Những thảm cảnh đau lòng
Nhiều người hẳn chưa quên vụ TNGT thương tâm xảy ra vào tối 15-5 vừa qua tại xã Đoàn Xá (huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng). Xe ô-tô BKS 15A-225.79 do Đỗ Hoàng Thịnh (SN 1985, ở phố Trần Phú, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) điều khiển, va chạm với xe máy BKS 16L8-1229 do anh Cao Đức Dương (SN 1988, trú tại thôn Ngọc Liễn, xã Đại Hà, huyện Kiến Thụy) điều khiển, chở theo vợ Đồng Thị Cúc (SN 1988, đang mang thai tháng thứ tám) và hai con: Cao Đức Huy (SN 2008), Cao Thị Ngọc Quỳnh (SN 2011). Hậu quả, vợ chồng anh Dương và cháu Quỳnh bị chấn thương sọ não. Sau vụ TNGT, các bác sĩ đã phải mổ để cấp cứu thai nhi, chị Cúc đã mất ngay sau đó mà không kịp nhìn mặt con. Theo kết quả đo của Bệnh viện Việt - Tiệp (Hải Phòng), nồng độ cồn trong máu của anh Dương lên tới 192,5 mg/100 ml máu, vượt gần năm lần so với tiêu chuẩn cho phép.
Trước đó, sáng 29-2, một vụ TNGT nghiêm trọng xảy ra tại khu vực phố Ái Mộ (quận Long Biên, Hà Nội) đã khiến dư luận bàng hoàng, căm phẫn. Chiếc Toyota Camry do Nguyễn Quang Vinh điều khiển, vượt sai làn đường tông thẳng vào hai ông cháu đi xe máy và một phụ nữ đi bộ dưới lòng đường trên phố Ái Mộ. Khi lao lên vỉa hè, chiếc Camry còn tông trúng hai xe máy đang đậu. Cú va chạm mạnh khiến người ông và một người phụ nữ đi bộ tử vong tại chỗ, cháu bé bảy tuổi chấn thương nặng, tử vong trên đường đi cấp cứu. Tại cơ quan công an, Vinh khai trước khi cầm lái, đã đi ăn lòng lợn tiết canh, có uống rượu.
Ngày 5-5 vừa qua, TAND tỉnh Kon Tum đã mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với bị cáo Trần Quang Hùng, nguyên Viện trưởng Viện KSND huyện Tu Mơ Rông, tuyên phạt bị cáo 18 tháng tù giam với tội danh “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, lái xe gây TNGT. Trước đó, khoảng 17 giờ ngày 4-12-2015, sau khi ăn nhậu buổi trưa, trên đường về, ông Hùng đã gây ra liên tiếp bốn vụ TNGT làm tám người bị thương rồi bỏ chạy về nhà riêng trên đường Phan Đình Phùng (TP Kon Tum) lẩn trốn, bất chấp sự truy đuổi của lực lượng CSGT và người dân. Kết quả kiểm tra xác định, thời điểm lái xe gây tai nạn, nồng độ cồn của ông Hùng lên tới 0,982 mg/lít khí thở.
Hậu quả của TNGT do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia thường rất nghiêm trọng cả về tính chất lẫn mức độ thiệt hại. Qua tìm hiểu ở một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức, có tới 60% số ca cấp cứu do TNGT liên quan sử dụng rượu, bia. Bên cạnh thiệt hại về thương tật, sinh mạng con người và những hậu quả nặng nề về tinh thần, về mặt kinh tế mỗi năm thế giới mất đi 1.500 tỷ USD, còn ở Việt Nam, TNGT liên quan rượu, bia gây thiệt hại 2,9% GDP/năm, bình quân mỗi ngày 250 tỷ đồng bị “bốc hơi”. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia Khuất Việt Hùng cho biết: “Hằng năm, ngân sách Nhà nước và chi phí của nhân dân dành cho việc khắc phục hậu quả TNGT do uống bia, rượu và điều khiển phương tiện một khoản tiền không nhỏ, thậm chí vượt xa kinh phí đóng góp từ ngành đồ uống có cồn. Vì vậy, Chính phủ xác định, tăng cường phòng chống và kiểm soát người điều khiển phương tiện cơ giới đường bộ uống rượu bia là một nhiệm vụ trọng tâm của công tác bảo đảm trật tự ATGT hiện nay”.
