Xung đột Nga-Ukraine và nỗi lo khủng hoảng lương thực

Trong bối cảnh xung đột Nga-Ukraine, hai nước xuất khẩu lúa mì lớn nhất thế giới, chưa “hạ nhiệt”, viễn cảnh u ám về một cuộc khủng hoảng lương thực đang ở ngay trước mắt. Nỗi lo mất an ninh lương thực giờ không còn là câu chuyện của riêng một quốc gia hay khu vực.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Giới chuyên gia lo ngại một cuộc khủng hoảng lương thực nghiêm trọng đang đến gần. Bài toán xung đột Nga-Ukraine chưa tìm được lời giải khiến vụ xuân ở Ukraine gián đoạn, đất canh tác bị bỏ hoang, người dân lo lắng cho an toàn tính mạng hơn là chú tâm vào sản xuất. Nga hạn chế xuất khẩu ngũ cốc để bảo đảm nguồn cung trong nước trước các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt của phương Tây. Hiện chưa quốc gia nào có thể thay thế hai nước Đông Âu nêu trên trong xuất khẩu lúa mì ra thị trường thế giới.

Nga và Ukraine là hai nước trồng và xuất khẩu ngũ cốc lớn nhất thế giới, chiếm khoảng 30% sản lượng lúa mì, 32% lúa mạch, 17% ngô và 75% dầu hướng dương. Các quốc gia Trung Đông và Bắc Phi mong mỏi cuộc xung đột Nga-Ukraine sớm chấm dứt, bởi họ phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung ngũ cốc từ hai nước này. 

Không chỉ giảm năng suất và diện tích canh tác, khó khăn về hậu cần trên biên giới với Romania, Hungary, Slovakia và Ba Lan khiến Ukraine chỉ có thể xuất khẩu sang châu Âu 600 nghìn tấn ngũ cốc mỗi tháng, thay vì 5 triệu tấn như trước đây. 

Từ ngày 15/2 đến 30/6, Nga dự kiến bán ra nước ngoài tới 11 triệu tấn ngũ cốc, trong đó chủ yếu là lúa mì với 8 triệu tấn. Tuy nhiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến hoạt động xuất khẩu của Moskva bị đình trệ. Theo ước tính của Bộ Nông nghiệp Mỹ, xuất khẩu lúa mì từ Nga và Ukraine sẽ giảm 7 triệu tấn, tương đương mức giảm 12% so mùa trước.
 
Năng lượng thiếu hụt và tăng giá cùng nguồn cung phân bón từ Nga giảm mạnh cũng là nguyên nhân khiến năng suất canh tác và xuất khẩu lương thực sụt giảm, bởi Moskva chiếm tới 17% nguồn cung phân bón toàn cầu. 

Trước khi căng thẳng địa chính trị ở Đông Âu xảy ra, Ukraine nhập khẩu 75% dầu diesel từ Nga, phần còn lại được cung cấp bằng đường biển, nhưng các tuyến đường hàng hải đã bị đóng cửa. 

Việc thiếu hụt dầu diesel vận hành máy móc nông nghiệp khiến người dân Ukraine không thể canh tác vụ xuân hoặc chỉ sản xuất cầm chừng. Việc thiếu phân bón ảnh hưởng cả ngắn hạn và dài hạn tới nguồn cung ngũ cốc và các loại thực phẩm khác trên toàn cầu.

Bên cạnh nỗi lo thiếu lương thực, nhiều quốc gia trên thế giới, nhất là các nước nghèo phụ thuộc nguồn cung bên ngoài, còn đứng ngồi không yên trước giá lương thực “phi mã”. Và quả thật, giá lương thực đã tăng lên mức cao nhất trong lịch sử 61 năm kể từ khi Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) bắt đầu công bố Chỉ số giá lương thực. 

Cụ thể, chỉ số giá lương thực của FAO trong tháng 3 vừa qua đạt mức 140,7 điểm, cao hơn 3,9% tháng trước đó và hơn 24,1% cùng kỳ năm 2021. Giá lương thực tăng cao khiến an ninh lương thực toàn cầu trở nên bấp bênh. 

Theo ước tính của FAO, nếu xung đột Nga-Ukraine kéo dài khiến xuất khẩu lương thực giảm sút, số người thiếu dinh dưỡng trên thế giới sẽ tăng thêm 8-13 triệu người. Thậm chí, tại khu vực Đông Phi, vốn vật vã với nạn hạn hán suốt ba năm qua, tình trạng thiếu lương thực sẽ càng trở nên nghiêm trọng. 

Giám đốc Chương trình lương thực thế giới (WFP) David Beasley (Đ.Bi-xli) cảnh báo, khoảng 270 triệu người trên thế giới đang đứng trước bờ vực của nạn đói. 811 triệu người suy dinh dưỡng năm 2020, cao hơn 161 triệu người của năm 2019. Dịch Covid-19 chưa qua, xung đột tại Ukraine lại tới, như lửa đổ thêm dầu, khiến nỗi lo mất an ninh lương thực, nghèo đói và suy dinh dưỡng càng gia tăng. 

Căng thẳng tại Ukraine đang đe dọa phá hủy thành quả WFP nỗ lực nhiều năm qua để bảo đảm lương thực cho khoảng 125 triệu người cần hỗ trợ. Trước xung đột, 50% lượng ngũ cốc WFP hỗ trợ các nước được mua từ Ukraine. Xung đột cũng khiến WFP không thể nhập khẩu phân bón từ Nga và Belarus. Do vậy, năng suất canh tác thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng và sản lượng thu hoạch dự báo giảm ít nhất 50%.

Theo các chuyên gia lương thực, hàng triệu gia đình tại nhiều khu vực kém phát triển trên thế giới, thay vì ăn ngon mặc đẹp, hiện chỉ dám nghĩ tới các bữa ăn no và đủ dinh dưỡng.