Thêm trường học và giáo viên cho năm học mới

Năm học 2023-2024, Hà Nội có hơn 2.900 cơ sở giáo dục và đào tạo, tăng 34 trường mầm non và phổ thông so với năm học trước. Cùng với đó, thành phố ký hợp đồng lao động với 3.112 giáo viên và tuyển dụng 608 giáo viên giảng dạy tại các trường để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
0:00 / 0:00
0:00
Các em học sinh Hà Nội chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024.
Các em học sinh Hà Nội chuẩn bị bước vào năm học mới 2023-2024.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà, thành phố luôn đối mặt với tình trạng dân số cơ học tăng quá nhanh, bình quân mỗi năm thành phố tăng từ 50 nghìn đến 60 nghìn học sinh, tương ứng với việc cần phải xây dựng mới từ 30 đến 40 trường học.

Điều này gây khó khăn cho các địa phương, nhất là các quận nội thành hạn chế về quỹ đất. Năm học 2023-2024, thành phố có 66.110 phòng học, tăng 846 phòng học so với năm học trước. Về dài hạn, Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành nghị quyết chuyên đề về đầu tư công đối với lĩnh vực giáo dục, trong đó, giai đoạn 2021-2025, bố trí hơn 30.000 tỷ đồng triển khai thực hiện 653 dự án đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa các trường học…

Con số này đã chứng tỏ sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền địa phương cho giáo dục Thủ đô, tuy nhiên chưa thể đáp ứng mức tăng dân số cơ học nêu trên.

Trước tình trạng này, mới đây đồng chí Vũ Thu Hà đã đề nghị các cấp xem xét, cho phép Hà Nội nâng tầng đối với các khối xây dựng; xây dựng tầng hầm trong trường học tại các quận nội thành để bảo đảm sử dụng diện tích đất đạt hiệu quả tối đa.

Bên cạnh việc nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất, trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, năm học 2023-2024, Hà Nội sẽ thực hiện giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyển sinh, chủ động phân tuyến tuyển sinh và quyết tâm chấm dứt tình trạng xếp hàng nộp hồ sơ như thời gian qua.

Bắt đầu từ năm học 2023-2024, nếu cơ sở giáo dục ở quận, huyện nào còn để xảy ra việc nhiều bậc cha mẹ phải xếp hàng cả đêm khi nộp hồ sơ tuyển sinh, nhập học cho con gây mất trật tự an toàn xã hội thì trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo đơn vị đó chịu trách nhiệm trước lãnh đạo Sở. Các trường học sẽ xây dựng kế hoạch tuyển sinh; đổi mới công tác quản trị trường học; tất cả các trường sẽ áp dụng hình thức tuyển sinh trực tuyến, bảo đảm công khai, minh bạch, công bằng trong công tác tuyển sinh.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, Trần Thế Cương khẳng định

Trước yêu cầu tập trung thực hiện hiệu quả việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018 theo lộ trình, đặc biệt năm học 2023-2024 là năm trọng tâm khi vừa tiếp tục triển khai các lớp đã thực hiện theo chương trình mới, vừa triển khai mới với các lớp 4, 8, 11, vừa chuẩn bị điều kiện triển khai các lớp cuối cấp 5,9,12… Hà Nội đặc biệt chú trọng công tác chuẩn bị đội ngũ giáo viên.

Hiện thành phố có 124.493 giáo viên, tăng 1.525 giáo viên so với năm trước. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ, năm học 2023-2024, nhiều trường học trên địa bàn thành phố vẫn thiếu giáo viên, nhất là với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 (cụ thể là môn Tiếng Anh, Tin học-công nghệ từng là môn học tự chọn, giờ chuyển thành môn học bắt buộc đối với học sinh từ lớp 3).

Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Chương Mỹ cho biết, tính sơ bộ, các trường trên địa bàn huyện còn thiếu hơn 200 giáo viên các môn cơ bản. Thời điểm này, các nhà trường cũng đã ký hợp đồng giáo viên để bảo đảm đủ giáo viên đứng lớp theo quy định. Tuy nhiên, với việc triển khai các môn học mới (Tiếng Anh, Tin học-công nghệ) trong chương trình giáo dục phổ thông theo quy định bắt buộc là bốn tiết/tuần, nhiều trường học vẫn đứng trước thách thức không nhỏ, cần tiếp tục có giải pháp.

Để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân đã triển khai biện pháp xây dựng “Ngân hàng giáo viên” gồm những giáo viên giỏi, giàu kinh nghiệm của các nhà trường; đồng thời thành lập tổ công tác sẵn sàng hỗ trợ các trường học trên địa bàn để tạo sự đồng đều về chất lượng giáo dục.

Trong đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Thanh Xuân chủ trì, chịu trách nhiệm gắn kết, sắp xếp thời khóa biểu và chi trả lương cho đội ngũ giáo viên dùng chung cho các trường cùng cấp học trên địa bàn, giáo viên tiếng Anh của một trường có thể dạy tiếng Anh cho hai, ba trường khác.

Liên quan đến vấn đề thiếu giáo viên, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hội đồng nhân dân thành phố đã thông qua Nghị quyết cho phép các trường ký hợp đồng với 3.112 giáo viên mầm non, tiểu học và trung học cơ sở và tuyển dụng 608 giáo viên giảng dạy tại các trường trực thuộc Sở.

Theo phân cấp quản lý, các quận, huyện, thị xã sẽ tổ chức ký hợp đồng giáo viên cho các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở theo quy định. Riêng với giáo viên giảng dạy các trường trực thuộc Sở, ngày 20/8, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tổ chức kỳ tuyển dụng 608 giáo viên, với gần 2.000 thí sinh tham dự. Thời gian dự kiến thông báo kết quả thi trắc nghiệm là ngày 25/8. Trước đó, Sở cũng đã tổ chức xét tuyển đối với diện thí sinh được quy định tại Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5-12-2017 của Chính phủ “Về chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ” và đã có 30 thí sinh trúng tuyển.