Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái

NDO - Ngày 8/12, Trung tâm Phụ nữ và Phát triển phối hợp Cơ quan Liên hợp quốc về bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), Cơ quan Phòng, chống Ma túy và Tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) và Liên minh châu Âu tại Việt Nam tổ chức Sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng - Lần thứ 9, với chủ đề: Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái.
0:00 / 0:00
0:00
Các đại biểu thể hiện sự cam kết tại Sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng.
Các đại biểu thể hiện sự cam kết tại Sự kiện Bữa sáng Ruy băng trắng.

Hơn 120 đại biểu là các điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán, luật sư, chuyên gia và các nhà hoạt động vì bình đẳng giới đến từ Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân, đại diện các bộ, ngành, Liên đoàn luật sư, các tổ chức xã hội đã tham gia sự kiện.

Sự kiện nhằm nâng cao nhận thức và nhạy cảm giới của các cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như điều tra viên, kiểm sát viên trong các vụ án hình sự, vụ việc dân sự có người tham gia tố tụng là phụ nữ và trẻ em.

Sự kiện là một hoạt động hưởng ứng Tháng hành động Quốc gia vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2021 (15/11-15/12) tại Việt Nam, cũng như Chiến dịch toàn cầu 16 ngày Hành động chấm dứt bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11-10/12).

Phát biểu khai mạc sự kiện, bà Caroline Nyamayemombe, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam nhấn mạnh: “Bạo lực với phụ nữ và trẻ em cản trở việc thực thi quyền con người và làm xói mòn những thành tựu về phát triển bền vững”.

Nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái ảnh 1

Bà Caroline - Quyền Trưởng đại diện UN Women phát biểu tại sự kiện.

Bà cũng cho biết thêm, một nghiên cứu do UN Women và Bộ Tư pháp tiến hành năm 2017 đã chỉ ra một loạt các nguyên nhân khiến cho nạn nhân không tố cáo sự việc cho công an và không tìm kiếm sự trợ giúp pháp lý. Bà cũng cho rằng, “các cơ quan tư pháp hình sự cần phải giải quyết ngay những rào cản đối với nạn nhân như không bảo đảm sự riêng tư, những lo ngại về an toàn cho bản thân và gia đình, thủ tục phức tạp…”.

Bà Nguyễn Nguyệt Minh, Phụ trách UNODC tại Việt Nam cũng cho rằng: “Cán bộ, chiến sĩ công an hay điều tra viên thường là những người đầu tiên tiếp nhận và xử lý các vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Yêu cầu đặt ra là phải tiến hành giải quyết các vụ việc liên quan một cách nhanh chóng, đúng quy định, bảo vệ tốt nhất phụ nữ và trẻ em. Bên cạnh đó, họ cũng cần có nhận thức về giới, nhạy cảm giới và trách nhiệm giới để từ đó góp phần xóa bỏ các định kiến giới vốn tác động tiêu cực tới phụ nữ và trẻ em”.

Theo bà Nguyễn Nguyệt Minh, sự kiện nêu trên có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao nhạy cảm giới trong hoạt động tố tụng tại Việt Nam trong tương lai. Và sự kiện này cũng cho thấy vai trò trung tâm của các điều tra viên, kiểm sát viên và những người tiến hành tố tụng nói chung trong sự nghiệp đấu tranh cho bình đẳng giới và xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam.

Tại sự kiện, thông qua vở kịch tình huống do chính các cán bộ thuộc cơ quan tiến hành tố tụng ứng tác và biểu diễn; các đại biểu tham dự đã có cơ hội thảo luận về các chủ đề quan trọng bao gồm: nhạy cảm giới, định kiến giới, bình đẳng giới, phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới trong hoạt động điều tra, truy tố cũng như rút ra các bài học, kinh nghiệm quý báu cho các cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể vận dụng vào trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, nhằm bảo đảm nhạy cảm giới. Các đại biểu thể hiện cam kết thực hiện nhạy cảm giới trong điều tra, giải quyết các vụ án bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái.