Theo đó, ông Phạm Xuân Trường (sinh năm 1969, trú tại xã Xuân Phong, huyện Xuân Trường) đã giao, thuê những người không có chứng chỉ chuyên môn là các ông: Phạm Tiến Dũng (sinh năm 1992), Phạm Văn Quyến (sinh năm 1969) và Trần Văn Bằng (sinh năm 1973) điều khiển phương tiện tàu vỏ sắt và khai thác 1.807,6m³ cát lòng sông trái phép.
Sau đó, ông Trường bán 900m³ cát khai thác trái phép (có giá trị 148,5 triệu đồng) cho ông Phạm Văn Ngữ (sinh năm 1975, trú tại xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường) và bán 633,7m³ cát khai thác trái phép (có giá trị 104,5 triệu đồng) cho ông Trần Phú Cảm (sinh năm 1990, trú tại xã Xuân Trung, huyện Xuân Trường).
Tổng hợp các hành vi, ông Phạm Xuân Trường bị phạt tổng số tiền 227,5 triệu đồng. Trong đó, hành vi “vi phạm quy định về khai thác cát lòng sông mà không có giấy phép khai thác khoáng sản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền” bị phạt nặng nhất, với số tiền 175 triệu đồng.
Các ông: Phạm Tiến Dũng, Phạm Văn Quyến mỗi người bị phạt 180 triệu đồng do điều khiển phương tiện thủy nội địa không có giấy chứng nhận đăng ký phương tiện và không có chứng chỉ chuyên môn theo quy định; vi phạm khai thác trái phép 1.807,6m³ cát lòng sông do người khác thuê.
Ông Trần Văn Bằng (trú tại xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) bị phạt 175 triệu đồng về hành vi tham gia khai thác cát lòng sông trái phép. Các ông Phạm Văn Ngữ và Trần Phú Cảm cùng bị xử phạt 45 triệu đồng do mua bán, vận chuyển, tàng trữ, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp.
Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định đối với ông Phạm Xuân Trường. |
Ngoài các cá nhân nêu trên, bà Đỗ Kim Thoa (sinh năm 1978, trú tại phường Trường Thi, thành phố Nam Định) cũng bị Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xử phạt 27,5 triệu đồng về hành vi cho thuê phương tiện không đủ điều kiện hoạt động (tàu vỏ sắt không có đăng ký phương tiện).
Cơ quan chức năng tỉnh Nam Định đã tịch thu 1.082m³ cát tang vật vi phạm (do đã thất thoát 725,2m³ cát); một tàu vỏ sắt mà ông Phạm Xuân Trường sử dụng để khai thác khoáng sản trái phép. Vì vậy, ông Phạm Xuân Trường phải nộp vào ngân sách Nhà nước số tiền 375,2 triệu đồng, tương đương giá trị phương tiện do phải trả lại phương tiện cho chủ sở hữu hợp pháp là bà Đỗ Kim Thoa.
Đồng thời, ông Phạm Xuân Trường phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh; phải nộp lại số tiền 119,658 triệu đồng tương đương giá trị tang vật đã bị thất thoát (số cát đã bán cho ông Phạm Văn Ngữ không thu hồi lại được); phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do hành vi vi phạm.
Ngoài ra, các ông Phạm Tiến Dũng, Phạm Văn Quyến, Trần Văn Bằng phải chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và xác minh phục vụ xử lý vụ việc.
Theo các Quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định, các cá nhân bị xử phạt có thời hạn 10 ngày để thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả, kể từ ngày nhận được quyết định xử phạt; nếu quá thời hạn mà người vi phạm không tự nguyện chấp hành thì sẽ bị cưỡng chế thi hành theo quy định của pháp luật.