Xử lý nghiêm lái xe vi phạm an toàn giao thông

Tai nạn giao thông thường gây thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản đối với người tham gia giao thông. Hành vi không tuân thủ các quy định pháp luật về giao thông là nguyên nhân chính gây ra tai nạn. Thực hiện các chế tài nghiêm khắc kèm các biện pháp tuyên truyền lâu dài, hiệu quả sẽ góp phần thúc đẩy môi trường an toàn giao thông cho xã hội.
Một vụ va chạm giao thông nghiêm trọng xảy ra liên hoàn giữa nhiều ô-tô trên cầu Phú Mỹ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)
Một vụ va chạm giao thông nghiêm trọng xảy ra liên hoàn giữa nhiều ô-tô trên cầu Phú Mỹ, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh THẾ ANH)

Hậu quả nặng nề từ sự chủ quan

Từ đầu năm đến nay, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khởi tố 6 vụ án hình sự do lái xe gây ra tai nạn giao thông. Mới đây, lái xe N.N.T. (42 tuổi, quê Bình Thuận) điều khiển xe trộn bê-tông biển số Thành phố Hồ Chí Minh lưu thông trên Quốc lộ 1 hướng từ cầu vượt Trạm 2 về Đại học Nông Lâm. Khi đến gần trụ điện T221L Quốc lộ 1 (phường Linh Trung, thành phố Thủ Đức), người này đã cho xe chuyển hướng rẽ phải và va chạm với xe máy do anh P.V.T. (20 tuổi, quê An Giang) điều khiển lưu thông cùng chiều.

Vụ va chạm khiến anh T. bị tổn thương cơ thể 71%, phương tiện bị hư hỏng nặng. Cơ quan chức năng căn cứ các kết quả giám định và khám nghiệm hiện trường cho biết, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do lái xe T. điều khiển phương tiện chuyển hướng không đúng quy định, hành vi này có dấu hiệu tội phạm, vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ được quy định tại Điều 260 Bộ luật Hình sự. Phòng Cảnh sát giao thông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện các bước, thủ tục để chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức điều tra theo thẩm quyền.

Tương tự, đầu tháng 8 vừa qua, xe ô-tô đầu kéo biển số 70H-046XX kéo theo sơ-mi rơ-moóc biển số 70R-006XX, do anh V.V.P., sinh năm 1985, ngụ tại tỉnh Thanh Hóa, điều khiển lưu thông trên làn đường dành cho ô-tô trên Quốc lộ 22; khi đến trước điểm giao với đường Bà Triệu, xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn do không chú ý quan sát va chạm liên hoàn với 4 xe ô-tô đang dừng chờ đèn tín hiệu giao thông.

Qua điều tra, thu thập chứng cứ, cơ quan chức năng xác định, nguyên nhân gây ra vụ tai nạn là do anh V.V.P. lái xe liên tục quá 4 giờ (thực tế anh P. đã điều khiển xe tổng thời gian là 7 giờ 10 phút) dẫn đến tình trạng buồn ngủ, mất tập trung. Vụ tai nạn gây thiệt hại cho 4 xe ô-tô với tổng số tiền thiệt hại hơn 471 triệu đồng. Hành vi của anh P. có dấu hiệu tội phạm, vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ vì vậy Phòng Cảnh sát giao thông đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và thực hiện các bước, thủ tục để chuyển hồ sơ vụ án cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Hóc Môn tiếp tục điều tra theo thẩm quyền.

Tuyên truyền nâng cao ý thức

Từ 2 vụ tai nạn giao thông điển hình nêu trên cho thấy, việc chủ quan, thiếu ý thức, không tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông có thể gây ra những hậu quả đáng tiếc, không chỉ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác mà còn bị khởi tố theo quy định của pháp luật. Tại các đô thị lớn của khu vực Đông Nam Bộ, các địa phương như Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu,... mật độ giao thông rất lớn, các nguy cơ về tai nạn giao thông cũng xuất hiện nhiều hơn so với các địa phương khác.

Theo các nghiên cứu, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông nhưng ý thức tham gia giao thông kém là một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Các hành vi này không chỉ gây thiệt hại về tài sản, sức khỏe, tính mạng của người khác mà còn bị khởi tố theo quy định của pháp luật.

Theo Bộ luật Hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định người tham gia giao thông đường bộ làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61-121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng thì bị phạt tiền 30-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù 1-5 năm.

Đối với các chủ phương tiện có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc buộc phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật. Ông Nguyễn Thành Lợi, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban An toàn giao thông Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, nhiều vụ tai nạn giao thông để lại hậu quả đáng tiếc mà nguyên nhân xuất phát từ ý thức chủ quan của con người. Đặc biệt các trường hợp vi phạm giao thông vượt ẩu, vượt đèn đỏ, lái xe dù đã uống rượu bia... Thời gian tới, ban cùng cơ quan quản lý tiếp tục triển khai đồng bộ loạt giải pháp về hạ tầng giao thông, siết chặt xử phạt kết hợp tuyên truyền... cải thiện tình hình giao thông.

Tương tự, Thượng tá Đoàn Văn Quới, Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông Công an Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, có đến 95% tai nạn xảy ra do ý thức người đi đường. Những người bị tai nạn được xác định tập trung nhóm từ 18-55 tuổi, là lao động chính trong gia đình. Điều này để lại nỗi đau lớn cho gia đình, mất mát cho xã hội không thể đo đếm được.

Lực lượng cảnh sát giao thông luôn xác định cần tập trung kiểm tra, xử lý nghiêm nhằm nâng cao ý thức người tham gia giao thông kết hợp các giải pháp tuyên truyền thường xuyên và lâu dài để tạo sự chuyển biến về ý thức.