Khẩn cấp ngăn chặn bạo lực leo thang ở Trung Đông

Trong tuyên bố ngày 9/10, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi khẩn cấp ngăn chặn và chấm dứt “vòng luẩn quẩn bạo lực” giữa người Palestine và Israel.
0:00 / 0:00
0:00
Khói bốc lên sau một đợt tấn công của Israel vào Dải Gaza, ngày 7/10/2023. (Ảnh: Reuters)
Khói bốc lên sau một đợt tấn công của Israel vào Dải Gaza, ngày 7/10/2023. (Ảnh: Reuters)

Theo nhà lãnh đạo Liên hợp quốc, tình trạng bạo lực hiện nay có nguyên nhân gốc rễ xung đột dai dẳng từ hàng chục năm trước và đến nay chưa có hồi kết. Ông Guterres nhấn mạnh rằng, nền hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người Palestine và Israel, với tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước, phù hợp các thỏa thuận đã đạt được, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Nền hòa bình chỉ có thể đạt được thông qua đàm phán, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người Palestine và Israel, với tầm nhìn về giải pháp hai nhà nước, phù hợp các thỏa thuận đã đạt được, các nghị quyết liên quan của Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres

Cùng ngày, nhằm tìm cách giảm leo thang bạo lực giữa Israel và lực lượng Hamas, Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El-Sisi đã có các cuộc điện đàm riêng rẽ với Tổng Thư ký Liên hợp quốc và các nhà lãnh đạo Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Saudi Arabia và Cộng hòa Síp. Trong các cuộc điện đàm, các nhà lãnh đạo thảo luận về những diễn biến nguy hiểm liên quan cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, mối đe dọa với tính mạng dân thường và sự ổn định trong khu vực, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc kiềm chế nhằm làm dịu căng thẳng, khôi phục tiến trình hòa bình Trung Đông.

Các Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên Liên đoàn Arab (AL) tổ chức cuộc họp bất thường tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong hôm nay (ngày 11/10) để thảo luận về xung đột tại dải Gaza.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã tiến hành điện đàm riêng rẽ với Tổng thống Palestine và Tổng thống Israel, cũng như với Thủ tướng Liban. Lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của người Palestine và giải pháp hai nhà nước nhằm giải quyết xung đột Israel-Palestine. Các Bộ trưởng Ngoại giao các quốc gia thành viên Liên đoàn Arab (AL) tổ chức cuộc họp bất thường tại thủ đô Cairo của Ai Cập trong hôm nay (ngày 11/10) để thảo luận về xung đột tại dải Gaza.

Trước đó, Thủ tướng Đức Olaf Scholz thông báo tiến hành hội đàm với các nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ và Anh để thảo luận về cuộc xung đột Hamas-Israel; khẳng định các nước này sẽ đoàn kết để đưa ra phản ứng chung. Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ cho biết, Mỹ không có ý định can thiệp quân sự vào cuộc xung đột lần này giữa Israel và phong trào Hamas.

Trong bối cảnh xung đột leo thang, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu kêu gọi phe đối lập tham gia thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Ông Netanyahu khẳng định sẽ nỗ lực vì “sự đoàn kết của người dân” thông qua thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc. Israel cũng công bố kế hoạch khẩn cấp trong trường hợp các hãng hàng không nước ngoài dừng toàn bộ các chuyến bay đến nước này do bạo lực leo thang, nhằm hỗ trợ công dân Israel trở về nước.

Phó Thủ lĩnh chính trị của phong trào Hồi giáo Hamas Moussa Abu Marzouk cho biết, lực lượng này để ngỏ việc thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn với Israel, sau khi “đạt được mục tiêu”. Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas kêu gọi Liên hợp quốc can thiệp để ngăn ngừa xảy ra thảm họa nhân đạo tại dải Gaza, trong bối cảnh quân đội Israel cùng ngày thông báo điều động một lực lượng kỷ lục gồm 300.000 quân dự bị để đáp trả cuộc tấn công trên nhiều mặt trận của Hamas.

Ngày 9/10, Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine thông báo, Ai Cập đã gửi đợt viện trợ y tế khẩn cấp đầu tiên tới dải Gaza qua cửa khẩu biên giới Rafah. Liên minh châu Âu (EU) cũng khẳng định tiếp tục viện trợ nhân đạo cho người dân Palestine. Mexico đã điều máy bay vận tải quân sự cỡ lớn sang thành phố Tel Aviv của Israel để sơ tán công dân, đồng thời chở vật phẩm nhân đạo hỗ trợ cho người dân sở tại.