“Thế hệ hy vọng” là một chiến dịch lớn với công cụ là bộ giáo trình “Quyết định ở chúng mình” (Girls Decide) đưa ra phương pháp hoạt động, xây dựng kế hoạch và khả năng tổ chức sự kiện cho trẻ em gái từ 11-13 tuổi).
Với đội ngũ 20 giảng viên cấp quốc gia đã được tập huấn, bằng giáo trình “Quyết định ở chúng mình”, chiến dịch đã được mở rộng quy mô tới nhiều trường học trên địa bàn Thủ đô và thời gian tới dự kiến sẽ tiếp tục được triển khai tại 2 tỉnh Quảng Bình và Bình Dương.
Các nữ sinh thảo luận đề tài nghiên cứu về bảo vệ trẻ em gái. |
Ở thành phố Hà Nội, tại Trường Trung học cơ sở Lương Yên và Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, chỉ trong 1 tháng, đội ngũ nữ giáo viên nòng cốt đã được trang bị kiến thức, kỹ năng hỗ trợ, vận hành, qua đó triển khai các câu lạc bộ trẻ em gái theo hình thức tự sinh hoạt, điều hành, xây dựng chương trình, tổ chức sự kiện.
Kết quả, 2 sự kiện truyền thông lớn do chính các nữ sinh trong câu lạc bộ đã diễn ra thành công rực rỡ với các chủ đề “Mạnh từ bên trong” và “Kết sức mạnh - Nối yêu thương”. Từ đây, lan tỏa những thông điệp ý nghĩa, thu hút sự tham gia của gần 2 nghìn học sinh, để lại những ấn tượng mạnh mẽ, dấu ấn đáng nhớ.
"Mạnh từ bên trong": phát triển kỹ năng tự bảo vệ cho nữ sinh trung học
Trong khuôn khổ Lễ tổng kết Chương trình “Quyết định ở chúng mình - Girls Decide”, 40 nữ sinh từ 2 trường nêu trên cùng các giảng viên quốc gia đã cùng trao đổi kinh nghiệm, góp ý xây dựng thêm vào các nội dung của Bộ giáo trình "Quyết định ở chúng mình".
Bà Nguyễn Thị Lan Minh, chuyên gia về quyền trẻ em, giảng viên cấp quốc gia của Chiến dịch nhận định: “Chương trình đã tiếp cận trẻ em gái trên cơ sở quyền trẻ em và vấn đề bản sắc giới; xác định rất rõ mục đích, mục tiêu là cung cấp kiến thức và kỹ năng, giúp nữ sinh tự tin, tự bảo vệ bản thân".
Thành viên câu lạc bộ Girls Decide Trường Trung học cơ sở Lương Yên tại buổi lễ. |
Cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà (Tường Trung học cơ sở Lý Thường Kiệt, quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết: “Cuốn giáo trình chắt lọc nhiều chủ đề phù hợp với đối tượng, rất hữu ích cho chúng tôi và các em học sinh nữ. Chúng tôi vẫn đang và sẽ tiếp tục chuyển kiến thức, kỹ năng, phương pháp mình lĩnh hội được để dẫn dắt câu lạc bộ nữ thiếu niên nhà trường tiếp nối và lan tỏa Chiến dịch”.
Em Nguyễn Bảo Châu, học sinh lớp 8A6 Trường Trung học cơ sở Lương Yên (quận Hai bà Trưng, Hà Nội) chia sẻ: “Khi mới tham gia câu lạc bộ, em thấy có nhiều bạn cũng rụt rè như em, thường ngại chia sẻ, đưa ra ý kiến. Từ đó, em thấy đồng cảm, cởi mở hơn, không còn ngại ngùng như trước nữa. Tham gia sinh hoạt câu lạc bộ, cùng trải nghiệm những hoạt động thú vị cùng các cô giáo và các bạn, em nhận thấy sự thay đổi rõ rệt của bản thân, dám nói lên ý kiến của mình".