Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh, năm học này, toàn thành phố có hơn 1,7 triệu học sinh, tăng hơn 35.000 học sinh so với năm học 2022-2023.
Những địa phương có tỷ lệ học sinh tăng cơ học nhiều là quận Gò Vấp, quận 12, thành phố Thủ Đức, huyện Bình Chánh… Đây là những nơi có tốc độ đô thị hóa cao, việc học sinh tăng cao qua từng năm đã gây áp lực cho hệ thống trường lớp tại các địa phương này.
Năm học 2023-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh tập trung xây dựng mô hình trường học hạnh phúc, tăng cường công tác giáo dục thể chất, hoạt động thể thao, y tế trường học.
Đơn vị này tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo theo hướng tăng cường phân cấp, phân quyền, tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đẩy mạnh tự chủ, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục.
Phụ huynh Trường trung học cơ sở Xuân Trường, thành phố Thủ Đức đưa học sinh đến trường. |
Cùng với đó, chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018.
Triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 4 cấp tiểu học; lớp 6, lớp 7, lớp 8 cấp trung học cơ sở; lớp 10 và lớp 11 cấp trung học phổ thông.
Đẩy mạnh đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra, đánh giá tích cực theo định hướng phát triển phẩm chất, năng lực học sinh. Tăng cường các điều kiện bảo đảm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường.