Chăm lo giáo dục ở vùng đất Tổ

Với địa bàn phần lớn là các huyện vùng núi, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Phú Thọ luôn đứng trước nhiều khó khăn do nguồn lực đầu tư chưa theo kịp yêu cầu phát triển. Tuy nhiên, sự nỗ lực đổi mới phương pháp, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực đầu tư của ngành giáo dục Phú Thọ đã góp phần nâng cao chất lượng dạy học trên địa bàn.
0:00 / 0:00
0:00
Tiết mục hát Xoan trong giờ học Giáo dục địa phương của Trường THCS Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, Phú Thọ.
Tiết mục hát Xoan trong giờ học Giáo dục địa phương của Trường THCS Đồng Thịnh, huyện Yên Lập, Phú Thọ.

Chúng tôi có mặt trong giờ học nội dung Giáo dục địa phương của Trường THCS Đồng Thịnh, huyện Yên Lập (tỉnh Phú Thọ). Cô giáo Đinh Thị Hảo và các học sinh say sưa với những làn điệu hát Xoan truyền thống. Những điệu múa, những câu hát được các em học sinh thể hiện thuần thục với sự hướng dẫn của cô giáo, tạo không khí vui tươi, hứng khởi cho tiết học.

Theo thầy giáo Trần Xuân Điệp, Hiệu trưởng Trường THCS Đồng Thịnh, mặc dù là địa bàn đặc biệt khó khăn của huyện Yên Lập nhưng giáo dục của xã Đồng Thịnh phát triển khá toàn diện. Truyền thống văn hóa và nếp sống cộng đồng có tác động tích cực đến sự nghiệp giáo dục trong và ngoài nhà trường. Trong đó, hát Xoan, loại hình dân ca nghi lễ, phong tục lâu đời ở Phú Thọ là một trong những nội dung được giảng dạy cho học sinh từ nhiều năm nay. Từ khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, những vấn đề về địa lý, di tích, văn hóa, lịch sử, trong đó có hát Xoan được biên soạn khoa học, kỹ lưỡng trong sách Tài liệu giáo dục địa phương với sự hỗ trợ của Dự án THCS vùng khó khăn nhất đã tạo thuận lợi cho công tác dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Ngoài ra, cơ sở vật chất của trường cũng được đầu tư mới gồm ba phòng học, phòng bộ môn, trang thiết bị, tài liệu hướng nghiệp; cha mẹ học sinh ủng hộ mua sắm TV, máy chiếu phục vụ các hoạt động dạy học và sự chăm lo của chính quyền địa phương… giúp trường có thêm điều kiện đổi mới giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục. Trường THCS Đồng Thịnh đạt chuẩn quốc gia mức độ 1; chuẩn phổ cập giáo dục mức độ 3.

Rời vùng khó khăn Đồng Thịnh, đến với Trường THCS Yên Sơn, huyện miền núi Thanh Sơn cũng có nhiều nỗ lực và nhận được sự quan tâm chăm lo việc dạy và học.

Cô giáo Phạm Thị Bình, giảng dạy môn Vật lý chia sẻ, với giáo viên, việc có các trang thiết bị dạy học hiện đại sẽ tạo điều kiện quan trọng cho sự thành công của mỗi giờ lên lớp. Trong những năm vừa qua, Dự án giáo dục THCS vùng khó khăn nhất đã triển khai đầu tư xây dựng phòng lớp học và nhiều thiết bị hiện đại giúp giáo viên nâng cao chất lượng dạy học; nhất là phòng thí nghiệm, thiết bị thí nghiệm sớm phát huy hiệu quả trong triển khai dạy học theo chương trình giáo dục phổ thông mới.

Thầy giáo Hà Ngọc Quỳnh, Hiệu trưởng Trường THCS Yên Sơn cho biết, với việc được quan tâm đầu tư, năm học 2022-2023 trường bảo đảm đủ số phòng lớp học cho 13 lớp với 439 học sinh. Ngoài ra, trường còn có sáu phòng học bộ môn: Khoa học tự nhiên, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và một phòng thư viện đạt chuẩn thư viện xuất sắc, một phòng thiết bị dùng chung… đáp ứng tốt yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Vì vậy, Trường THCS Yên Sơn luôn giữ vững các tiêu chí, tiêu chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục mức độ 2 và trường THCS đạt chuẩn quốc gia mức độ 1.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ, Phùng Quốc Lập cho biết, quá trình đổi mới giáo dục và đào tạo của tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn khi nguồn lực đầu tư cho giáo dục chưa theo kịp yêu cầu phát triển quy mô và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Điều kiện cơ sở vật chất trường lớp học của tỉnh còn hạn chế và có sự chênh lệch giữa các vùng, miền, giữa các loại hình. Trang thiết bị phục vụ dạy và học của nhiều trường còn thiếu, không đồng bộ. Đáng chú ý, đời sống của cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên, nhất là giáo viên trong diện hợp đồng, giáo viên công tác ở vùng sâu, vùng cao còn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến chất lượng thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, ngành giáo dục Phú Thọ được sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như chính quyền địa phương, cùng với sự đồng thuận của nhân dân đã từng bước tháo gỡ khó khăn.

Hiện nay, tỉnh Phú Thọ đang triển khai thực hiện đề án bảo đảm cơ sở vật chất cho chương trình giáo dục mầm non và giáo dục phổ thông giai đoạn 2017-2025; thực hiện lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia: Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025; phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025… để đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học cho các cơ sở giáo dục.

Vì vậy, giáo dục và đào tạo của tỉnh có những chuyển biến tích cực, quy mô, mạng lưới trường lớp được rà soát, sắp xếp tinh gọn bảo đảm điều kiện thuận lợi cho trẻ đến trường.

Chất lượng giáo dục ở các cấp học ổn định, trong đó chất lượng giáo dục đại trà của học sinh dân tộc thiểu số chuyển biến rõ nét, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng mạnh, tỷ lệ học sinh yếu kém, học sinh lưu ban, bỏ học giảm.

Sự chênh lệch về chất lượng giáo dục giữa vùng thuận lợi và khó khăn được thu hẹp đáng kể; trong khi tỷ lệ học sinh tốt nghiệp, trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hằng năm đều tăng. Đến nay, toàn tỉnh có 790/874 trường học đạt chuẩn quốc gia (tỷ lệ 90,39%); trong đó mầm non 253/305 trường (82,95%), tiểu học 270/275 trường (98,18%), THCS 231/245 trường (94,29%), THPT 36/49 trường (73,47%); tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 91,16%; 13/13 huyện, thành phố, thị xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3.

Phần lớn giáo viên các trường trên địa bàn đã sử dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật dạy học tích cực nhằm phát huy tính chủ động, tích cực, tự học của học sinh cả trên lớp và ngoài lớp học. Việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, bảo đảm đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.