Cảnh giác với sách giả, sách in lậu

Gần đây, trên các trang mạng xã hội xuất hiện một số tài khoản rao bán sách của một số nhà xuất bản, công ty sách như: Trẻ, Đông A, Văn học… với giá rất rẻ. Thực chất phần lớn các sách được rao bán này là sách giả, sách in lậu, in tăng giá bìa, sau đó giảm giá bán đến hơn 50% để thu hút và đánh lừa người mua.

Một bộ sách giả được rao bán trên mạng rất giống với bộ sách thật của Đông A.
Một bộ sách giả được rao bán trên mạng rất giống với bộ sách thật của Đông A.

Rao bán sách in lậu công khai

Trong vai một người mua sách, chính tôi cũng bị fanpage “Sách hay mỗi ngày” thuyết phục vì lời chào mua trọn bộ bảy cuốn Harry Potter có giá bìa 1,180 triệu đồng, giảm còn 520 nghìn đồng. Theo quảng cáo của họ, đây là sách chuẩn của Nhà xuất bản Trẻ, mới 100% và vừa được tái bản. Người mua sẽ được miễn phí vận chuyển toàn quốc và kiểm tra hàng thoải mái trước khi nhận. Để so sánh, trọn bộ bảy cuốn sách Harry Potter này của Nhà xuất bản Trẻ có giá bìa tổng cộng là 1,5 triệu đồng. Chính sự khác biệt đó đã buộc tôi phải cẩn trọng hơn khi nhận sách và kiểm tra trước lúc thanh toán. Đúng như nghi ngờ ban đầu, bảy cuốn Harry Potter của fanpage “Sách hay mỗi ngày” gửi đến đều là sách giả và không khó để nhận ra điều này. Chẳng hạn chất lượng bìa in xấu, mầu nhòe, xén cạnh không đều và quan trọng nhất là ở bìa bốn không có tem chống giả của Nhà xuất bản Trẻ. Một điều đáng lưu ý nữa là khi nhắn tin hỏi lại fanpage “Sách hay mỗi ngày” bộ bảy cuốn Harry Potter sao không có tem chống giả của nhà xuất bản, tôi đều không nhận được câu trả lời. Đúng hơn, sự im lặng của họ xác nhận họ đã và đang bán sách giả, chưa kể những bình luận về sách giả, sách kém chất lượng của người mua, người xem ở mỗi dòng trạng thái trên fanpage đều bị xóa hết.

Ngoài “Sách hay mỗi ngày”, fanpage “Xưởng in Nhà xuất bản Trẻ” - Trang chuyên xả hàng tồn kho rao bán bộ bảy cuốn Harry Potter với giá sale 67%, giảm từ 1,180 triệu đồng xuống 435 nghìn đồng. Hay fanpage “Hiệu sách mặt trời” thậm chí còn rao bán bộ bảy cuốn Harry Potter chỉ có giá 399 nghìn đồng và có thể thấy đó không phải là sách thật của Nhà xuất bản Trẻ. Và không chỉ có bộ Harry Potter, trên fanpage “Hiệu sách mặt trời” còn rao bán bộ Thiên long bát bộ của Nhà xuất bản Văn học chỉ với giá 399 nghìn đồng (giá bìa 1,250 triệu đồng); Ỷ thiên đồ long ký cũng với giá 399 nghìn đồng (giá bìa 1,150 triệu đồng)… Trọn bộ năm cuốn của tác giả Mario Puzo được rao bán cũng như vậy. Lý do là ngày 28-2 vừa qua, Công ty cổ phần Văn hóa Đông A ra thông báo khẳng định họ là đơn vị duy nhất giữ bản quyền và in thương mại các tác phẩm của nhà văn Mario Puzo tại Việt Nam, sau khi phát hiện trên thị trường một số ấn bản của tác giả này không do công ty phát hành, hoặc làm giả, làm nhái các ấn bản của Đông A, tăng giá bìa rồi giảm giá bán để thu hút người mua.

Trong thông báo của mình, Đông A nêu đích danh fanpage “Ngôi nhà tri thức”, đơn vị nâng giá bán bộ sách của Mario Puzo từ giá bìa chính thức là 610 nghìn đồng lên 1,192 triệu đồng, sau đó tuyên bố giảm giá thanh lý kho xuống còn 499 nghìn đồng.

Đây không phải lần đầu tiên, việc in và tiêu thụ sách giả, sách lậu được nhắc đến, khi vấn đề chính nằm ở chế tài xử phạt. Tại Nghị định 159/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản quy định phạt tiền từ 30 đến 40 triệu đồng đối với hành vi in, xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản; phạt tiền từ 20 đến 30 triệu đồng hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… Trong khi đó, lợi nhuận từ việc in và tiêu thụ xuất bản phẩm lậu lên đến hàng chục, hàng trăm tỷ đồng mỗi năm. Lý do này khiến tình trạng sách in lậu kéo dài và ngang nhiên, thách thức pháp luật.

Biến tướng tinh vi

Một nguyên nhân nữa khiến sách giả, sách in lậu xuất hiện ngày càng nhiều và tốc độ lan truyền lớn là sự phát triển của công nghệ. Trước đây, người đọc dễ dàng phát hiện ra đâu là sách thật, sách photocopy thì nay, sách giả có thể được làm giống đến 95% so với sách thật nhờ những máy chụp phim cao cấp, công nghệ in hiện đại… Đó là lý do khiến người đọc dễ nhầm tưởng bảy cuốn trong bộ Harry Potter của “Sách hay mỗi ngày” là sách thật khi sáu trong số này thậm chí được in bìa có nhũ vàng.

