Mặc dù quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư, xây dựng rất rõ ràng, đầy đủ, thế nhưng cách xử lý của cơ quan có thẩm quyền đã tạo ra dư luận trái chiều với cùng một hành vi vi phạm.
Mới đây là vụ việc nhà hàng Sân Bay có diện tích hơn 1.000m2 được xây dựng trên đất nông nghiệp tại phường Long Hòa, quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ. Sau khi báo chí phản ánh việc xây dựng trái phép của nhà hàng, chính quyền thành phố Cần Thơ đã quyết liệt vào cuộc xử lý, yêu cầu chủ đầu tư tự tháo dỡ hoặc tổ chức cưỡng chế trả lại hiện trạng ban đầu.
Trước đó, ông Hồ An Tập, ngụ xã Tân Thành, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau xây dựng “biệt phủ” có diện tích 294m2/sàn, tổng diện tích 3 tầng gần 1.000m2, kết cấu bê-tông cốt thép kiên cố trên diện tích hơn 3.300m2 đất nuôi trồng thủy sản tiếp giáp tuyến đường Quản Lộ-Phụng Hiệp. Chính quyền thành phố Cà Mau khẳng định, căn biệt thự trên xây dựng hoàn toàn trên đất nuôi trồng thủy sản chưa được chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở nông thôn; buộc ông Tập phải tự tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, nếu không sẽ kiên quyết cưỡng chế.
Tại tỉnh Vĩnh Long, báo chí tiếp tục phản ánh khu đô thị Khang Thị với 42 căn nhà phố 3 tầng, xây dựng sắp hoàn thiện trên đất trồng cây lâu năm và nuôi trồng thủy sản tại Phường 2, thành phố Vĩnh Long của Công ty TNHH Địa ốc P&G.
Từ tháng 5/2021, công ty này tự ý nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất với diện tích 6.764,8m2 của một người dân để thực hiện dự án nhà ở nêu trên; đã sử dụng 4.279,4m2 (trong đó có 3.485,1m2 đất trồng cây lâu năm, 794,3m2 đất nuôi trồng thủy sản) để làm đường giao thông (2.239m2) và xây dựng nhà ở (2.040,4m2). Đến tháng 11/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long mới chấp thuận chủ trương đầu tư dự án; tháng 1/2023 ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 157,5 triệu đồng đối với công ty trên vì thực hiện dự án khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư; buộc công ty giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất, khôi phục lại tình trạng ban đầu của từng loại đất vi phạm hoặc liên hệ chính quyền thành phố Vĩnh Long để đăng ký kế hoạch sử dụng đất theo quy định, trong 10 ngày làm việc.
Cùng một hành vi vi phạm là xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp nhưng ở mỗi tỉnh, thành phố lại có cách xử lý khác nhau khiến dư luận có ý kiến trái chiều. Nhiều ý kiến bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ đối với việc xử lý công trình vi phạm của nhà hàng Sân Bay ở thành phố Cần Thơ hay “biệt phủ” ở tỉnh Cà Mau là buộc tự tháo dỡ hoặc cưỡng chế toàn bộ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng sử dụng đất ban đầu.
Trong khi đó, nhiều ý kiến băn khoăn, lo ngại trước quyết định cho cả khu đô thị xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp được đăng ký chuyển mục đích sử dụng đất của chính quyền tỉnh Vĩnh Long; bởi việc “cầm đèn chạy trước ô-tô” này được chấp nhận sẽ tạo ra tiền lệ xấu trong quản lý, đầu tư dự án tại Vĩnh Long nói riêng, đồng bằng sông Cửu Long và cả nước nói chung.
Theo các chuyên gia, hành vi nhận chuyển nhượng đất của người dân rồi tự ý thực hiện dự án khi chưa được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư chẳng khác gì việc phân lô trái phép, làm khu dân cư tự phát. Không thể để doanh nghiệp hay bất cứ tổ chức, cá nhân nào thích vị trí nào thì tự thu gom đất, phân lô, xây dựng, bán nhà ở rồi chấp nhận nộp phạt để tồn tại.
Những việc cố ý làm trái quy định của Nhà nước ấy của doanh nghiệp cần phải được xử lý nghiêm theo quy định để tạo công bằng xã hội, vì môi trường đầu tư nghiêm túc. Khi quy định, chính sách được thực thi công bằng, minh bạch thì “sân chơi” mời gọi đầu tư của các địa phương mới có những doanh nghiệp tiềm lực mạnh tham gia.