Với chủ đề “Hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, phát triển sản xuất kinh doanh theo chuỗi giá trị, xây dựng nông thôn mới bền vững, văn minh, hạnh phúc”. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp tại Trung tâm Hội nghị tỉnh và trực tuyến tại 6 điểm cầu các huyện, thị xã.
Tham dự Hội nghị, có đại diện Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cùng gần 500 cán bộ, hội viên, nông dân, đại diện các doanh nghiệp, hợp tác xã hoạt động trên lĩnh vực nông nghiệp.
Thời gian qua, Yên Bái ban hành các nghị quyết chuyên đề, các chính sách đặc thù nhằm phát triển “tam nông”. Đến nay, tỉnh đã phát triển một số vùng chuyên canh, thâm canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm chủ lực và 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ. Toàn tỉnh có 88/150 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 17 xã nông thôn mới nâng cao; 3 xã kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện đạt và hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.
Phát huy tinh thần thẳng thắn, cởi mở, đại diện nông dân trong tỉnh có 18 ý kiến ngắn gọn, rõ ràng, cụ thể trên các lĩnh vực, tập trung vào các nội dung: Những chủ trương, chính sách để phát triển các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, rút ngắn khoảng cách thu nhập giữa thành thị với nông thôn; định hướng để xây dựng nông thôn văn minh, phát triển toàn diện, nông nghiệp sinh thái, sản xuất hàng hóa quy mô lớn có giá trị tăng cao gắn với thị trường trong và ngoài nước và quốc tế; giải pháp quản lý và phát triển nguồn Quỹ hỗ trợ nông dân đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp và phát triển sản xuất của nông dân; bổ sung chính sách về hỗ trợ cấp giấy chứng nhận đối với hộ sản xuất kinh doanh nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh; cơ chế chính sách khắc phục khó khăn cho người trồng rừng; giải pháp thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Các ý kiến tại buổi đối thoại đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất kém hiệu quả sang đất khác, cho phù hợp với sự phát triển của địa phương; xem xét, cho phép miễn các loại phí liên quan đến việc chỉnh lý biến động đất trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất khi người dân đã thực hiện việc hiến đất cho nhà nước và ưu tiên hoàn thiện thủ tục, hồ sơ chỉnh lý giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với thời gian sớm nhất.
Việc thu hút các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết đầu tư sản xuất kinh doanh và gắn bó lâu dài với nông nghiệp, nông dân, nông thôn để liên kết sản xuất, chế biến nông lâm sản, tham gia xây dựng thương hiệu, uy tín,chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông lâm sản, phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Tăng cường thanh tra, kiểm tra chất lượng mặt hàng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để tránh thiệt hại cho người nông dân. Cần có cơ chế, chính sách, quy định về thủ tục kinh doanh để các nhà kinh doanh xăng dầu xây dựng cây xăng mini tại các xã vùng cao…
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn cùng lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã trả lời xác đáng, trúng, chính xác các vấn đề nông dân quan tâm. Đồng thời,nghiêm túc tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của nông dân, tiếp tục rà soát các quy định, chính sách của Trung ương, của tỉnh, từ đó nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, để các nghị quyết, cơ chế chính sách thực sự đi vào cuộc sống. Có các giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh của địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên một diện tích, khuyến khích nông dân đầu tư, phát triển.
Lãnh đạo tỉnh luôn đồng hành, khuyến khích, tạo điều kiện,hướng dẫn, định hướng, tư vấn, hỗ trợ về kỹ thuật, vốn, tìm kiếm thị trường để nông dân phát huy vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, góp phần xây dựng quê hương Yên Bái ngày càng phát triển nhanh, bền vững theo hướng “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”.