* Bài 1: Chiêu trò biến xe hợp đồng thành xe khách trá hình
Đi tìm nguyên nhân
Theo Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh, đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách hiện có năm hình thức hoạt động, là: Vận tải hành khách bằng ô-tô theo tuyến cố định; kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng (gọi tắt là xe hợp đồng); kinh doanh vận tải khách du lịch bằng ô-tô và kinh doanh vận tải khách bằng ta-xi, xe buýt. Mỗi loại hình đều có quy định riêng. Đối với kinh doanh vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, ban hành ngày 10-9-2014 quy định rõ: “Đó là hình thức kinh doanh không theo tuyến cố định, được thực hiện theo hợp đồng vận tải bằng văn bản giữa đơn vị kinh doanh vận tải và người thuê vận tải; không được bán vé, xác nhận đặt chỗ cho hành khách đi xe…”. Tuy nhiên, nhiều nhà xe vẫn bất chấp các quy định pháp luật, tùy tiện đưa xe hợp đồng vào khai thác tuyến cố định, như bạn đọc đã phản ánh với Báo Nhân Dân. Đó là loại xe khách trá hình, mặc dù nhiều nhà xe đã bị các cơ quan chức năng xử lý, như nhà xe Thành Bưởi ở TP Hồ Chí Minh và nhiều nhà xe khác ở tỉnh Lạng Sơn.
Nhiều lần xác minh các xe hợp đồng mang biển kiểm soát 29B-01272, 29B-60075 của Công ty TNHH X.E Việt Nam chạy từ hồ Máy Xay (TP Ninh Bình, Ninh Bình) đi Hà Nội, chúng tôi thấy: Các xe hợp đồng nêu trên đều lặp đi, lặp lại một hành trình Ninh Bình - Hà Nội và ngược lại; giá vé là 130.000 đồng/hành khách; đơn vị nêu trên có xác nhận đặt chỗ qua tổng đài 19001731 để lập danh sách hành khách, nhằm che mắt ngành chức năng. Hành vi của các xe hợp đồng nêu trên thuộc Công ty TNHH X.E Việt Nam đã vi phạm điểm 1, điểm 5, Điều 7, Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Anh Phạm Văn Sỹ, lái xe khách ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) bức xúc: Các xe khách trá hình ngang nhiên hoạt động tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với xe khách tuyến cố định. Nhưng không hiểu vì sao ngành chức năng một số địa phương lại cho rằng khó xử lý đối với loại xe khách trá hình này. Thực tế chỉ cần trích xuất dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình trên các xe hợp đồng là có thể biết được đó là xe khách trá hình hay không. Vậy ngành chức năng một số địa phương khó xử lý xe khách trá hình hay còn lơ là, thiếu kiên quyết?
Tìm hiểu thêm chúng tôi được biết: Nguyên nhân bùng phát vấn nạn nêu trên, trước hết là do yêu cầu đối với xe hợp đồng, xe du lịch khi vận chuyển hành khách còn quá đơn giản, tạo kẽ hở cho chủ xe lách luật. Xe hợp đồng, xe du lịch tham gia vận tải hành khách chỉ cần hợp đồng vận chuyển, danh sách hành khách theo mẫu quy định tại Thông tư 63/2014/TT-BGTVT là đủ điều kiện lên đường. Quy định như vậy thì xe hợp đồng, xe du lịch dễ núp bóng xe khách cố định, tùy tiện bắt khách dọc đường; sau đó, lái xe, phụ xe mới lập danh sách hành khách đối phó cơ quan chức năng khi kiểm tra. Do vậy, trong thời gian qua, nhiều đơn vị như nhà xe Sao Việt, Dịch vụ vận tải hành khách Trường Dương, Long Giang và nhiều nhà xe khác lợi dụng cơ quan chức năng một số địa phương buông lỏng công tác quản lý vận tải hành khách, lơ là tuần tra kiểm soát, đua nhau đưa xe hợp đồng, xe du lịch vào khai thác tuyến cố định kiếm lời.
Bạn đọc Nguyễn Tiến, đại diện nhà xe Tiến Đạt ở TP Plây Cu (Gia Lai), chạy tuyến cố định Gia Lai - Nước Ngầm (Hà Nội) bức xúc: “Xe tuyến cố định phải chấp hành mọi quy định của Nhà nước về đăng ký luồng tuyến, hành trình vận tải, giờ xe xuất bến; xe tuyến cố định phải nộp 10% thuế VAT, nộp đủ các loại phí bến bãi, phí dịch vụ và nộp bảo hiểm cho hành khách công khai trên vé xe. Còn xe khách trá hình thuộc loại ba không (không nộp thuế giá trị gia tăng; không mất lệ phí bến bãi; không mua bảo hiểm cho hành khách). Hành vi đó thể hiện rõ sự cạnh tranh trục lợi, kiếm lời phi pháp. Rõ ràng, lợi ích kinh tế cũng là nguyên nhân làm xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc” bùng phát.
