Xuất bản điện tử: Ebook lậu và nguy cơ xâm phạm bản quyền

NDO - Xuất bản điện tử là lĩnh vực còn khá non trẻ ở nước ta, nhưng cũng không đứng ngoài những cuộc tấn công của sách giả, sách lậu. Những biện pháp mạnh mẽ và quyết liệt đang được đưa ra để làm trong sạch môi trường kinh doanh sách, góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển lành mạnh.
0:00 / 0:00
0:00
Độc giả trải nghiệm sách nói.
Độc giả trải nghiệm sách nói.

Đơn vị xuất bản điêu đứng vì ebook lậu

Cùng với sách giả, sách lậu ở mảng sách in, thì hiện nay các đơn vị phát hành còn phải chịu thêm “vấn nạn” sách lậu ở mảng ebook. Ebook giúp tiếp cận bạn đọc trẻ, tạo điều kiện cho những người hay di chuyển có thể dễ dàng mang theo những cuốn sách yêu thích bên mình một cách gọn nhẹ.

Tuy nhiên, cũng giống như sách giấy, ebook hiện nay cũng phải chịu sự xâm phạm bản quyền, tình trạng sách lậu, khiến cả người đọc và đơn vị sản xuất đều chịu ảnh hưởng.

Gần như cuốn ebook nào mới ra cũng bị ăn cắp nội dung.

Nhã Nam

Nhã Nam, một trong những đơn vị phát hành mạnh và được giới trẻ yêu thích ở thị trường trong nước, trước đây cũng đã từng hào hứng phát triển mảng ebook. Những tiếp cận ban đầu còn mới mẻ, chưa kịp mở rộng, số lượng bạn đọc đến với ebook cũng chưa nhiều, nhưng gần như ngay lập tức Nhã Nam đã phải đối mặt với nạn vi phạm bản quyền.

“Gần như cuốn ebook nào mới ra cũng bị ăn cắp nội dung. Các thao tác để lấy cắp rất đơn giản, sau đó các đối tượng đi phát tán nội dung ở nhiều nơi, chia sẻ dưới nhiều hình thức, miễn phí hoặc với số phí rẻ hơn rất nhiều so với ebook “chính hãng”. Trong khi đó, hàng rào kỹ thuật bảo vệ lại chưa có, nếu có thì cũng bị phá rất nhanh, những chế tài xử phạt đối với hành vi xâm phạm bản quyền, chiếm đoạt nội dung và phát tán sách điện tử lậu lại chưa có hoặc chưa chặt chẽ” - đại diện Nhã Nam cho biết.

Vì những lý do này, mảng ebook của Nhã Nam đã tạm dừng, và đơn vị tập trung vào phát triển mảng sách in nhiều hơn.

Xuất bản điện tử: Ebook lậu và nguy cơ xâm phạm bản quyền ảnh 1

Trải nghiệm các sản phẩm ebook.

Một số đơn vị khác làm ebook cũng điêu đứng với nạn xâm phạm bản quyền trên không gian mạng. Đại diện Omega Plus và Alpha Books cho biết, việc vi phạm bản quyền với sách in, tuy tràn lan, nhưng chưa thấm vào đâu nếu so với sách điện tử, vì tính chất đa phương tiện, tinh vi và dễ dàng của nó. Trong số hơn 1000 đầu sách ebook của Alpha Books và Omega Plus, có đến vài trăm đầu bị xâm phạm bản quyền dưới hình thức sách điện tử đăng tải tràn lan trên các trang mạng cá nhân chia sẻ miễn phí hoặc kinh doanh kiếm lời.

Thậm chí, nhiều đơn vị còn phát triển thành dạng sách nói và phát tán trên rất nhiều kênh như Youtube, kênh riêng, các diễn đàn, và thậm chí cả các công ty có tư cách pháp nhân cũng ngang nhiên lấy ebook của Alpha Books và Omega Plus để kinh doanh khi chưa có sự đồng ý hay ký kết hợp đồng phân phối với Alpha Books và Omega Plus.

Ngoài ra, nhiều đơn vị xuất bản còn bị các đối tượng scan nội dung sách in thành bản pdf và đăng tải trên mạng miễn phí hoặc kiếm lời, ảnh hưởng đến việc kinh doanh sách thật. Có thể dễ dàng tìm kiếm những cuốn sách ăn khách, hoặc sách đã xuất bản từ lâu đăng tải trên mạng dưới dạng pdf này.

Công nghệ phát triển đã tạo ra những công cụ khiến cho việc làm và phát tán ebook lậu đơn giản hơn nhiều. Khi có sẵn bản mềm, chỉ qua vài thao tác số hóa, một ebook đã được định hình. Nếu không có bản mềm, người làm ebook lậu sử dụng những máy quét sách có tốc độ “kinh hoàng” mà không cần tháo gáy sách, để chuyển sang nhiều định dạng lưu trữ.

Gần đây lại xuất hiện thêm dòng ebook dưới dạng các ứng dụng (app) cung cấp trên kho phần mềm AppStore của Apple, Google Play và các App Store tự xây dựng của Việt Nam, Trung Quốc… khiến việc phát tán ebook không bản quyền ngày càng dễ dàng hơn. Việc phát hành càng đơn giản hơn, gần như chia sẻ lên mạng là không thể thu hồi, tiêu hủy, vì sức phát tán và lưu trữ là vô biên, trong khi chi phí rẻ, tính tương tác với độc giả/khách hàng cao...

Ngoài ra, sự thiếu hiểu biết và tâm lý ham rẻ cũng khiến nhiều người tham gia hoặc tiếp tay cho việc xuất bản ebook lậu. Không khó để thấy được những nhóm, hội chia sẻ nội dung sách, hoặc bỏ thời gian ra gõ lại nội dung sách giấy để phát tán, mà không hiểu rằng đây là hành vi vi phạm pháp luật.

