Yên Mỹ luôn là vùng đất năng động và sáng tạo, từ vùng quê thuần nông đã và đang trở thành vùng công nghiệp phát triển với những bước đi đột phá, trong sự nghiệp đổi mới.
Dòng chảy truyền thống
Xã Giai Phạm như bao miền quê khác ở đồng bằng sông Hồng, phong cảnh hữu tình, nếp quê thuận hòa, thân thiện. Bao đời nay, Giai Phạm được biết đến là vùng đất của danh nhân, hiếu học, lễ nghĩa, giàu truyền thống cách mạng, đồng thời có ba công trình tôn nghiêm quần tụ: Đình Dẫn Ngữ linh thiêng; Nhà tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh; Nhà tưởng niệm Trung tướng Nguyễn Bình. Không xa tại thôn Giai Phạm là Nhà tưởng niệm Hồng hà Nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. Người dân ở làng xã tâm niệm, đó là những cột trụ tinh hoa, nghĩa khí, tinh thần cống hiến của danh nhân quê hương.
Đáng kể hơn cả trong đó, là hình ảnh tôn kính của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh qua các câu chuyện cảm động được người dân quê hương truyền tụng. Chủ tịch UBND xã Nguyễn Hữu Tuân kể Tổng Bí thư là tấm gương về hiếu nghĩa, là người chồng chung thủy sắt son, người cha, người ông mẫu mực, nhân hậu... Từ khi theo cách mạng, dù bận nhiều việc quốc gia song ông luôn hướng về quê hương Giai Phạm, Yên Mỹ.
Trong những năm xa quê, ông đã sáu lần về thăm quê hương. Những lần về, dù đã là Tổng Bí thư, ông vẫn đi chiếc xe Lada cũ mầu vàng nhạt, không có điều hòa không khí, không có xe cảnh sát dẫn đường... Ông thường chỉ mặc bộ quần áo kaki bạc mầu, ăn những bữa ăn thanh đạm cùng người thân họ mạc. Khi đã thôi giữ trọng trách, năm 1993, ông cùng phu nhân Nguyễn Thị Huệ, cũng là một chiến sĩ cách mạng (hai người biết nhau từ khi ở Côn Đảo), về quê hương tôn tạo ngôi mộ cho thân phụ là cụ Nguyễn Đức Lan.
Không cho Văn phòng Trung ương Đảng biết, cũng không nhờ cậy làm phiền địa phương, hai ông bà tự đi mua vật liệu, thuê thợ, làm các công việc cần thiết để xây xong ngôi mộ bằng gạch, quét vôi vàng, khiêm nhường như mọi ngôi mộ khác trong nghĩa trang của làng, của xã.
Các thế hệ cán bộ lãnh đạo của huyện đều thấu hiểu về tình cảm gắn bó máu thịt với quần chúng, cơ sở cùng phong cách làm việc, lãnh đạo dân chủ, tỉ mỉ, sâu sát, chủ động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong đó có bài học lớn nhất, Tổng Bí thư căn dặn, nhắc nhở các cấp ủy, chính quyền địa phương là phải luôn bám sát cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng góp phần hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra.
Trên trục đường trung tâm xã đặc biệt gây ấn tượng với hệ thống nhà trường ba cấp học, liền kề khang trang bề thế. Ba ngôi trường cùng mang tên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Các cụ tâm đắc, làng xã tôn vinh vậy để các thế hệ con cháu muôn đời luôn nhớ một tấm gương sáng về cốt cách, hiếu học. Bí thư Đảng ủy xã Đặng Văn Biển cho biết, cả ba ngôi trường của xã đều đạt chuẩn quốc gia cấp độ hai. Chính từ những mái trường nơi đây, mô hình giáo dục cải cách, đổi mới từ Ban giám hiệu, đến nâng cao chất lượng giáo viên, tạo nên lớp lớp trò tốt.
Mô hình này sau đó được nhân rộng trong hệ thống giáo dục toàn huyện, góp phần đưa Yên Mỹ trở thành địa phương ở tốp đầu của Hưng Yên về thành tích giáo dục.
Bí thư Huyện ủy Yên Mỹ Nguyễn Văn Đoan, một người Giai Phạm, cùng thôn Yên Phú với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Anh sinh thành trong hoàn cảnh khá đặc biệt, là con liệt sĩ, cha anh là con trai duy nhất của gia đình. Cả bà nội và bà ngoại anh đều là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Khi anh tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp, thoạt đầu cũng muốn thử sức ở những miền đất mới, nhưng bà nội đã khuyên anh về làm việc tại quê hương. Từ cơ duyên đó, nên mỗi lần Tổng Bí thư về làng, xã, anh đều được gặp và nghe nói chuyện, nhiều lần được tiếp cơm vợ chồng ông.
