về chính sách hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.

Để triển khai chính sách này, ngày 3/8, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) đã có công văn số 1681 về việc triển khai hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động theo Quyết định 23 gửi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phó Tổng cục trưởng Giáo dục nghề nghiệp Đỗ Năng Khánh cho biết, để triển khai kịp thời, có hiệu quả chính sách này, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần coi đây là cơ hội để mở rộng quan hệ hợp tác với đơn vị sử dụng lao động trong việc phối hợp đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động và năng lực thực tiễn cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, giáo viên của nhà trường.

Công văn cũng yêu cầu, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp phải chủ động hơn nữa trong việc phối hợp người sử dụng lao động xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động. Phân công cụ thể đầu mối, xây dựng kế hoạch chi tiết phối hợp với người sử dụng lao động.

Trước mắt, tích cực chủ động liên hệ, phối hợp với các đơn vị sử dụng lao động đã có hợp tác trong đào tạo, tuyển dụng nhân lực xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề cho người lao động và tổ chức đào tạo sau khi có quyết định hỗ trợ. Trên cơ sở đó tiếp tục nhân rộng, phối hợp các đơn vị khác trên địa bàn để tổ chức.

Đối với các địa bàn có nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, cần chủ động phối hợp Ban quản lý các khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất để nắm bắt nhu cầu, liên hệ với các doanh nghiệp để xây dựng phương án đào tạo, bồi dưỡng.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội, tập trung phòng, chống dịch, liên hệ với người sử dụng lao động để nắm bắt nhu cầu, xây dựng phương án hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động, chuẩn bị các điều kiện để sẵn sàng triển khai đào tạo khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tại các địa phương đã kiểm soát được dịch bệnh, hoặc ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, tập trung đẩy mạnh phối hợp người sử dụng lao động để xây dựng phương án, triển khai thực hiện ngay.

Đồng thời, việc tổ chức thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động gắn với đúng phương án đã được phê duyệt; gắn việc đào tạo với cấp bằng, chứng chỉ cho người lao động.

Theo quy định, mức hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề tối đa 1,5 triệu đồng/người lao động/tháng.

Mức hỗ trợ cụ thể được tính theo thời gian học thực tế của từng nghề hoặc từng khóa học. Thời gian hỗ trợ tối đa 6 tháng/người. Tổng kinh phí dự kiến: 4.500 tỷ đồng.

Chính sách triển khai từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2022.

Thời gian nộp hồ sơ từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 30/6/2022.