Xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản ở Hải Dương

NDO -

NDĐT - “Việc khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép, để sạt lở đất đai, bờ bãi nhất định phải truy đến cùng người có thẩm quyền từ UBND cấp xã tới các cấp, các ngành, kể cả UBND tỉnh”, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển khẳng định trong cuộc họp chất vấn của HĐND về công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản, vốn là vấn đề “nóng” trên địa bàn tỉnh Hải Dương mấy năm gần đây.

Bãi bồi xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương bị sạt lở do "cát tặc"
Bãi bồi xã Thanh Hải, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương bị sạt lở do "cát tặc"

Mở đầu phiên họp, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển cho rằng: những năm qua công tác quản lý nhà nước về khai thác tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh luôn được coi trọng. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và diễn biến phức tạp ở một số địa phương, gây lãng phí nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến hệ thống đê điều, sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân… Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương yêu cầu các đại biểu dự phiên họp làm rõ thực trạng công tác quản lý nhà nước; trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; việc chấp hành quy định pháp luật của một số chủ doanh nghiệp… từ đó đưa ra những giải pháp mạnh, kiên quyết xử lý dứt điểm những điểm nóng về khai thác trái phép tài nguyên.

Trả lời chất vấn của đại biểu về công tác lập quy hoạch và công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên môi trường Vũ Ngọc Long cho biết: Trong 5 năm (2013 - 2017) trên địa bàn tỉnh đã cấp 7 giấy phép khai thác khoáng sản, gia hạn 9 giấy phép. Đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 46 giấy phép được cấp cho 26 doanh nghiệp còn hiệu lực. Tuy nhiên, hoạt động quản lý hiện vẫn chưa đảm bảo theo quy định chung, việc đôn đốc thực hiện đối với doanh nghiệp chưa được tốt. Trong 5 năm Sở đã tổ chức 19 cuộc thanh tra, kiểm tra; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử phạt hành chính đối với các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép hơn 1 tỷ 281 triệu đồng. Tuy vậy, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản của các ngành chức năng và chính quyền các cấp còn chưa chặt chẽ, chưa đồng bộ, hiệu quả không cao. Tình trạng khai thác trái phép khoáng sản trái phép ở một số địa phương vẫn tái diễn; việc khai thác cát, đất bãi, đất đồi, đất sét gây sạt lở đất đai, ảnh hưởng đến đê điều, cảnh quan môi trường, đời sống nhân dân, tình hình an ninh trật tự ở một số địa phương nhưng chưa được giải quyết dứt điểm.

Trả lời chất vấn về việc cho phép khai thác tận thu tài nguyên khoáng sản gây bức xúc trên địa bàn thị xã Chí Linh, ông Nguyễn Văn Hồng Chủ tịch HĐND thị xã cho rằng: Ở TX Chí Linh có nhiều dự án tận thu khoáng sản, tập trung nhiều ở phường Cộng Hòa và phường Phả Lại. Trong quá trình tận thu hầu hết các doanh nghiệp chấp hành không đúng quy định, thậm chí khai thác lớn hơn diện tích được cấp với độ sâu vượt quy định rất nhiều. Nhiều hộ dân cũng thỏa thuận bán đất (khoáng sản) cho doanh nghiệp và hoạt động thường diễn ra vào ban đêm nên rất khó kiểm soát. Đặc biệt dự án xây dựng khu đô thị mới ở phường Cộng Hoà do Công ty Phát triển nhà Trường Linh thực hiện đang trở thành “dự án treo” bởi việc “tận thu” đất sét trắng đã diễn ra nhiều năm không đúng với quy định, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân và cảnh quan của Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn Kiếp Bạc. Tỉnh cần xem xét, áp dụng các biện pháp cần thiết, có thể phải dừng hoạt động của dự án vì đã kéo dài quá lâu.

Xử lý nghiêm tình trạng khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản ở Hải Dương ảnh 1

Khai thác đất đồi ở phường Cộng Hoà, Thị xã Chí Linh

Trả lời ý kiến chất vấn về vấn đề khai thác cát làm sạt lở nghiêm trọng bờ bãi, đất sản xuất và các công trình đê điều, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Nguyễn Anh Cương khẳng định: Đây là một vấn nạn diễn ra đã nhiều năm. Ngoài nguyên nhân khách quan còn có nguyên nhân chủ quan là nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền chưa ngang tầm, chưa thực sự quan tâm. Có huyện làm khá tốt như các huyện Cẩm Giàng, Thanh Hà đã lập chốt canh, xây dựng quy chế cấp tiền, tổ chức canh gác và kiên quyết trong xử lý “cát tặc” tuy nhiên còn một số huyện làm chưa tốt. Trong 5 năm tỉnh đã ra 30 văn bản chỉ đạo (bình quân hai tháng một văn bản), thường xuyên nhắc nhở về xử lý khai thác cát trái phép nhưng, nạn khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp.

