Chất lượng học tập thay đổi rõ rệt, chủ động và tích cực hơn

Sau một năm triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, được học các môn học theo nguyện vọng, sở trường, chất lượng học tập của hơn 100 nghìn học sinh trung học phổ thông của Hà Nội đã có sự thay đổi rõ rệt.
0:00 / 0:00
0:00
Một giờ học của học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Đức. (Ảnh HÀ AN)
Một giờ học của học sinh lớp 10 Trường THPT Việt Đức. (Ảnh HÀ AN)

2022-2023 là năm học thứ ba ngành giáo dục và đào tạo triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, nhưng đối với cấp trung học phổ thông, đây là năm đầu tiên triển khai thực hiện chương trình này từ lớp 10. Trong năm học này, thành phố Hà Nội có 235 trường trung học phổ thông với hơn 103.000 học sinh lớp 10 học Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Bên cạnh một số môn học bắt buộc, đây là lần đầu tiên học sinh lớp 10 được chọn môn học. Trong số chín môn học tự chọn của chương trình, môn Vật lý có nhiều học sinh chọn nhất với tỷ lệ 68,2%; tiếp đến là môn Tin học với 62,8%; tỷ lệ học sinh chọn học môn Địa lý là 56,3%; môn Giáo dục kinh tế và pháp luật có 55,4% học sinh chọn...

Đại diện nhiều trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố đều khẳng định, đã có sự thay đổi trong ý thức và thái độ học tập của học sinh. Học sinh được chủ động trong việc tiếp nhận kiến thức, được khuyến khích phát huy năng lực sở trường của mình.

Điều này đã đem đến những giờ học một sinh khí mới: Chủ động, tích cực, linh hoạt, sáng tạo. Kết quả sơ kết học kỳ I năm học 2022-2023 cho thấy tỷ lệ học sinh không đạt ở các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học đã giảm chỉ còn 0,1%, mức thấp nhất từ trước tới nay.

Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo Thông tư số 22 có nhiều thay đổi so với Thông tư số 58, tỷ lệ học sinh lớp 10 xếp loại tốt ở học kỳ I năm học 2022-2023 tuy không bằng cùng kỳ năm học trước, nhưng tỷ lệ học sinh không đạt đã thấp hơn hẳn.

Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nhận định, Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 đòi hỏi người giáo viên làm tốt vai trò người hướng dẫn, nhưng không phải giáo viên nào cũng thực hiện được. Trong khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, ban giám hiệu, giáo viên các trường vẫn phải bảo đảm thực hiện tốt chương trình giáo dục hiện hành.

Chính vì vậy, thời gian đầu tư thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 bị phân tán. Đặc biệt, khó khăn với hầu hết trường học là cơ cấu giáo viên chưa đáp ứng kịp yêu cầu Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, các trường phải đối mặt với tình trạng thừa-thiếu giáo viên cục bộ khi triển khai chương trình mới, do số tiết ở các môn học có sự khác nhau giữa hai chương trình.

"Năm đầu tiên triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho học sinh lớp 10, nhưng do trước đó, các em vẫn học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2006 năm lớp 9, cho nên các em rất bỡ ngỡ. Các giáo viên sau nhiều năm thực hiện dạy học theo phương pháp truyền thống, cũng phải thay đổi theo phương pháp hiện đại. Nhiều khó khăn về cách thức tổ chức và điều kiện cơ sở vật chất trong khi chịu sức ép lớn của xã hội, đòi hỏi những điều mà các trường đang vừa làm, vừa học"-cô Trần Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Trần Phú (quận Hoàn Kiếm) cho biết.

Việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các trường trung học phổ thông tại địa bàn các huyện vùng xa còn gặp nhiều khó khăn hơn. Hiệu trưởng Trường trung học phổ thông Bất Bạt Phan Lạc Dương cho biết, chất lượng học sinh đầu vào của trường rất thấp, trường phải hạ điểm sàn nhưng vẫn tuyển thiếu chỉ tiêu. Học sinh của trường thường lựa chọn môn học theo cảm tính, dẫn tới việc chọn môn học chưa thật sự phù hợp. Trong khi đó, cơ sở vật chất của trường thiếu nhiều thiết bị dạy học cho các phòng học bộ môn. Giáo viên của trường có độ tuổi chênh lệch, nhiều thầy, cô giáo có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.

Theo thầy Dương, nhà trường đã tìm nhiều cách khắc phục khó khăn. Trường đã mời chuyên gia đào tạo chuyên sâu, phân tích đánh giá tiết học cũ, hình thành phương pháp dạy hiện đại, sử dụng công cụ dạy học hiện đại. Thực hiện phong trào "Nhà trường cùng chung tay phát triển - Thầy cô cùng sẻ chia trách nhiệm", Trường trung học phổ thông Bất Bạt đã nhận được sự phối hợp, hỗ trợ từ Trường trung học phổ thông Cầu Giấy (quận Cầu Giấy) chia sẻ về chuyên môn, về việc tìm nguồn kinh phí thông qua các dự án của chính quyền và dự án nước ngoài, xã hội hóa từ nhiều nguồn...

"Nhà trường đã nhận được hàng trăm đầu sách, hàng chục triệu đồng từ thầy trò Trường trung học phổ thông Cầu Giấy để đầu tư cho thư viện trường, tổ chức các tiết đọc sách, khơi dậy phong trào đọc sách… Nhờ đó, tinh thần tự học của học sinh được nâng cao rõ rệt, góp phần thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018"-Thầy Dương cho biết.

Để thực hiện hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 trong những năm học tiếp theo, cô Trần Thị Hải Yến đề xuất, các cấp quản lý cần tạo điều kiện để nhà trường kiện toàn đội ngũ giáo viên phù hợp yêu cầu chương trình, có hướng dẫn ký hợp đồng giáo viên thỉnh giảng dạy môn Mỹ thuật, Âm nhạc, quan tâm tới đầu tư cơ sở vật chất. Đặc biệt, cần sớm công bố phương án thi và tuyển sinh đối với học sinh học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 để tạo sự yên tâm cho phụ huynh và học sinh.