Qua tâm tình, các thế hệ cán bộ lãnh đạo của huyện cũng như anh đều thấu hiểu về tình cảm gắn bó máu thịt với quần chúng, cơ sở cùng phong cách làm việc, lãnh đạo dân chủ, tỉ mỉ, sâu sát, chủ động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh. Trong đó có bài học lớn nhất, Tổng Bí thư căn dặn, nhắc nhở các cấp ủy, chính quyền địa phương là phải luôn bám sát cuộc sống, tổng kết thực tiễn để không ngừng góp phần hoàn chỉnh chủ trương, đường lối đã đề ra.
Tại nhà trưng bày lưu niệm, các kỷ vật gắn liền những năm tháng hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng theo trục thời gian. Ảnh: Thành Đạt. |
Những bước đi đột phá
Từ vùng quê thuần nông, Yên Mỹ đã và đang trở thành vùng công nghiệp phát triển với những bước đi đột phá trong sự nghiệp đổi mới. Huyện sớm tập trung quy hoạch vùng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch hạ tầng cho các mục tiêu chiến lược. Huyện có chương trình phát huy nội lực kết hợp tổng lực để đầu tư phát triển.
Theo đó, giai đoạn 2015-2020 đã huy động được 1.405 tỷ đồng, nhiệm kỳ này mục tiêu huy động 3.509 tỷ đồng. Với phương châm lấy phát triển hạ tầng làm trọng điểm, từ năm 2015 đến nay, Yên Mỹ đã đầu tư hơn 2.569 tỷ đồng để thực hiện các công trình giao thông. Hiện, không có xã nào của huyện không có tuyến giao thông huyện, tỉnh, trung ương chạy qua, đường ô-tô phát triển đến từng thôn, ngõ trên địa bàn.
Về nông nghiệp, Yên Mỹ hiện có 3.700ha đất canh tác, để dành quỹ đất phát triển công nghiệp, đất nông nghiệp huyện giảm gần 650ha so với năm 2020. Từ đó, toàn huyện tập trung ứng dụng khoa học-công nghệ, xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nâng cao hiệu quả kinh tế. Huyện hướng mạnh vào sản xuất nông nghiệp theo chuỗi.
Chủ tịch UBND huyện Yên Mỹ Đặng Xuân Lương cho biết, huyện tạo điều kiện để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản theo hướng an toàn, VietGAP. Bên cạnh việc thúc đẩy sản xuất, Yên Mỹ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, hiện đại, an toàn, gắn liền liên kết sản xuất-chế biến-tiêu thụ nông sản nhằm phát huy hiệu quả sản xuất nông nghiệp an toàn.
Yên Mỹ đã và đang hướng mạnh vào mục tiêu trở thành huyện công nghiệp. Huyện tập trung giải phóng mặt bằng cho phát triển hạ tầng nhất là giao thông và thu hút đầu tư các dự án công nghiệp và phát triển đô thị.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Đoan cho biết, các địa phương của huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực từ xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh. Năm 2022, tổng nguồn lực huy động đầu tư phát triển kinh tế-xã hội huyện đạt hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn huy động xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu đạt gần 700 tỷ đồng. Ngoài vốn từ ngân sách nhà nước, nhân dân trong huyện đã đóng góp, ủng hộ gần 80 tỷ đồng để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
Yên Mỹ đã và đang hướng mạnh vào mục tiêu trở thành huyện công nghiệp. Huyện tập trung giải phóng mặt bằng cho phát triển hạ tầng nhất là giao thông và thu hút đầu tư các dự án công nghiệp và phát triển đô thị. Hiện Yên Mỹ đã có quỹ đất công nghiệp với 9 khu công nghiệp với tổng diện tích là hơn 1.300ha (mục tiêu sẽ là 2.000ha trong tương lai).
Các địa phương của huyện đã có nhiều cách làm sáng tạo để huy động nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn lực từ xã hội hóa trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, đô thị văn minh.
Bí thư Huyện ủy Nguyễn Văn Đoan
Trong đó, 5 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động là: Phố Nối A, Dệt may Phố Nối, Thăng Long II, Yên Mỹ II, Yên Mỹ, cùng nhiều cụm công nghiệp. Huyện đã thu hút được hàng trăm dự án đầu tư, tạo việc làm ổn định cho hàng chục nghìn lao động. Hiện quỹ đất cho phát triển công nghiệp của Yên Mỹ chiếm 40% của toàn tỉnh Hưng Yên. Yên Mỹ cũng là địa phương sớm đầu tư xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số, qua đó góp phần tăng năng suất và chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, nâng cao chỉ số hài lòng của người dân và doanh nghiệp.