10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2023

1. Việt Nam đảm nhận nhiều trọng trách quốc tế, như thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Phó Chủ tịch Ðại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77; được bầu vào vị trí Phó Chủ tịch Ðại hội đồng Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO), thành viên Ủy ban Di sản thế giới nhiệm kỳ 2023-2027...; đồng thời củng cố và nâng tầm quan hệ song phương với nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.
0:00 / 0:00
0:00
Ðại diện Việt Nam phát biểu tại kỳ họp lần thứ 216 Hội đồng Chấp hành của UNESCO. (Ảnh MINH DUY)
Ðại diện Việt Nam phát biểu tại kỳ họp lần thứ 216 Hội đồng Chấp hành của UNESCO. (Ảnh MINH DUY)

2. Cuộc xung đột giữa Israel và lực lượng Hamas ở Dải Gaza tái bùng phát dữ dội đã cướp đi sinh mạng của hơn 21.000 người Palestine. Phía Israel cũng có khoảng 1.200 người chết. Cuộc xung đột gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng tại Dải Gaza, đe dọa phá vỡ các nỗ lực khởi động lại tiến trình hòa bình Trung Ðông, có nguy cơ khiến bạo lực lan rộng trong khu vực.

3. Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp về y tế gây lo ngại trên toàn cầu (PHEIC) sau hơn ba năm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) áp đặt mức cảnh báo cao nhất với đại dịch này. Ðầu năm 2023, Trung Quốc chính thức hạ mức quản lý dịch Covid-19, theo đó một loạt biện pháp ứng phó dịch bệnh bắt đầu có hiệu lực trong tình hình mới, đánh dấu việc mở cửa trở lại nền kinh tế sau ba năm đóng cửa chống dịch.

4. G20 cấp tư cách thành viên thường trực cho Liên minh châu Phi (AU). BRICS quyết định kết nạp thêm các thành viên mới, trong đó có Iran, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Ai Cập, Ethiopia. Xu thế mở rộng về quy mô hoạt động và số lượng thành viên của các tổ chức khu vực và quốc tế cho thấy vai trò của các nước đang phát triển ngày càng được đánh giá cao.

5. Trận động đất kinh hoàng rạng sáng 6/2/2023 có cường độ 7,8 xảy ra tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ và Tây Bắc Syria khiến hơn 50.000 người chết (chủ yếu là người Thổ Nhĩ Kỳ), hơn 130.000 người bị thương và hàng triệu người mất nhà cửa. Nhiều tổ chức quốc tế và quốc gia, trong đó có Việt Nam, cử lực lượng cứu hộ và hỗ trợ khẩn cấp giúp Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khắc phục hậu quả trận động đất.

6. NATO thúc đẩy quá trình mở rộng khi chính thức kết nạp Phần Lan thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự, đồng thời xúc tiến tiến trình kết nạp Thụy Ðiển. Tổng Thư ký NATO khẳng định, bước đi này giúp Helsinki và Stockholm bảo đảm an ninh quốc gia, đồng thời góp phần củng cố sức mạnh của NATO.

7. Nga rút khỏi một loạt hiệp ước với phương Tây như Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu (CFE), Hiệp ước Cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBT)..., cho thấy quan hệ Nga-phương Tây tiếp tục gia tăng căng thẳng. Mỹ và NATO cũng tuyên bố hoãn thực thi các nghĩa vụ theo CFE.

8. Các cuộc đảo chính xảy ra tại Niger và Gabon phản ánh một xu hướng đáng báo động về các cuộc tiếp quản quân sự tại vùng Sahel nói riêng, cũng như châu Phi nói chung. Chính biến kéo theo những hệ lụy khôn lường về an ninh, kinh tế-xã hội của các quốc gia và toàn khu vực.

9. Hội nghị thượng đỉnh toàn cầu đầu tiên về an toàn trí tuệ nhân tạo (AI) tại Anh thông qua Tuyên bố Bletchley, nhằm thúc đẩy các nỗ lực phối hợp toàn cầu trong sử dụng và nghiên cứu có trách nhiệm công nghệ này. Ðạo luật Dịch vụ kỹ thuật số của EU chính thức có hiệu lực, cho thấy quyết tâm thắt chặt kiểm soát trong lĩnh vực công nghệ.

10. Thỏa thuận quốc tế về dần loại bỏ nhiên liệu hóa thạch được thông qua tại Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP28). Quỹ “Tổn thất và Thiệt hại” cũng chính thức được khởi động nhằm bồi thường cho các quốc gia dễ bị tổn thương. Ðây là những bước tiến quan trọng trong bối cảnh Trái đất đang nóng lên nhanh chóng, kéo theo các hiện tượng thời tiết cực đoan, khiến hàng trăm nghìn người thương vong.

BAN QUỐC TẾ BÁO NHÂN DÂN (Bình chọn)