Trong khi đó, các đơn vị bị vi phạm bản quyền thường gặp nhiều khó khăn hoặc ít khi khiếu nại bởi vì thủ tục phức tạp và khó đòi bồi thường. Đại diện Đinh Tị Books cho biết: “Chúng tôi từng bị một đơn vị khác ăn cắp nội dung nhưng cũng không làm được gì”.

Những hệ lụy

Một số đơn vị xuất bản cho rằng, dưới góc độ luật pháp, các website phát hành ebook lậu không chỉ đơn thuần là bán ebook trái phép mà thực chất là đang tạo ra một hệ thống xuất bản điện tử trái phép.

Nếu như xuất bản chính thống (cả sách in lẫn ebook) đang được quản lý rất kỹ, phải đáp ứng rất nhiều điều kiện quy định trong Luật Xuất bản và các luật khác về bản quyền, thương mại điện tử… thì hệ thống xuất bản điện tử trái phép hầu như không bị quản lý.

Xuất bản điện tử: Ebook lậu và nguy cơ xâm phạm bản quyền ảnh 2

Các đơn vị xuất bản giới thiệu sản phẩm ebook nhân dịp Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam 2023.

Chính vì thế, ebook lậu tạo nên những hậu quả nặng nề cho nền xuất bản và cho bạn đọc.

Thứ nhất, việc cạnh tranh không lành mạnh, bất chính gây thiệt hại cho tác giả và các đơn vị xuất bản, không chỉ về kinh tế mà còn cả về uy tín, bởi các ebook lậu có nội dung chắp vá, sai lệch, thiếu sót.

Về lâu dài, ebook lậu tạo ấn tượng và hình ảnh xấu về vi phạm sở hữu trí tuệ trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng hơn. Tình trạng ebook lậu sẽ khiến các nhà xuất bản nước ngoài ngần ngại khi chuyển giao bản quyền ebook cho đơn vị đã được nhượng quyền sách in ở Việt Nam, ảnh hưởng tới cả việc kinh doanh sách in.

Về mặt an ninh thông tin, xuất bản điện tử lậu tiềm ẩn nguy cơ là nơi phát tán ebook có nội dung bị chỉnh sửa, ebook có nội dung bị cấm phát hành theo luật Việt Nam. Khi đã xảy ra sự cố, hậu quả sẽ là khôn lường, và rất khó thu hồi khi ebook có nội dung độc hại này đã được phát tán.

Siết chặt bằng pháp luật và công nghệ

Nhiều giải pháp đã được kiến nghị để xử lý tình trạng ebook lậu, vi phạm bản quyền này.

Đại diện Nhà xuất bản Thông tin-Truyền thông đề xuất, đối với sách điện tử, cần kiểm soát chặt chẽ từ việc ký quyết định xuất bản, hình thức xuất bản sách điện tử, hình thức/địa chỉ website phát hành sách điện tử, quyết định phát hành. Tăng cường sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước về xuất bản với các nhà xuất bản, cơ quan quản lý nhà nước về an toàn bảo đảm, an ninh mạng và các lực lượng chức năng khác để có giải pháp phát hiện, ngăn chặn việc phát tán sách điện tử lậu trên các nền tảng, website không được quy định trong quyết định xuất bản.

Đại diện Alpha Books và Omega Plus chia sẻ, cần ứng dụng giải pháp bảo vệ bằng kỹ thuật như lựa chọn nhà phân phối có hạ tầng công nghệ tiên tiến, đặc biệt là đầu tư cho khâu mã hóa file ebook bán ra để tránh bị sao chép.

Tuy nhiên, biện pháp bảo vệ bằng kỹ thuật không thể giải quyết triệt để tình trạng vi phạm bản quyền nếu thiếu biện pháp bảo vệ bằng pháp luật.

Các đơn vị xuất bản cho biết, phía xuất bản và các đối tác phân phối ebook hợp pháp đều có quy trình xử lý vi phạm, từ cảnh cáo yêu cầu gỡ bỏ tới phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý, tuy nhiên tác dụng chỉ như muối bỏ bể, các trang mạng vi phạm nay gỡ xuống, mai thấy yên ắng lại đăng lên.

Điều quan trọng là cần phải có những chế tài chặt chẽ và nghiêm minh để bảo vệ quyền lợi của các đơn vị xuất bản. Hôm nay, chỉ là những cuốn sách được phát tán lậu, ngày mai là bản quyền và văn hóa đọc phải chịu hậu quả.

Công nghệ và luật pháp cũng là những giải pháp mà Cục Xuất bản, In và Phát hành và Hội Xuất bản Việt Nam đẩy mạnh thực hiện từ nay trở đi để xử lý dứt điểm vấn nạn sách giả, sách lậu.

Ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành, Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, cho biết, tiến tới sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đối với các nhà xuất bản để bảo vệ quyền lợi. Đồng thời tập trung vào nhóm các giải pháp về quản lý như hoàn thiện thể chế, trọng tâm không chỉ Luật Xuất bản và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản, mà cần đặc biệt quan tâm đến hoàn thiện thể chế gắn thương mại điện tử, logictis để đấu tranh với các hành vi gian lận thương mại trên không gian mạng.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng sớm xây dựng Trung tâm bảo vệ bản quyền sách của Hội Xuất bản Việt Nam trở thành địa chỉ tin cậy, thay mặt tác giả, nhà xuất bản, đơn vị làm sách đấu tranh pháp lý với các đối tượng vi phạm, nhất là với các nền tảng xuyên biên giới.