Xử lý nghiêm hành vi mua bán, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ

Theo bạn đọc phản ánh, thời gian gần đây tại một số tỉnh, thành phố xảy ra nhiều vụ cướp, đánh người gây thương tích,… gây mất an ninh - trật tự. Ðể thực hiện trót lọt hành vi phạm tội, các đối tượng thường sử dụng dao, kiếm, dùi cui điện, thậm chí cả vũ khí quân dụng. Bên cạnh đó, nắm bắt được nhu cầu mua bán và sử dụng trái phép các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ của nhiều người, các đối tượng đã nhập lậu hoặc tự chế các loại vũ khí rồi rao bán công khai trên mạng.

Người dân địa phương tự giác giao nộp vũ khí cho cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ia R’vê (Ðắk Lắk). Ảnh: NGỌC LÂN
Người dân địa phương tự giác giao nộp vũ khí cho cán bộ, chiến sĩ Ðồn Biên phòng Ia R’vê (Ðắk Lắk). Ảnh: NGỌC LÂN

Ði cướp, giải quyết mâu thuẫn bằng súng

Vừa qua, các cán bộ, chiến sĩ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp Công an thị xã Bến Cát (Bình Dương) bắt giữ Trần Công Ðức (SN 1993, ở huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Ðồng Nai), là nghi can cướp tiền của Chi nhánh ngân hàng SHB ở phường Tân Ðịnh, thị xã Bến Cát. Ðức bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại một nhà trọ ở phường Thới Hòa (thị xã Bến Cát). Khám xét nơi ở của Ðức, lực lượng công an đã thu giữ một khẩu súng và 10 viên đạn. Bước đầu, Trần Công Ðức khai nhận, do thiếu tiền tiêu xài, nên đã nảy sinh ý định cướp ngân hàng. Ðể thực hiện hành vi phạm tội này, Ðức vào mạng in-tơ-nét tìm hiểu và đặt mua một khẩu súng ngắn và đạn. Khi có súng, Ðức chuẩn bị quần áo, túi xách rồi mượn xe máy đi xuống TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) và gửi xe tại đây. Sau đó, Ðức thuê một chiếc xe máy khác và tháo BKS rồi đi về thị xã Bến Cát. Khoảng 11 giờ 30 phút ngày 18-11-2020, quan sát thấy Chi nhánh ngân hàng SHB (phường Tân Ðịnh) vắng khách, Ðức tiến vào sảnh và bất ngờ rút súng đe doạ nhân viên để cướp tiền. Khi chưa kịp lấy tiền, bảo vệ chi nhánh ngân hàng phát hiện tri hô cho nên Ðức bỏ chạy. Sau đó Ðức điều khiển xe máy về TP Vũng Tàu trả xe rồi quay lại lẩn trốn tại nhà trọ. Dù tính toán gian manh nhưng Ðức vẫn không thoát khỏi nghiệp vụ điều tra của các cán bộ công an.

Trước đó, Cơ quan CSÐT Công an huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh đã quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Nguyễn Ðức Trường (SN 1999, ở xã Quảng Chính, huyện Hải Hà) về tội "tàng trữ, sử dụng trái phép vũ khí quân dụng", ngoài tội danh "cố ý gây thương tích" đã khởi tố trước đó. Nguyên nhân do mâu thuẫn từ trước, cho nên Nguyễn Ðức Trường chuẩn bị một khẩu súng bắn đạn ghém và một viên đạn, rồi rủ thêm Phạm Ngọc Duy (SN 1995, ở cùng xã); Trương Ðức Việt (SN 2001, ở xã Quảng Thịnh) và Nguyễn Văn Ninh (SN 2001, ở thị trấn Quảng Hà), huyện Hải Hà đến nhà Hoàng Ðắc Quyết giải quyết mâu thuẫn. Thấy nhóm của Trường xuất hiện, Quyết và một số người liền dùng đá, gạch để ném. Bực tức vì bị ném gạch, đá nên Trường cầm súng bắn về phía Quyết. Hậu quả Quyết bị thương ở vùng sườn và vùng đầu, tổn thương 24% sức khỏe… Mặc dù các đối tượng liên quan, hung thủ bị bắt và bị pháp luật trừng trị nhưng hậu quả để lại cho nạn nhân rất nặng nề về sức khỏe cũng như tinh thần. Ðiều mà dư luận quan tâm và đặt ra rất nhiều câu hỏi: Ai là người bán các khẩu súng này cho Trần Công Ðức (Bình Dương) và Nguyễn Ðức Trường (Quảng Ninh)? Nguồn cung cấp súng này được lấy từ đâu? Tại sao việc mua, bán các loại vũ khí này lại dễ dàng như vậy?...