Cũng chính vì công nghệ in ấn phát triển cho nên từ đầu thế kỷ 21 đã xuất hiện một số đơn vị xuất bản hoạt động trái phép, thường là xuất bản các ấn phẩm không qua kiểm duyệt, với nhiều nội dung xấu kiểu như các nhà xuất bản: Giấy vụn, Cửa, Lề Bên Trái… trước khi xuất hiện thêm Vô danh hay hiện là Tự do và Kiến tạo. Ngoài ra, trong giới chơi sách hiện đang có xu hướng remake (làm lại) những cuốn sách cũ từ trước năm 1975 hay những cuốn sách không được lưu hành trên thị trường. Sách remake được làm trên các loại giấy như giấy ngà, giấy dó…, số lượng giới hạn và chỉ phục vụ cho một số ít người chơi, sưu tầm, người đọc thật sự hiểu biết về sách. Điều đáng nói là những cuốn sách như vậy thường được làm rất cẩn thận, phông chữ và dàn trang chính xác như bản gốc, và cũng đẹp không kém gì những cuốn sách được in từ các nhà xuất bản. Sách remake mang lại cho người đọc nhiều lựa chọn hơn về giá trị tư liệu, sưu tầm và thẩm mỹ, cũng như biến công việc vất vả lâu nay của những người phục hồi sách cũ trở nên đơn giản nhờ máy móc và công nghệ in hiện đại. Tuy vậy, trừ những cuốn sách có giá trị văn học, lịch sử cần tham khảo, lưu giữ, chúng ta cũng không nên cổ xúy cho xu hướng remake sách nếu vi phạm về sở hữu trí tuệ hay nguy hại hơn là tuyên truyền những nội dung độc hại, quan điểm sai trái, thù địch từ các ấn phẩm đã bị cấm lưu hành.

Giám đốc Công ty cổ phần Văn hóa Đông A, Trần Đại Thắng cho biết, mặc dù số đầu sách của Đông A bị làm giả ít hơn rất nhiều so với các nhà xuất bản khác, họ cũng chỉ có thể ra thông báo trên trang web và fanpage của công ty nhằm cảnh báo cho bạn đọc, thay vì theo đuổi một vụ kiện mà chưa biết có thắng được không. Còn nhớ năm 2011, Công ty sách First News sau hai tháng trực tiếp theo dõi và phối hợp Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP Hà Nội đột kích phá án vụ in lậu có số lượng hơn 10 nghìn bản tại cơ sở gia công Huy Thi ở Hà Nội đã khởi kiện, nhưng tại phiên tòa phúc thẩm, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đã xử First News thua kiện. Điều đáng nói là Huy Thi trắng án với lý do: 10 nghìn quyển sách đang làm giả tại cơ sở Huy Thi đã bị giữ trước khi tung ra thị trường cho nên chưa gây ra thiệt hại, vì thế First News thua kiện và phải đóng án phí.

Rõ ràng, hoạt động in sách giả, sách lậu, in nối bản trái phép đang diễn ra với quy mô và tính chất ngày càng phức tạp. Nếu không có biện pháp đủ mạnh để ngăn chặn vấn nạn này sẽ gây khó khăn lớn cho ngành xuất bản và các tác giả. Bởi ngoài việc gây thiệt hại kinh tế cho các nhà xuất bản, làm thất thu ngân sách nhà nước, việc in sách giả, sách lậu góp phần phát tán, lan truyền những cuốn sách có tư tưởng chính trị sai lệch, nội dung không lành mạnh. Phó Chủ tịch Hội Xuất bản Việt Nam, Lê Hoàng cho biết thêm, trước tình trạng sách giả xuất hiện tràn lan, người làm sách chân chính sẽ không dám đầu tư nữa, vì đầu tư quyển nào mà bán chạy thì lại bị in lậu. Ngoài ra, nó còn làm giảm sút lòng tin của người dân đối với ngành xuất bản và cơ quan quản lý nhà nước khi chúng ta không xử lý dứt điểm tình trạng sách giả, sách lậu kéo dài đã nhiều năm.

Nên chăng, chúng ta phải coi hành vi in sách giả, sách lậu như là sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này? Giám đốc Công ty sách First News Nguyễn Văn Phước cho biết, họ đã thống kê và công bố danh sách 33 fanpage chuyên bán sách giả, sách in lậu ở Việt Nam. Thủ đoạn của những fanpage này là trưng bày, quảng cáo sách thật nhưng khi bán, giao hàng lại là sách kém chất lượng, sai sót, với các đầu sách của First News, Alpha Books, Đông A, Văn học… Trong lúc chờ đợi những thay đổi về mặt quản lý nêu trên, thiết nghĩ mỗi người đọc cần nhận biết rõ sách giả, sách thật; nói không với sách giả hoặc tìm mua sách ở những địa chỉ uy tín của các nhà xuất bản, cửa hàng hệ thống của Fahasa, Phương Nam hay website thương mại điện tử như Tiki Trading và Shopee First News.