Yêu cầu cấp bách

Số người di cư trong nước, hay tị nạn ở nước ngoài tiếp tục tăng cao ở mức đáng báo động, trong bối cảnh các điểm nóng xung đột vẫn tiếp diễn, thảm họa thiên nhiên ngày càng khó lường. Thế giới cần thêm nhiều nỗ lực và giải pháp hữu hiệu, để chung tay vượt qua cuộc khủng hoảng di cư ngày càng trầm trọng.
0:00 / 0:00
0:00
Phụ nữ Sudan trong trại tị nạn ở Chad. (Ảnh: UNHCR)
Phụ nữ Sudan trong trại tị nạn ở Chad. (Ảnh: UNHCR)

Một số liệu đáng lo ngại từ Báo cáo mới đây của Trung tâm Giám sát di cư trong nước chỉ ra rằng, cuối năm 2023 vừa qua, trên thế giới, số người phải di cư trong nước đã lên mức chưa từng có, với 75,9 triệu người. Cũng trong năm 2023, gần 47 triệu lượt di cư mới trong nước được ghi nhận.

Cũng theo báo cáo, xung đột vũ trang và bạo lực tiếp tục là nguyên nhân hàng đầu khiến hàng chục triệu người phải rời bỏ nhà cửa. Bên cạnh đó, thiên tai cũng khiến hàng triệu người phải di cư mỗi năm.

Năm 2023, bão Freddy tàn phá đông nam châu Phi, động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, cùng bão Mocha ở Ấn Độ Dương đã khiến 26,4 triệu người phải di dời. Điều đáng nói là, tình trạng di cư do thiên tai đã gia tăng ở các quốc gia có thu nhập cao, điển hình là Canada, nơi các vụ cháy rừng chưa từng có khiến hàng trăm nghìn người phải di tản.

Do tần suất, thời lượng và cường độ các mối đe dọa từ thiên nhiên ngày càng nghiêm trọng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, số người phải di cư do thiên tai dự kiến còn tăng trong những năm tới.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế, báo cáo vừa được công bố là lời nhắc nhở rõ ràng về yêu cầu cấp bách tăng cường và phối hợp các nỗ lực giảm thiểu rủi ro thiên tai, hỗ trợ kiến tạo hòa bình, bảo đảm quyền con người và nếu có thể, ngăn chặn di cư trước khi nó xảy ra. Cảnh báo về việc ngày càng nhiều người phải rời bỏ nhà cửa bất đắc dĩ cũng nêu bật tầm quan trọng của kho dữ liệu tốt hơn, góp phần quản lý và giải quyết hiệu quả tình trạng di cư trong nước.

Làn sóng di cư trong nước gia tăng cũng làm trầm trọng thêm tình hình người tị nạn trên thế giới. Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi mới đây cho biết, số người tị nạn trên thế giới đã lên tới 114 triệu người, và điều đáng ngại hơn là con số này tiếp tục tăng. Chuyên gia nhấn mạnh, nhiều nơi dân thường không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn bạo lực, bất ổn, như ở Syria, Liban... Tình hình ở Dải Gaza đang gây nên những hậu quả vô cùng bi thảm cho người dân địa phương.

Cũng như những người tị nạn Trung Đông, người dân từ Cộng hòa Dân chủ Congo cũng chịu nhiều đau khổ. Trong khi đó, xung đột tại Ukraine cũng khiến cuộc sống người dân đảo lộn. Còn tại Sudan, chuyên gia nhận định, không có gì đáng ngạc nhiên khi một năm sau khi bạo lực bùng phát, số người Sudan tìm đường đến châu Âu đã tăng 500%. Hầu hết họ không muốn rời khỏi nhà, nhưng bạo lực tàn bạo buộc họ phải chạy trốn. Sự hỗ trợ không đủ từ các nước láng giềng khiến họ phải tiếp tục di chuyển, hoặc đến Bắc Phi, hoặc xa hơn là hướng về châu Âu.

Đã có những nỗ lực nhằm giải quyết khó khăn cho người tị nạn, song sự may mắn chưa dành cho tất cả mọi người. Đơn cử như trường hợp của người tị nạn Syria. Hoàn cảnh khổ cực của họ chỉ được chú ý hơn, khi làn sóng người Syria gần đây đổ vào các nước Liên minh châu Âu (EU) dường như mới khiến thúc đẩy mạnh mẽ loạt đề xuất về giải pháp, gồm cả việc gửi người tị nạn trở lại những nơi được coi là an toàn ở quê nhà.

Liên hợp quốc dẫu có đồng ý rằng, việc người tị nạn Syria tự nguyện trở về quê hương một cách an toàn là giải pháp tốt nhất, thì các chuyên gia của tổ chức đa phương lớn nhất hành tinh cũng thừa nhận, không phải ai cũng có điều kiện và may mắn đó.

Kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực thay đổi tình hình, Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Filippo Grandi nhấn mạnh, các nước giàu, các quốc gia phát triển cần đóng góp nhiều hơn nữa để hỗ trợ người tị nạn. Chuyên gia cũng kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vượt qua những khác biệt để mau chóng hành động, vì nếu không, thế giới có thể đối mặt “sự hỗn loạn di cư trầm trọng hơn”.