Các đồng chí: Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam dự.
Báo cáo với đoàn giám sát, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Dương Anh Đức cho biết, trong 3 năm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, các đơn vị giáo dục trên địa bàn Thành phố triển khai thực hiện đúng lộ trình, bám sát chủ trương đổi mới giáo dục và các văn bản chỉ đạo của các cấp.
Đối với lựa chọn sách giáo khoa, Thành phố đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản hướng dẫn, kế hoạch thực hiện của các cấp. Đồng thời, lập kế hoạch cụ thể, phân công thực hiện nhiệm vụ rõ ràng, có kiểm tra việc thực hiện và điều chỉnh, bổ sung kịp thời theo từng giai đoạn và đúng tiến độ...
Tuy nhiên, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh hiện gặp một số khó khăn về tiến độ xây mới và mở rộng trường học do quỹ đất không còn nhiều. Đội ngũ giáo viên ở một số trường chưa đáp ứng về số lượng và cơ cấu bộ môn theo yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Một số giáo viên còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới, tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực, phẩm chất học sinh...
Đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội phát biểu tại buổi giám sát. |
Phát biểu tại buổi giám sát, đồng chí Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, năm 2023, Quốc hội quyết định giám sát 4 chuyên đề. Trong đó, triển khai Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 là một trong các chuyên đề giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Mục tiêu của đợt giám sát nhằm đánh giá công bằng, khách quan kết quả thực hiện trong thời gian qua, làm rõ các khó khăn, vướng mắc để qua đó kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn cho các địa phương, cũng như phát hiện những cách làm tốt, mô hình hay để nhân rộng ra cả nước.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Thành phố Hồ Chí Minh là địa bàn tập trung dân cư đông, địa bàn rộng. Thành phố cũng là địa phương triển khai các cơ chế mới, chính sách mới của Trung ương. Từ thực tế kinh nghiệm quản lý và triển khai, Thành phố sẽ đóng góp thêm nhiều kinh nghiệm, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.
Kiến nghị với đoàn giám sát, Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sớm xây dựng cơ chế chính sách cho giáo viên dạy 2 buổi/ngày; cho phép nhà trường được hợp đồng với các vị trí việc làm không tuyển dụng được (còn trong chỉ tiêu định biên) và ngân sách cấp bù để chi trả lương cho đối tượng này khi thực hiện quy định không thu tiền học phí buổi thứ 2 đối với học sinh học Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ điều chỉnh vị trí việc làm trong trường phổ thông. Cụ thể, bổ sung vị trí việc làm đối với giáo viên hai môn tiếng Anh, Tin học. Đồng thời, có văn bản hướng dẫn về tuyển dụng, xây dựng cơ chế và chế độ riêng cho giáo viên tiếng Anh, Tin học để thu hút và giữ chân đội ngũ này gắn bó với giáo dục tiểu học.
Có thêm các chính sách ưu đãi cụ thể, đất đai, thủ tục hành chính để huy động thêm nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước phát triển mạng lưới trường học được trang bị cơ sở vật chất bảo đảm điều kiện của Chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quy định cụ thể định biên cho ngành giáo dục khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018, xây dựng bổ sung vị trí việc làm, bảo đảm đủ định biên theo định mức số tiết quy định và thành phần giáo viên bộ môn đủ và cân đối hợp lý giữa các môn theo quy định của chương trình...