Xung đột Hamas-Israel: Toàn bộ dải Gaza rơi vào cảnh mất điện

Bộ trưởng Năng lượng Israel ra thông báo về quyết định cắt nguồn cung nước, điện và nhiên liệu, đồng thời cho biết nhà máy điện ở Dải Gaza đã dừng hoạt động, toàn bộ vùng đất này rơi vào cảnh mất điện.
0:00 / 0:00
0:00
Khóc thương người thân thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn ở Jabalia, Dải Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Khóc thương người thân thiệt mạng trong cuộc không kích của Israel tại trại tị nạn ở Jabalia, Dải Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/10, nhà chức trách Dải Gaza thông báo, điện lưới khu vực đã sập hoàn toàn sau khi nhà máy điện duy nhất dừng hoạt động vì thiếu nhiên liệu trong bối cảnh Israel phong tỏa toàn bộ vùng đất này.

Theo người đứng đầu chính quyền Dải Gaza, Jalal Ismail, nhà máy dừng hoạt động vào khoảng 14 giờ ngày 11/10, giờ địa phương (18 giờ theo giờ Việt Nam). Trước đó, nhà chức trách cũng đã cảnh báo nhà máy đang cạn kiệt nhiên liệu.

Bộ trưởng Năng lượng Israel Israel Katz cũng ra thông báo về quyết định cắt nguồn cung nước, điện và nhiên liệu, đồng thời cho biết nhà máy điện ở Dải Gaza đã dừng hoạt động, toàn bộ vùng đất này rơi vào cảnh mất điện.

Thông báo nêu rõ, Israel sẽ tiếp tục phong tỏa toàn diện Dải Gaza cho tới khi "mối đe dọa từ phong trào Hồi giáo Hamas được loại bỏ".

Tại Israel, nhiều trường học phải đóng cửa kể từ khi xung đột với Hamas leo thang và sẽ chuyển sang hình thức học trực tuyến. Bộ Giáo dục Israel cho biết, các bài học trực tuyến cũng sẽ được xây dựng để bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế.

Các chính phủ và các hãng hàng không đang nỗ lực tổ chức các chuyến bay sơ tán hàng nghìn khách du lịch từ Israel và hồi hương công dân.

Hãng hàng không El Al của Israel cho biết, sẽ tổ chức thêm 12 chuyến bay trong các ngày 11-12/10 đến và đi từ Athens, Rome, Madrid, Bucharest, New York, Paris, Larnaca và Istanbul. Hãng hàng không giá rẻ Sun Dor cũng sắp xếp các chuyến bay giải cứu từ Istanbul.

Các động thái trên diễn ra trong bối cảnh xung đột leo thang khiến tổng số người thiệt mạng ở cả Israel và Dải Gaza đã lên tới hơn 2.000 người.

Hầu hết các hãng hàng không quốc tế đã hoãn hoặc tạm dừng dịch vụ. Các dịch vụ lãnh sự cũng nỗ lực để đáp ứng các yêu cầu hỗ trợ, ưu tiên những trường hợp báo cáo người thân mất tích.

Trong diễn biến liên quan, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã đến Israel ngày 11/10 để bày tỏ tình đoàn kết với người dân nước này.

Trước đó, ngày 10/10, Ngoại trưởng Cộng hòa Séc Jan Lipavsky đã đến Israel, trở thành quan chức nước ngoài đầu tiên đến thăm Israel kể từ khi xung đột bùng phát cuối tuần qua.

Cũng trong ngày 11/10, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov thông báo, Moskva cam kết duy trì đối thoại với cả Israel và Palestine và "điều quan trọng là duy trì cách tiếp cận cân bằng nhằm tham gia vào tiến trình giải quyết xung đột".

Tuy nhiên, hiện còn quá sớm để nói về vai trò của Nga trong tiến trình giải quyết tranh chấp giữa Israel và Palestine, cũng như về những hệ quả của cuộc tranh chấp này khi xung đột đang ở trong giai đoạn khốc liệt. Moskva kêu gọi trước hết cần chấm dứt các cuộc tấn công và việc sử dụng vũ lực không phù hợp.

Người phát ngôn Điện Kremlin khẳng định, Nga sẽ tiếp tục duy trì liên lạc với cả hai phía, đồng thời nhấn mạnh rằng bất kỳ nỗ lực nào có thể giúp chấm dứt cuộc xung đột vừa nổ ra đều đáng hoan nghênh dù đó là sáng kiến từ bất kỳ ai.

Xung đột Hamas-Israel: Toàn bộ dải Gaza rơi vào cảnh mất điện ảnh 2

Người dân tìm kiếm người bị mắc kẹt trong những đống đổ nát sau vụ không kích của Israel tại Khan Younis, Dải Gaza, ngày 11/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Tổng Thư ký Liên đoàn Arab (AL), ông Ahmed Abul Gheit ngày 11/10 đã lên tiếng kêu gọi chấm dứt tình trạng xung đột vũ trang leo thang nghiêm trọng hiện nay ở Dải Gaza, để tránh tình trạng xấu đi hơn nữa có thể gây nguy hiểm cho sự ổn định của toàn khu vực.

Phát biểu tại cuộc họp khẩn cấp của Ngoại trưởng các nước Arab ở thủ đô Cairo, ông Abul Gheit đánh giá leo thang hiện nay giữa người Palestine và Israel là “chưa từng có", đồng thời cảnh báo rằng có khả năng cao là tình hình sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát và các cuộc đối đầu sẽ mở rộng, đẩy khu vực vào tình trạng bất ổn.

Ông Abu Gheit kêu gọi tất cả các bên kiềm chế và cân nhắc hậu quả những hành động của mình, đồng thời cảnh báo rằng các hành động trả đũa mà Israel đang chuẩn bị sẽ không mang lại ổn định cho khu vực, mà trái lại sẽ đẩy khu vực tới nhiều hành động bạo lực hơn nữa.

Ông nhắc lại việc phản đối các hành vi bạo lực chống lại dân thường, nhấn mạnh rằng giết hại thường dân và đe dọa người dân vô tội là một việc làm không thể chấp nhận.

Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng leo thang hiện nay không phải là nhất thời vì lý do của nó rõ ràng đối với tất cả những ai đang xem người Palestine là một vấn đề an ninh. Israel tạo ra một hệ thống chiếm đóng và làm ảnh hưởng tới giải pháp hai nhà nước, thông qua các hoạt động định cư liên tục. Tất cả những lý do này đã phá hủy mọi triển vọng về một giải pháp chính trị và dẫn đến tình trạng bi thảm như chúng ta thấy hiện nay.

Người đứng đầu AL cho biết việc chấm dứt chiếm đóng và thành lập một nhà nước Palestine độc lập trong phạm vi biên giới năm 1967, với Đông Jerusalem là thủ đô, là cách hợp lý duy nhất để bảo đảm một tương lai an toàn cho cả người Palestine và người Israel.

Kết thúc bài phát biểu, ông Abu Gheit bày tỏ mong muốn một ngày nào đó được chứng kiến người Palestine và người Israel sinh sống bên cạnh nhau trong hòa bình và an ninh, đồng thời nhấn mạnh rằng các thế hệ mai sau xứng đáng được sống thoát khỏi vòng xoáy hận thù và bạo lực.