Cần biện pháp mạnh
Nước ta là một trong những quốc gia có tỷ lệ người uống rượu, bia cũng như lượng tiêu thụ bia, rượu cao nhất trong khu vực. Uống rượu, bia cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, thương tích trong các vụ TNGT. Một điều đáng buồn là hiện nay tỷ lệ sử dụng rượu, bia ở Việt Nam ngày càng tăng và đang ở mức báo động. Tại Bến Tre, sáu tháng vừa qua, theo cơ quan y tế tỉnh báo cáo, trong 326 trường hợp bị TNGT phải nhập viện, có 195 trường hợp đồng ý lấy máu kiểm tra nồng độ cồn, kết quả 100% trường hợp có nồng độ cồn vượt quá mức cho phép. Tổ chức Y tế thế giới (WHO), qua khảo sát 18 nghìn nạn nhân TNGT tại bệnh viện các tỉnh phía bắc, cho thấy TNGT có liên quan đến rượu, bia chiếm 36,9% (nam giới chiếm 36,2% và nữ giới là 0,7%). Một con số thống kê khác mà Ủy ban ATGT quốc gia đưa ra: có tới 70% số vụ TNGT có nguyên nhân do lái xe uống rượu, bia khi tham gia giao thông.
Nhiều chuyên gia về ATGT khẳng định, TNGT đường bộ là hiểm họa tại nhiều quốc gia, nhưng không phải không có biện pháp ngăn chặn, đẩy lùi. Thực tế cho thấy, TNGT đang có xu hướng liên tục giảm ở các quốc gia phát triển nhờ thực thi các chính sách đồng bộ, hiệu quả. Những năm 1960-1970, tại Nhật Bản hoặc Đức, có tới 20 nghìn người chết vì TNGT mỗi năm. Hiện tại, Nhật Bản chỉ còn 5.000 người và Đức còn 3.800 người tử vong vì TNGT/năm. Tại Quyết định 530/QĐ-UBATGTQG ngày 4-12-2015 của Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, lần đầu tiên Ủy ban An toàn giao thông quốc gia có kế hoạch triển khai thực hiện chuyên đề xử lý vi phạm quy định về nồng độ cồn khi tham gia giao thông, bằng cách huy động các bộ, ban ngành, đoàn thể vào cuộc.
Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân, cơ quan chức năng đã điều chỉnh, tăng nặng chế tài xử phạt. Tại Nghị định 46/2016/NĐ-CP ngày 26-5-2016 của Chính phủ quy định, hành vi vi phạm uống rượu, bia khi tham gia giao thông bị xử phạt hành chính lên tới 18 triệu đồng. Đặc biệt, trong Bộ luật Hình sự quy định mức độ vi phạm có nguy cơ làm chết người, tổn thương sức khỏe người khác, đưa ra chế tài xử lý hình sự. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, cần quy định rõ ràng mức độ vi phạm như thế nào để xử lý hình sự, lực lượng chức năng có căn cứ thi hành, đồng thời cũng là thông điệp tác động đến người có ý định vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển xe. Xét về góc độ sinh học, khi đã uống rượu bia, người điều khiển phương tiện dễ ngủ gật, làm giảm khả năng phán đoán, xử lý tình huống kém. Thực tế cho thấy, phần lớn các vụ va quệt, TNGT xảy ra trong các khung giờ từ 12 đến 14 giờ và từ 21 đến 24 giờ hằng ngày đều liên quan đến rượu, bia. TNGT do sử dụng rượu, bia tại một số địa phương có xu hướng tăng qua các năm, cả về số vụ, số người chết và bị thương. Vì thế, cần nghiên cứu, sửa đổi quy định của pháp luật theo hướng xử lý hình sự hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông, xem đây là lỗi cố ý, để tạo sức răn đe lớn. Nâng cao ý thức của người dân cũng được xem là giải pháp trọng tâm.
Các chuyên gia kiến nghị, doanh nghiệp sản xuất rượu, bia cần có khuyến cáo, cảnh báo nguy cơ hay hàm lượng trên sản phẩm để người sử dụng biết thông tin, chủ động khi uống. Cơ quan chức năng cần tuyên truyền về mức xử phạt hành vi vi phạm nồng độ cồn của người điều khiển phương tiện khi tham gia giao thông, nhằm tạo chuyển biến về nhận thức của cộng đồng. Cần ban hành những chế tài cụ thể trong việc sản xuất, nhập khẩu rượu, bia; nghiên cứu, đề xuất Chính phủ áp dụng chính sách thuế phù hợp hoạt động sản xuất, kinh doanh rượu, bia nhằm hạn chế tình trạng buôn lậu và sử dụng rượu, bia không bảo đảm tiêu chuẩn; quy định việc in thông tin về tác hại của việc uống nhiều rượu, bia trên nhãn sản phẩm, giúp người dân nâng cao nhận thức; nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội ban hành Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia.
Từ năm 2012 đến nay, TNGT giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết, số người bị thương, nhưng TNGT liên quan rượu, bia lại có chiều hướng gia tăng ở cả ba tiêu chí. Trong khi đó, sản xuất rượu, bia ở nước ta ngày càng tăng, ước tính tốc độ tăng trưởng khoảng 15%/năm. Sản lượng bia năm 2015 đạt 3,4 tỷ lít và sản lượng rượu ước khoảng 300 triệu lít (cả rượu công nghiệp và rượu nấu trong dân). Việt Nam được xếp là một trong số 25 quốc gia có mức tiêu thụ bia gia tăng nhiều nhất thế giới.