Qua tìm hiểu được biết, hiện nay các loại vũ khí, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ thuộc lĩnh vực được Nhà nước quản lý nghiêm ngặt và cấm mọi hành vi mua, bán, tàng trữ và sử dụng trái phép. Tuy nhiên, lợi dụng sự phát triển của mạng xã hội cũng như lĩnh vực thương mại điện tử, nhiều đối tượng vẫn lén lút mua, bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép các loại kiếm, súng, dùi cui điện, dao găm… Tinh vi hơn, một số đối tượng còn tìm kiếm các tài liệu ở trên mạng, học hỏi kinh nghiệm thông qua các hội, nhóm hoặc câu lạc bộ rồi tự nghiên cứu, chế tạo các loại súng. Tiêu biểu từ súng bút rất nhỏ gọn cho đến những loại có kích thước lớn như súng cồn, súng kíp,… đều được sản xuất, chế tạo trong nước bởi các đối tượng xã hội. Hay như một số dao, đao, kiếm,… được bày bán công khai nhưng gắn mác hàng thủ công mỹ nghệ. Các mặt hàng này tuy nhỏ gọn, thoạt nhìn như những sản phẩm để trang trí nhưng được các đối tượng ưa thích tìm mua bởi tính sát thương rất cao… Chỉ cần đánh vào trang tìm kiếm www.google.com với cụm từ "mua súng tự vệ" thì chỉ sau chưa tới một giây đã có gần 14 triệu kết quả tìm kiếm hiện lên với đủ các loại vũ khí tự chế, rao bán với nhiều mức giá khác nhau. Nhiều trang web còn ghi lại vi-đê-ô cảnh "thử hàng" như chém, chặt vào gốc chuối, gỗ,… cho người xem. Việc mua, bán cũng diễn ra hết sức công khai và nhanh chóng khi những người bán hàng yêu cầu người mua nhắn tin vào số Zalo của điện thoại để báo giá và giao dịch khi có nhu cầu. Tương tự, trên thanh công cụ tìm kiếm của trang mạng xã hội Facebook, hàng loạt nội dung tìm kiếm như "cung cấp vũ khí tự vệ" thì hàng loạt trang hiện lên ở dạng công khai và nhóm kín để người xem tìm hiểu.

Chúng tôi vào một trang mạng xã hội có tên "Shop chuyên cung cấp vũ khí tự vệ - giá rẻ chất lượng" thì trang này đăng quảng cáo công khai các loại vũ khí như đao, kiếm. Thậm chí, quản trị trang còn để lại số điện thoại và giá bán một số loại vũ khí trên giao diện chính. Tương tự, khi chúng tôi kết bạn Zalo với một cô gái tên Phạm Th. N. theo số điện thoại 0911.19x.xxx thì vô số các loại đao, kiếm, súng được quảng cáo ở đây. N. cho biết: "Bên em làm ăn uy tín, hàng gì cũng có. Em nhận bao ship toàn quốc, nhận hàng kiểm tra thấy ưng thì anh trả tiền...". Khi ngỏ ý muốn đến cửa hàng xem trực tiếp các loại vũ khí thì N. nói giọng đầy ẩn ý và cảnh giác: "Cơ sở của em ở xa lắm, anh đến làm gì cho mệt. Thích món đồ nào em ship đến tận cửa nhà anh...". Trên trang Facebook công khai mua bán vũ khí của cô gái này, có gần 4.000 thành viên thường xuyên theo dõi.

Cũng theo N., hầu hết các loại vũ khí này đều được nhập lậu từ bên kia biên giới, nếu cần thu mua số lượng lớn những mặt hàng "nóng, lạnh" này thì lên chợ Cốc Lếu (TP Lào Cai, tỉnh Lào Cai) hoặc một số chợ của TP Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn). Nơi đây vốn được những dân chơi xem như "thủ phủ" của các mặt hàng vũ khí "nóng, lạnh".

