14 người chết do tai nạn giao thông ngày đầu nghỉ Tết Dương lịch

NDO - Theo báo cáo của Bộ Công an, trong ngày 31/12, toàn quốc xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông, làm 14 người chết và 11 người bị thương.
0:00 / 0:00
0:00
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)
Ảnh minh họa. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

So cùng kỳ năm 2021, số vụ tai nạn giao thông tăng 5 vụ (+23,8%), giảm 1 người chết (-6,66%), giảm 1 người bị thương (-8,33%).

Về xử lý vi phạm, lực lượng Cảnh sát giao thông Công an các địa phương đã kiểm tra, xử lý 8.575 trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông, phạt tiền hơn 14,852 tỷ đồng, tạm giữ 2.033 phương tiện vi phạm, tước 1.362 giấy phép lái xe các loại.

Tình hình trật tự an toàn giao thông trong ngày đầu tiên kỳ nghỉ lễ cơ bản được bảo đảm. Lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao vào cuối ngày 30/12/2022 do người dân di chuyển về quê, đến các điểm du lịch; các phương tiện di chuyển chậm, không xảy ra ùn tắc giao thông nghiêm trọng.

Đến sáng 31/12, lưu lượng phương tiện trên các tuyến vắng, giao thông bảo đảm thông suốt. Lực lượng Cảnh sát giao thông các đơn vị, địa phương đã tổ chức phối hợp, phân luồng, điều tiết giao thông đúng nội quy các phương án nên tình hình ùn ứ giao thông trên các tuyến nhanh chóng được giải quyết và trở lại ổn định, bình thường.

Theo báo cáo của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Hà Nội, ngày nghỉ lễ đầu tiên của kỳ nghỉ Tết Dương lịch, các bến xe, cửa ngõ Thủ đô đều đông đúc nhưng không đến mức quá tải, các phương tiện vẫn di chuyển được theo đèn tín hiệu và sự điều tiết của lực lượng chức năng, do chiều 30/12 người dân đã sắp xếp về quê sớm để tránh cảnh ùn tắc.

Tại các tuyến đường dẫn ra cửa ngõ TP Hà Nội như: Giải Phóng, Nguyễn Trãi, Nguyễn Chí Thanh, Vành đai 3, mật độ các phương tiện tăng cao nhưng vẫn di chuyển được. Ghi nhận tại các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, người dân đến mua vé về quê đông nhưng chưa đến mức quá tải.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, từ khoảng 16 giờ ngày 30/12, tại cửa ngõ phía tây Thành phố ở Quốc lộ 1A huyện Bình Chánh, tuyến đường Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh) hàng nghìn phương tiện đổ về khiến giao thông tắc nghẽn, việc di chuyển khó khăn. Trên Quốc lộ 1A, cao tốc Long Thành-Dầu Giây, phà Cát Lái, người dân di chuyển về các tỉnh miền Đông cũng gây ùn tắc. Nhiều tuyến đường cửa ngõ sân bay Tân Sơn Nhất cũng bị ùn tắc kéo dài.

Công an Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh đã có phương án phân làn, phân luồng, điều tiết giao thông cụ thể và bố trí, huy động lực lượng bảo đảm trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng tại các nút, điểm nóng giao thông trọng điểm, các tuyến phố đi bộ và các bến xe, nhà ga trên địa bàn...

Khu vực Tân Sơn Nhất là “điểm nóng” nhất về giao thông, cùng với việc tăng các chuyến bay đêm, kết nối giao thông giữa sân bay và bên ngoài, Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh có phương án kéo dài thời gian thời gian hoạt động các tuyến xe buýt và đề nghị các hãng xe taxi, ô-tô công nghệ tăng số lượng xe để giải tỏa khách ở sân bay.