Nằm tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, trong xu thế công nghiệp hóa, đô thị hóa diễn ra nhanh, đất đai ngày càng có giá; tình trạng lấn chiếm, xây dựng trái phép nhà ở, các công trình trên đất nông nghiệp tại tỉnh Hưng Yên diễn ra khá phức tạp.
Ðoạn đường ÐH74, đi qua hai thôn Trương Xá và An Xá thuộc địa phận xã Toàn Thắng, huyện Kim Ðộng, tỉnh Hưng Yên dài chừng 400m. Hai bên đường, những ngôi nhà to đẹp, khang trang đua nhau mọc san sát... Bà Lý Thị Linh chủ một biệt thự rộng chừng 300m2, được xây kiên cố, với kiểu kiến trúc thời thượng, cho biết, căn nhà mới được hoàn thành cuối năm 2019 sau 12 tháng xây dựng, tính từ mặt đường nhựa, ngôi nhà sâu khoảng 50m. Ðoạn cổng nhà bà Linh trước đây là cừ (mương nước) rộng chừng 10m, bên ngoài cừ là ruộng của người dân trong xã...
Bà Linh cho biết, khoảng năm 2001, cừ này được san lấp và được thôn cắt đất bán cho người dân, sau đó người dân tự mua bán đất ruộng sát bên với giá từ 80 triệu đến 100 triệu đồng một sào (360m2) rồi tiến hành san lấp, xây dựng công trình, nhà ở. Hiện tại, nhà bà không có "sổ đỏ", nhiều nhà ở đây cũng chung hoàn cảnh như vậy.
Anh N.V.C., một người dân thôn Trương Xá, xã Toàn Thắng cho biết: "Hầu hết nhà ở đây mới được xây từ năm 2016 đến 2021. Vì nhà to, kiên cố cho nên việc xây dựng phải trong nhiều tháng. Ðến khi đổ mái, sắp hoàn thiện thì cán bộ xã mới đến lập biên bản...".
Theo quan sát thực tế, chỉ riêng đoạn đường ÐH74 đã có hàng chục trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp, đất giao trái thẩm quyền. Theo Báo cáo số 57/BC-UBND ngày 8/7/2022 của UBND xã Toàn Thắng thì hiện toàn xã còn 64 trường hợp vi phạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chưa được xử lý. Thế nhưng, trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng, Hoàng Phong Ðộ cho biết, tính từ năm 2014 đến nay cả xã chỉ có ba, bốn hộ dân vi phạm xây dựng nhà ở kiên cố trên đất nông nghiệp(?). Ðặc biệt, từ năm 2017 trở lại đây, khi xã phát hiện trường hợp nào xây sai, vi phạm thì đã ngăn chặn ngay.
Trước đó, theo kết quả rà soát của huyện Kim Ðộng từ ngày 31/3/2017 đến ngày 15/5/2022 (do Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cung cấp), tổng số có 194 trường hợp vi phạm, trong đó có 10 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp. Hiện nay huyện đã giải quyết được 66 trường hợp, còn tồn đọng 128 trường hợp, bao gồm cả 10 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp nêu trên chưa thể xử lý. Ðối chiếu với Báo cáo số 256/BC-STNMT ngày 29/6/2022 của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, tính từ ngày 16/3/2016 đến 15/5/2022, huyện Kim Ðộng còn 264 trường hợp vi phạm với diện tích 33.019,00m2 đất, 14 trường hợp xây nhà trên đất nông nghiệp chưa được xử lý.
Là huyện công nghiệp của Hưng Yên, huyện Yên Mỹ có một số cụm nhà máy, khu công nghiệp thu hút lực lượng lao động ở các nơi về đây khá lớn, do đó nhu cầu nhà ở cũng tăng cao. Nhiều hộ dân đã xây nhà để cho thuê, trong đó có nhiều khu nhà trọ được xây trên đất nông nghiệp. Thực trạng vi phạm này diễn ra trong một thời gian dài. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Yên Mỹ, Lê Thị Hoa cho biết, qua rà soát và kiểm tra thực tế cho thấy, công tác thống kê các trường hợp vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp ở cấp thôn, xã vẫn còn nhiều thiếu sót. Những trường hợp vi phạm xây nhà trên đất giao bán trái thẩm quyền, trên đất nông nghiệp nằm ở ven khu dân cư, khu xen kẹt chưa được thống kê đầy đủ và rất khó giải quyết. Bà Hoa cho biết thêm, quá trình phát hiện và xử lý cưỡng chế mất nhiều thời gian, vì phải bảo đảm trình tự thủ tục cũng như tổ chức lực lượng cưỡng chế, do đó các hộ vi phạm thường hoàn thành cơ bản các công trình. Ðây cũng là một trong những khó khăn trong công tác giải tỏa, phá dỡ công trình vi phạm.
Như vậy, chỉ qua thực tế tại một số địa phương của tỉnh Hưng Yên cho thấy, việc rà soát, thống kê, báo cáo số lượng các công trình xây dựng trái phép, xây dựng vượt quá diện tích được phép, các trường hợp xây dựng nhà kiên cố trên đất giao trái thẩm quyền, chuyển đổi, phân loại về quy mô, thời gian và mức độ vi phạm... chưa thật sự đầy đủ, cặn kẽ. Trong khi đó, theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hưng Yên, tính đến ngày 15/5/2022, toàn tỉnh còn tồn đọng 6.453 trường hợp vi phạm trên diện tích 853.370,11m2 đất nông nghiệp.
Tại thôn Tử Cầu, xã Giai Phạm, huyện Yên Mỹ có 142 trường hợp vi phạm, trong đó có 33 công trình nhà xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất giao trái thẩm quyền. Tuy nhiên hiện nay, những trường hợp vi phạm này đã được đưa vào quy hoạch phù hợp với đất ở theo Quyết định số 403/QÐ-UBND ngày 30/1/2022 của tỉnh Hưng Yên về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 huyện Yên Mỹ. Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Lê Thị Hoa chia sẻ, những trường hợp vi phạm mà nằm trong quy hoạch phù hợp với đất ở thì địa phương đang tiến hành rà soát để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, từ đó tiến hành truy thu tiền sử dụng đất, nộp vào ngân sách nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND xã Toàn Thắng (huyện Kim Ðộng) Hoàng Phong Ðộ cho biết, những trường hợp nhà kiên cố vi phạm từ trước, xã đang đề xuất trình huyện và tỉnh đưa vào quy hoạch phù hợp đất ở, hoặc cho chuyển đổi mục đích sử dụng đất những công trình nằm trên các vị trí xen kẹt, để truy thu tiền thuế cho Nhà nước. Cụ thể, trong Báo cáo số 57/BC-UBND ngày 8/7/2022, xã Toàn Thắng kiến nghị, đề xuất "cấp trên xem xét chuyển đổi mục đích sử dụng, hợp pháp hóa đối với những vị trí nằm xen kẹt trong khu dân cư có công trình xây dựng lâu năm, phù hợp quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương...". Như vậy ít nhất vài chục hộ vi phạm xây dựng trên đất nông nghiệp dọc đường ÐH74 sẽ được hợp thức hóa vì "phù hợp với quy hoạch đất ở".
Tương tự như các đơn vị nêu trên, Trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Khoái Châu, Nguyễn Văn Ðạt chia sẻ, đối với các trường hợp vi phạm đất đai chưa giải tỏa, huyện sẽ tập trung chỉ đạo rà soát, phân loại, trường hợp phù hợp quy hoạch và quy định của Luật Ðất đai hiện hành, sẽ lập danh sách trình Sở Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ■