Xuất nhập khẩu năm 2022 tiếp tục đạt kỷ lục mới

NDO - Năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa cả nước lần đầu tiên đạt con số 732,5 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Đây là nỗ lực rất lớn của các Bộ ngành, doanh nghiệp trong việc tận dụng hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) và cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động xuất nhập khẩu.
0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, xuất khẩu lần đầu tiên đạt 732,5 tỷ USD
Năm 2022, xuất khẩu lần đầu tiên đạt 732,5 tỷ USD

Điểm sáng xuất nhập khẩu

Là một trong những nhóm hàng xuất khẩu điểm sáng của năm 2022, kim ngạch xuất khẩu gạo gạo năm nay đã đạt 3,49 tỷ USD, cao nhất sau 15 năm, tiếp tục là mặt hàng nông sản xuất khẩu tỉ đô.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), riêng trong tháng 11, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn so với thời điểm Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. Thị trường thế giới biến động, có ảnh hưởng của chính trị, kéo theo nhu cầu lương thực tăng cao. Nên chắc chắn gạo Việt xuất đi các nước sẽ neo ở mức cao, thậm chí còn hơn các năm ở những thời điểm quyết định.

Ông Phạm Thái Bình, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An cho biết, trong rất nhiều năm qua, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn. Đây là năm xuất khẩu thắng lợi cho hạt gạo.

Thành công của xuất khẩu gạo là thành công chung của hoạt động xuất khẩu hàng hóa nước ta. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Thống kê, xuất nhập khẩu hàng hóa chính thức đạt kỷ lục mới khi đạt 732,5 tỷ USD cho cả năm 2022. Trong đó xuất khẩu tăng 10,6%; nhập khẩu tăng 8,4%. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2022 ước tính xuất siêu 11,2 tỷ USD.

Điểm sáng của hoạt động xuất nhập khẩu cả nước trong năm qua là xuất khẩu duy trì được tốc độ tăng cao so với cùng kỳ năm trước, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn từ thị trường thế giới. Xuất khẩu tăng cao giúp cán cân thương mại duy trì vị thế xuất siêu, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ ổn định tỷ giá.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) chia sẻ, kết quả tăng trưởng xuất nhập khẩu thời gian vừa qua có những nguyên nhân do các doanh nghiệp đã sớm ổn định phục hồi sản xuất sau khi kiểm soát được đại dịch Covid-19 từ quý IV năm 2021. Nhập khẩu nguyên liệu gia tăng phục vụ cho sản xuất là động lực rất lớn để tạo ra nguồn hàng cho hoạt động xuất khẩu.

“Đây cũng là thời điểm các FTA thế hệ mới bắt đầu có hiệu lực và phát huy tác dụng. Với những thị trường lớn như EU, Anh, khối CPTPP, thị trường châu Á Thái Bình Dương… các hiệp định tạo ra xung lực tốt, đặc biệt với những khu vực thị trường mà chúng ta chưa từng có FTA như Canada, Peru, Mexico…”, ông Trần Thanh Hải chỉ rõ.

Thêm nữa, thời gian qua, Bộ Công Thương và nhiều Bộ ngành khác đã nỗ lực tạo thuận lợi cho thương mại và cải cách hành chính để hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp gặp nhiều thuận lợi nhất. Theo đó, Bộ Công thương đã tăng cường chuyển giao cho doanh nghiệp tự chứng nhận xuất xứ. Nếu như trước đây, phần lớn đều là doanh nghiệp phải đến các cơ quan chức năng như Bộ Công thương để được cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) thì hiện nay, Bộ Công thương đang đi theo xu hướng sẽ chuyển dịch dần sang cho doanh nghiệp tự chứng nhận nhằm giảm bớt thời gian và chi phí.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương đang tiến hành đẩy mạnh việc cấp C/O điện tử. Hiện nay trong ASEAN đã cấp C/O điện tử 100%. Ngoài ra, Bộ Công Thương đang chủ động cấp C/O điện tử và trao đổi dữ liệu điện tử, công nhận dữ liệu điện tử để doanh nghiệp được hưởng ưu đãi với rất nhiều đối tác, trong đó có Hàn Quốc, khối EAEU…

Đặc biệt, một trong những điểm sáng của hoạt động xuất khẩu năm 2022 là nhóm hàng nông sản đã có sự tăng trưởng ấn tượng ở nhiều nhóm hàng như cà phê, chè, tiêu, sắn, gạo…

Ông Trần Thanh Hải ghi nhận, xuất khẩu gạo năm nay đạt khối lượng lớn và giá trị cao nhờ nỗ lực thay đổi cơ cấu theo hướng tăng xuất khẩu gạo thơm, gạo chất lượng cao… Đặc biệt, năm nay, Trung Quốc đã mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho rất nhiều mặt hàng như sầu riêng, tổ yến… Ngoài ra, ta cũng đã hoàn thiện mở cửa thị trường cho mặt hàng nhãn sang Nhật Bản hoặc chanh, bưởi sang New Zealand. Đây là nỗ lực đặc biệt để đa dạng hóa thị trường cho mặt hàng nông sản. Điều này cũng phản ánh sự chuyển biến đúng hướng là tăng giá trị cho tăng trưởng nông sản xuất khẩu, khai thác tốt thị trường truyền thống và các thị trường mới, đóng góp tích cực cho tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa nói chung.

