10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024

NDO - Ngày 19/11, Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết, Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024 (Data for life 2024) do Bộ Công an phát động, đã chọn được 10 đội xuất sắc vào chung kết, diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tới.
0:00 / 0:00
0:00
Vòng chung kết diễn ra 2 ngày 26 và 27/11.
Vòng chung kết diễn ra 2 ngày 26 và 27/11.

Điểm mới của cuộc thi so với các năm trước không chỉ mang tính chất quốc gia mà đã chính thức mở rộng phạm vi ra tầm quốc tế. Điều này đã tạo ra một sức hút mạnh mẽ, với sự tham gia của các đội đến từ nhiều quốc gia trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Việc mở rộng đối tượng tham gia đã mang lại sự đa dạng về ý tưởng, văn hóa và cách tiếp cận vấn đề, tạo ra sự cạnh tranh hấp dẫn và thú vị hơn.

Kết thúc vòng nhận hồ sơ trực tuyến vào ngày 21/9, Ban tổ chức đã nhận được 376 hồ sơ đăng ký dự thi. Trong đó, có 4 đội thi nước ngoài gồm: Australia, Singapore, Hàn Quốc và Indonesia.

So với năm 2023, số lượng đội thi đăng ký tăng 90,86% (376/197), thí sinh đăng ký tăng 71,93% (925/538). Phần lớn các bài thi đa dạng về lĩnh vực, sáng tạo, tận dụng được bộ dữ liệu giả lập do Ban tổ chức cung cấp cũng như nguồn dữ liệu mở để đưa ra những ý tưởng độc đáo và hữu ích, có giá trị trong cuộc sống.

Trước đó, chiều 29/7, Bộ Công an đã phối hợp Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam (VTV2) và Đại học Bách khoa Hà Nội phát động Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024.

Cuộc thi nhằm thu hút sự quan tâm của cộng đồng, đặc biệt là các tài năng trẻ, trong việc phát huy sáng tạo, đưa ra những ý tưởng và sản phẩm công nghệ thông tin thiết thực phục vụ xây dựng Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số…

10 giải pháp công nghệ vào chung kết Cuộc thi Dữ liệu với cuộc sống 2024 ảnh 1
Đội thi của Công an với sản phẩm sáng tạo đã lọt vào vòng chung kết.

Qua cuộc thi, tìm ra các ý tưởng, sản phẩm để xây dựng, phát triển thành các sản phẩm hoàn thiện, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Sáng tạo dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia”.

Sau thời gian phát động, Ban tổ chức đã nhận được hàng nghìn sản phẩm dự thi từ trong và ngoài nước với nội dung phong phú. Đến nay, Ban tổ chức đã lựa chọn 10 sản phẩm vào chung kết.

Đây là những sản phẩm có ý nghĩa thiết thực với cuộc sống hiện đại, như: Áp dụng trí tuệ nhân tạo trong giám sát 15 hành vi vi phạm trật tự bảo đảm an ninh thành phố; dự đoán khu vực rủi ro giao thông và hỗ trợ quản trị giao thông số bằng Trí tuệ nhân tạo; bản đồ Thiện nguyện và An sinh xã hội; giải quyết các bài toán cho cơ sở y tế; giải pháp KIOSK y tế thông minh tự phục vụ; CiviTrack - Nền tảng tích hợp và khai thác "hồ sơ công dân số" thông minh dựa trên đồ thị tri thức…

Vòng chung kết dự kiến diễn ra trong 2 ngày 26 và 27/11 tại Đại học Bách khoa Hà Nội và Đài Truyền hình Việt Nam.

Cuộc thi nhằm tuyên truyền và cung cấp thông tin đầy đủ, khách quan đến các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp trên toàn quốc, nâng cao nhận thức và tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai Đề án số 06, Chỉ thị số 04 và các quan điểm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Bên cạnh đó, cổ vũ ý tưởng sáng tạo khai thác dữ liệu hiệu quả để hình thành các sản phẩm, giải pháp, và dịch vụ công nghệ thiết thực phục vụ 3 trụ cột: Chính phủ số, xã hội số, kinh tế số. Qua cuộc thi tìm ra các ý tưởng, sản phẩm để xây dựng, phát triển thành các sản phẩm hoàn thiện, hình thành các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo với chủ đề “Sáng tạo dữ liệu phục vụ chuyển đổi số quốc gia”.

Thông qua cuộc thi nhằm hình thành hệ sinh thái thúc đẩy chia sẻ dữ liệu, ý tưởng và giải pháp khai thác dữ liệu nhằm đẩy mạnh tiến trình Chuyển đổi số quốc gia.