Trước ý kiến cho rằng huyện Nam Sách chưa làm tốt công tác phòng chống “cát tặc”, Bí thư huyện ủy Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách- Phạm Mạnh Hùng phân trần: Nam Sách rất quan tâm phòng chống khai thác cát trái phép, từ đầu năm 2017 tới nay đã bắt giữ gần 100 tầu khai thác cát, xử phạt hơn1,1 tỷ đồng, nhưng tình hình khai thác cát trái phép diễn ra hết sức phức tạp. Sự phối hợp của Cảnh sát giao thông thủy với chính quyền huyện và xã thiếu chặt chẽ, thậm chí thường xuyên xảy ra tình trạng nhiều tầu hút cát ngang nhiên tổ chức hút cát ngay Trạm Ba Kèo của lực lượng cảnh sát giao thông đường thủy. Đồng quan điểm với Chủ tịch HĐND huyện Nam Sách- Phạm Mạnh Hùng, Chủ tịch xã Minh Tân (Nam Sách) và Chủ tịch xã Thanh Hải (huyện Thanh Hà) bức xúc trước tình trạng khai thác cát làm sạt lở đất sản xuất của nhân dân; sự phối hợp của cảnh sát giao thông đường thủy với các xã hết sức hạn chế; rất nhiều lần báo cảnh sát đường thủy phối hợp để bắt giữ tàu cát thì khi công an đến tàu đã chạy.

Trả lời chất vấn về việc quản lý bến bãi ven sông, bà Vũ Thị Hà, phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 179 bến bãi thì có tới 112 bến bãi chưa được cấp phép, 38 bến hết hạn hoạt động; sở đã kiểm tra, kiến nghị xử phạt các bến bãi hoạt động trái phép 310 triệu đồng. Ông Lương Văn Cảnh, Chi cục trưởng Chi cục đê điều tỉnh bổ sung: Trên địa bàn tỉnh còn có 38 bến bãi nằm ngoài quy hoạch, trong đó huyện Thanh Miện có 8 bãi, Nam Sách 7 bãi, Kinh Môn 6 bãi và đề nghị các địa phương lập kế hoạch cưỡng chế giải toả các bến bãi ngoài quy hoạch. Ông Cảnh cũng nêu rằng, vừa qua liên ngành tiến hành kiểm tra, sơ bộ kết luận 80% số lượng cát đen ở các bến bãi là không có nguồn gốc và đề nghị xem xét truy thu thuế.

Phiên họp diễn ra sôi nổi với khoảng 30 câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn nhằm làm rõ thực trạng công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh để tìm ra biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh.

Phát biểu ý kiến tại buổi chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Nguyễn Mạnh Hiển chỉ đạo: Những tổ chức đảng, chính quyền và cá nhân do chủ quan để xảy ra tình trạng lộn xộn về quản lý khai thác khoáng sản, không phát hiện, báo cáo xử lý kịp thời kiên quyết không xếp vào diện xét thi đua khen thưởng; nhẹ thì phê bình, nặng thì kỷ luật, thậm chí luân chuyển công tác. Tiến hành tổng rà soát các bến bãi; nắm lại tình hình khai thác khoáng sản ở thị xã Chí Linh và huyện Kinh Môn. Yêu cầu các địa phương đơn giản hóa các điều kiện cấp phép đối với các bến bãi đủ điều kiện. Dứt khoát đến ngày 1-1-2019 các bến bãi hoạt động phải được cấp phép, nếu không chủ tịch các địa phương phải chịu trách nhiệm. Cơ bản không bổ sung cấp phép quy hoạch các bến bãi. Ngành thuế phải phối hợp tốt với các cơ quan chức năng làm tốt công tác thu thuế tài nguyên, khoáng sản. Tất cả cát ở các bến bãi đều có xuất xứ, đều phải được thu thuế tài nguyên. Việc khai thác khoáng sản trái phép, để sạt lở đất đai, bờ bãi nhất định phải truy đến cùng người có thẩm quyền từ UBND cấp xã tới các cấp, các ngành, kể cả UBND tỉnh.