Xuất nhập khẩu năm 2022 tiếp tục đạt kỷ lục mới ảnh 1

Xuất khẩu gạo đạt kỷ lục.

Cơ hội nào cho xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2023?

Năm 2023, dự báo tình hình thế giới sẽ vẫn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Song các Hiệp định FTA tiếp tục được thực thi, cắt giảm thuế quan và việc đẩy mạnh chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội được kỳ vọng sẽ là động lực thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu. Thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực, sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu. Việc Trung Quốc mở cửa biên giới và nới lỏng chính sách “Zero Covid” cũng sẽ tạo điều kiện rất lớn cho doanh nghiệp.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ, vào ngày 8/1/2023, thị trường Trung Quốc sẽ mở cửa hoàn toàn, chấm dứt chính sách zero covid. Đây là tin rất vui bởi đã mở ra triển vọng lớn cho ngành rau quả Việt Nam. Thứ nhất, thủ tục, thời gian thông quan qua biên giới sẽ giảm, chi phí vận chuyển giảm, hàng hoá được giao nhận nhanh hơn, không ảnh hưởng tới phẩm chất hàng hoá. Điều này cũng góp phần kích cầu tiêu dùng ở thị trường sở tại. Thứ hai, việc thông thương qua lại giữa doanh nhân 2 nước dễ dàng giúp ký kết hợp đồng thuận lợi hơn.

“Với những yếu tố đó, năm 2023 dự báo kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng 20-30%, đạt khoảng 4 tỷ USD. Về mặt hàng, tăng cao nhất là sầu riêng, có khả năng đạt 1 tỷ USD”, ông Nguyên dự báo.

Ở góc độ khác, ông Trần Thanh Hải cho rằng, dự báo xuất nhập khẩu sẽ còn nhiều khó khăn, đặc biệt là do tình hình xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina chưa có tín hiệu chấm dứt sớm. Bên cạnh đó, suy thoái toàn cầu đã dẫn đến giảm cầu ở nhiều thị trường, ảnh hưởng đến xuất khẩu hàng hóa của nước ta.

Trong bối cảnh đó, Bộ Công thương đã đặt ra một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó nhiệm vụ trọng tâm là đẩy mạnh thông tin về các FTA. Đây được coi là công cụ dài hạn để duy trì tăng trưởng xuất khẩu bền vững. Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng xác định đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tập trung vào các chương trình xúc tiến thương mại truyền thống, nhất là khi đại dịch đã cơ bản được kiểm soát ở nhiều quốc gia trên thế giới. Song song với đó, phát huy hơn nữa hiệu quả của kênh thương mại điện tử - công cụ mà ta đã tận dụng rất tốt những năm vừa qua. Đồng thời, nỗ lực cải cách hành chính, nỗ lực giảm chi phí logistics để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn.

Đối với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Hải chỉ rõ, sau những thử thách thời gian qua, tính chủ động của doanh nghiệp chính là yếu tố sống còn để vượt khó khăn. Có thể thời điểm này, doanh nghiệp vẫn chịu những ảnh hưởng tạm thời, gây sụt giảm doanh thu và quy mô xuất khẩu nhưng nếu có các giải pháp ứng phó với rủi ro thì khi điều kiện thuận lợi hơn, việc xuất khẩu tăng trưởng trở lại là điều hoàn toàn có khả năng.

“Với những doanh nghiệp xuất khẩu tốt rồi thì tuyệt đối không được chủ quan với thành tích vì bối cảnh hiện nay đang tồn tại những biến động nhanh khó dự đoán được. Việc chuẩn bị kỹ càng cho từng thời điểm là yếu tố quan trọng”, ông Hải nói.

Về lâu dài, việc xây dựng được 1 đội ngũ chuyên nghiệp là yếu tố lâu bền cho xuất khẩu trong tương lai. Bởi thời gian qua đã xảy ra một số vụ lừa đảo hoặc doanh nghiệp giao hàng đến 1 số thị trường không được tiếp nhận dẫn đến lưu công, lưu bãi. Đây là tình trạng thường xuyên xảy ra, nhưng doanh nghiệp chưa nắm bắt được thông tin nên khi xảy ra sự cố dẫn đến bất ngờ và lúng túng. Do đó, việc có được một đội ngũ chuyên nghiệp, cùng với quá trình tăng cường hội nhập sẽ là cơ hội để doanh nghiệp làm quen và cọ sát với thị trường thế giới, có sự chuẩn bị, mở rộng, nâng cao kiến thức để giúp doanh nghiệp có phương án ứng phó thích hợp và giảm thiểu rủi ro.