Một nguyên nhân nữa là việc thực hiện các quy định của Nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng, xe du lịch của ngành chức năng một số địa phương chưa thật nghiêm túc. Có nơi còn cấp cả phù hiệu xe hợp đồng, phù hiệu xe chạy tuyến cố định cho cùng một phương tiện. Một số bến xe còn có tình trạng sách nhiễu, gây khó khăn cho đơn vị vận tải khách, cho nên có trường hợp xe khách chạy tuyến cố định đã bỏ bến xe ra chạy “dù” tại các “bến cóc”, gây thêm nhức nhối về vấn nạn xe khách trá hình. Bên cạnh đó, thói quen của người dân muốn đưa, đón tận nhà, đón xe dọc đường, không vào bến đi xe, khiến một số doanh nghiệp không muốn đăng ký kinh doanh xe tuyến cố định, chỉ muốn chạy hợp đồng để dễ dàng biến tướng thành xe khách trá hình. Sự cạnh tranh không lành mạnh đó làm méo mó, rối loạn thị trường vận tải, gây thất thu ngân sách nhà nước. Hành vi lợi dụng, biến xe hợp đồng thành xe khách trá hình của một số đơn vị kinh doanh vận tải còn ảnh hưởng đến quyền lợi của hành khách trong trường hợp xe khách trá hình, “xe dù” nếu gặp sự cố tai nạn giao thông.
Cần chế tài đủ mạnh
Kinh doanh vận tải hành khách là lĩnh vực kinh doanh có điều kiện. Nhìn nhận các quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô theo hợp đồng hoặc theo chương trình du lịch, chúng tôi thấy chế tài xử lý vi phạm chưa rõ ràng và chưa đủ mạnh để răn đe đối với những xe hợp đồng vi phạm vận chuyển hành khách không đúng nội dung hợp đồng; không gửi nội dung hợp đồng tới ngành chức năng trước khi thực hiện hợp đồng. Hoặc hành vi lái xe hợp đồng sai phạm, gắn trên kính chắn gió biển đề tên tuyến cố định chưa có chế tài xử phạt; hoặc chưa quy định rõ về sự phối hợp quản lý loại hình xe hợp đồng, xe du lịch giữa Sở GTVT các địa phương… tạo thêm kẽ hở cho một số doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh vận tải bằng xe hợp đồng lách luật, kinh doanh bất hợp pháp.
Mới đây, Hiệp hội Vận tải ô-tô Việt Nam, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã đưa ra nhiều giải pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách liên tỉnh, trong đó, có đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ, về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô-tô. Đối với phương án đề xuất sửa đổi bổ sung các quy định về điều kiện hoạt động của xe hợp đồng, tập trung vào một số nội dung, như: Đơn vị vận tải theo hợp đồng không được đón, trả khách tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm ổn định; xe hợp đồng không niêm yết thông tin về luồng tuyến vận tải như xe khách tuyến cố định, không sử dụng xe giường nằm; hoặc nên có quy định phù hợp để vừa ngăn chặn được “xe dù, bến cóc”, vừa tạo điều kiện cho hành khách đi xe thuận lợi.
Do vậy, Bộ GTVT cần xem xét các đề xuất nêu trên, sớm trình cấp có thẩm quyền bổ sung chế tài xử phạt đối với xe hợp đồng trá hình xe khách tuyến cố định. Trước mắt, để khắc phục tình trạng này, các địa phương cần thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách, chú trọng công khai quy hoạch vận tải tuyến liên tỉnh; tổ chức các điểm dừng, đỗ, trả khách cho xe tuyến cố định hợp lý; gắn kết vận tải hành khách đường dài với vận tải công cộng, nhất là ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; xây dựng các mô hình, thương hiệu vận tải hành khách tuyến cố định văn minh, lịch sự, “nói không với bắt khách dọc đường; hành khách lên xe là tới bến cuối”. Tăng cường đầu tư xây dựng các bến xe hiện đại; lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông cần xử lý nghiêm các xe hợp đồng vòng vo, dừng, đỗ, đón, trả khách không đúng với vị trí đã ghi trên hợp đồng vận chuyển hành khách; kiên quyết dẹp vấn nạn xe khách trá hình, “xe dù, bến cóc” mới lập lại được trật tự trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách.
---------------------------
(*) Xem Báo Nhân Dân số ra ngày 27-9-2016.