Yên Lạc khơi thông nguồn lực đất đai phát triển kinh tế

Huyện Yên Lạc (tỉnh Vĩnh Phúc) đang có những bước đi mạnh mẽ nhằm khai thác có hiệu quả nguồn lực đất đai phục vụ phát triển kinh tế, xã hội, trong đó ưu tiên chính là quy hoạch sử dụng đất, tập trung xử lý các trường hợp vi phạm đất đai và xây dựng hệ thống giao thông liên vùng.
0:00 / 0:00
0:00
Khu văn hóa, thể thao thôn Thụ Ích, xã Liên Châu trị giá hơn 20 tỷ đồng được khánh thành và đưa vào sử dụng.
Khu văn hóa, thể thao thôn Thụ Ích, xã Liên Châu trị giá hơn 20 tỷ đồng được khánh thành và đưa vào sử dụng.

Xử lý nghiêm minh vi phạm về đất đai

Yên Lạc là địa phương đi đầu của tỉnh trong việc xử lý vi phạm đất đai. Phó Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nguyễn Văn Hùng cho biết: Tình trạng lấn, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp. Tháng 3/2023, huyện ban hành Ðề án phòng ngừa, ngăn chặn, chống lấn, chiếm và xử lý vi phạm pháp luật về đất đai với kinh phí ước tính hơn 10,6 tỷ đồng. Công an huyện được giao chủ trì thực hiện đề án này.

Ngày 25/4/2023, huyện tổ chức lễ ra quân xử lý vi phạm pháp luật về đất đai và tổ chức đợt cao điểm xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật. Trước sự quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương, nhiều hộ dân tự giác tháo dỡ một phần hoặc toàn bộ công trình vi phạm. Ðối với các trường hợp cố tình chống đối, Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ để ra quyết định cưỡng chế, quyết định áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả và thực hiện giải tỏa, cưỡng chế đối với các trường hợp vi phạm.

Tại xã Trung Nguyên, một điểm nóng về vi phạm đất đai, nhiều trường hợp người vi phạm bất hợp tác, ra sức cản trở chính quyền, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Ngô Văn Chiến cho biết: Từ tháng 3/2023 đến nay, xã đã giải quyết hơn 30 trường hợp vi phạm. Riêng hai công trình vi phạm kiên cố tại thôn Ðông Lỗ 2 đã có giá trị khoảng ba tỷ đồng, kinh phí chi tổ chức thực hiện tháo dỡ cũng rất lớn.

Bên cạnh đó, nhiều hộ dân xã Tề Lỗ và xã Trung Nguyên sử dụng đất nông nghiệp làm nơi tập kết máy móc, xe cộ cho nên việc giải tỏa rất khó khăn. Ðể xây dựng Cụm công nghiệp Trung Nguyên, xã tổ chức nhiều cuộc đối thoại tại thôn Tân Nguyên song nhiều hộ không đến dự.

Tháng 8/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội danh “Vi phạm quy định về sử dụng đất đai” xảy ra tại xã Trung Nguyên đối với một đối tượng. Ðến nay, nhiều xã như Ðồng Cương, Tề Lỗ, Yên Ðồng, thị trấn Yên Lạc đã xử lý xong hàng trăm trường hợp vi phạm về đất đai, nhờ đó, nhiều công trình, dự án được triển khai đúng tiến độ.

Quy hoạch sử dụng đất tạo động lực phát triển kinh tế

Trao đổi về giải pháp phát huy nguồn lực đất đai, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Hà Thái Dương cho biết: Thời gian qua, toàn huyện phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh lập Quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Yên Lạc hiện nay có diện tích tự nhiên hơn 10.765 ha với 17 đơn vị hành chính, dân số hơn 162.000 người.

Dự báo đến năm 2030, dân số của huyện đạt khoảng 241.000 người, đến năm 2050 khoảng 325.300 người. Theo quy hoạch xây dựng vùng huyện Yên Lạc do Viện Quy hoạch xây dựng tỉnh Vĩnh Phúc thực hiện, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy thông qua, huyện Yên Lạc sẽ nằm trên trục kết nối với Thủ đô Hà Nội, đến năm 2030 trở thành đô thị loại IV.

Quy hoạch phân chia huyện thành ba phân vùng, trong đó, phân vùng 1 gồm các xã, thị trấn: Ðồng Văn, Ðồng Cương, Trung Nguyên, Tề Lỗ, Bình Ðịnh, thị trấn Yên Lạc, định hướng là trung tâm kinh tế, chính trị, đô thị dịch vụ thương mại, công nghiệp kết hợp du lịch văn hóa tâm linh. Phân vùng 2 gồm các xã: Tam Hồng, Yên Ðồng, Yên Phương, Nguyệt Ðức, Văn Tiến, tập trung phát triển công nghiệp, đô thị và thương mại dịch vụ. Phân vùng 3 gồm các xã: Ðại Tự, Liên Châu, Hồng Châu, Hồng Phương, Trung Kiên, Trung Hà.

Các xã này giáp sông Hồng, có quỹ đất nông nghiệp rất lớn, đang chờ cơ hội phát triển mới khi cầu Vân Phúc bắc qua sông Hồng được xây dựng. Khu vực này định hướng phát triển thành hai tiểu vùng. Khu vực bãi sông bên ngoài đê rộng 1.413 ha đã được quy hoạch phát triển dịch vụ, du lịch, phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ, quy định bảo vệ đê điều.

Trong đê là khu vực đất lúa cần bảo vệ nghiêm ngặt, sẽ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cây thực phẩm cao cấp, rau sạch. Khu vực ngoài đê dành cho phát triển nông nghiệp chất lượng cao; chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung theo hướng nuôi công nghiệp; hình thành khu sinh thái, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao, thương mại-dịch vụ.

Theo Quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030, dự kiến sẽ có 2.628 ha đất nông nghiệp được chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp; chuyển 19,83 ha đất phi nông nghiệp không phải đất ở sang đất ở. Ðến năm 2030, có thêm 458 ha đất khu công nghiệp, 235,23 ha đất cụm công nghiệp và 372,9 ha đất thương mại dịch vụ, đô thị.

Huyện Yên Lạc cũng lập quy hoạch 10 cụm công nghiệp với tổng diện tích 332,8 ha, trong đó ba cụm công nghiệp làng nghề tại các xã Tề Lỗ, Yên Ðồng và thị trấn Yên Lạc đã đưa vào hoạt động. Có ba cụm công nghiệp đang được đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng hạ tầng là Cụm công nghiệp làng nghề Minh Phương, Cụm công nghiệp Ðồng Văn và Cụm công nghiệp Trung Nguyên. Bên cạnh đó, huyện quy hoạch ba khu công nghiệp với tổng diện tích 470 ha nhằm tạo sự bứt phá về phát triển công nghiệp. Yên Lạc cũng đẩy mạnh các dự án phát triển đô thị, xây dựng kết cấu hạ tầng khung đô thị, hoàn thiện các dự án hạ tầng kỹ thuật, bố trí quỹ đất phát triển công nghiệp, đô thị, thương mại-dịch vụ và xây dựng các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư. Việc sớm thông qua Quy hoạch vùng huyện sẽ mở ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, xã hội, đô thị cho huyện Yên Lạc.