Ðể tìm hiểu thực tế, 21 giờ một ngày giữa tháng 12, tại Bến xe Mỹ Ðình (Hà Nội) chúng tôi chọn nhà xe Hà Sơn Hải Vân để hành trình lên chợ Cốc Lếu (TP Lào Cai) khám phá chợ vũ khí. Nằm trên xe khoảng hơn bốn giờ đồng hồ, vượt qua hơn 300 km và đi qua 5 tỉnh, thành phố, chúng tôi đến TP Lào Cai. Xuống xe, chọn tạm một nhà nghỉ để tá túc chờ trời sáng hẳn sẽ xuống chợ, xem hàng. Lúc dời Hà Nội, thông qua một số mối quan hệ chúng tôi làm quen với H "xoăn", một dân anh chị có tiếng ở chợ Cốc Lếu. Ðón chúng tôi ở đường Hoàng Liên bằng chiếc xe bán tải, vừa hút xì gà, H "xoăn" vừa nói giọng đầy ngang tàng: "Mua lẻ kiếm, dao, dùi cui,... thì đơn giản, nhưng nếu mua với số lượng lớn thì phải có người "bảo kê" giao dịch, vận chuyển. Nếu muốn mua các món hàng độc, lạ như đao, kiếm, súng tự chế... thì phải đặt cọc tiền trước, hàng về, tôi sẽ alô". Câu chuyện của chúng tôi và H vừa dứt thì cũng là lúc chiếc xe dừng tại cổng chợ. Vào chợ Cốc Lếu, chúng tôi được H "xoăn" đưa đi khám phá các gian hàng bán đao, kiếm, "vũ khí" tự chế. Ở đây, các mặt hàng này được bày bán theo hình thức nửa công khai, nửa bí mật. Chúng tôi dừng chân ở một gian hàng, ngỏ ý muốn mua cái kiếm dài có vỏ và chuôi chạm khắc hình con rồng để trưng bày. Anh bán hàng tên M, nhanh nhảu ra phía sau lấy một thanh kiếm đúng theo yêu cầu và báo giá ba triệu đồng. Lấy lý do không ưng do hoa văn vỏ kiếm không sắc nét nên tôi trả lại đi sang gian hàng khác. Vừa đi được vài bước, H vội nói: "Ở đây cứ xem thoải mái, không mua cũng không sao. Hôm trước, có tốp thanh niên đầu xanh, đầu đỏ đi xe ô-tô BKS Hà Nội qua đây chọn mua rất nhiều dao, kiếm, dùi cui,… Chẳng cần hỏi cũng biết là dân đòi nợ thuê hoặc dân "tổ lái" chuyên đua xe…".

Cần nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt

Ðại tá Phạm Ngọc Thắng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái là người có kinh nghiệm trong đấu tranh với loại tội phạm nêu trên, cho biết: Hiện nay, người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận mua, bán, tàng trữ và sử dụng loại "hàng hóa đặc biệt" này, bởi các đối tượng thường lập các tài khoản Facebook, YouTube, Zalo rồi chào bán nên rất khó kiểm soát. Những hành vi vi phạm pháp luật này tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh trật tự, mất an toàn xã hội…

Nhằm đối phó với loại tội phạm này, có kinh nghiệm hằng ngày "tuần tra" trên mạng, khi phát hiện có người giao dịch mua, bán, lực lượng điều tra trao đổi với công an cấp huyện, tổ chức các nghiệp vụ trinh sát, gọi hỏi, xác minh làm rõ. Ðối với lực lượng công an chính quy về xã thì tổ chức tuyên truyền giúp người dân hiểu và không sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ trái phép; tổ chức cảnh báo, răn đe các đối tượng có hành vi mua, bán các vật nghi ngờ chế tạo vũ khí (cò súng, tuýp sắt có lỗ nòng, lò xo…) qua mạng xã hội.

Dưới góc độ pháp luật, luật sư Mai Quốc Việt (Công ty Luật FDVN, TP Ðà Nẵng) cho rằng, hiện nay căn cứ luật, quy định để xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến tàng trữ, mua, bán và sử dụng trái phép vũ khí quân dụng, vật liệu nổ và các loại vũ khí thô sơ khá đầy đủ như Ðiều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017; Ðiều 306 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017); Ðiều 10 Nghị định số 167/2013/NÐ-CP ngày 12-11-2013 Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình… Ngoài ra, tùy theo mức độ, hành vi vi phạm của sự việc mà pháp luật sẽ có những hình phạt bổ sung phù hợp. Tuy nhiên, cũng theo luật sư, hình thức xử phạt hiện nay vẫn chưa đủ mạnh, thiếu tính răn đe cho nên chưa thể hạn chế tối đa các hành vi vi phạm pháp luật này.

Ðại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP Hồ Chí Minh cho biết: Hiện nay, Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ năm 2017 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều trong năm 2019 như khoản 2 Ðiều 3; khoản 6 Ðiều 18 và nhất là tại khoản 2 Ðiều 73 với nội dung: "Bộ Quốc phòng thực hiện chức năng quản lý nhà nước về vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành danh mục vũ khí quân dụng quy định tại điểm a khoản 2 Ðiều 3 của Luật này". Việc sửa đổi, bổ sung các điều này là kịp thời, cụ thể hóa những điều khoản khi thi hành Luật này, đồng thời góp phần tăng tính răn đe, chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm… Cùng với việc sử dụng các biện pháp nghiệp vụ, lãnh đạo Công an thành phố đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ tăng cường các giải pháp về tuyên truyền, vận động người dân, đơn vị thực hiện nghiêm Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ năm 2017, nhất là một số điều được sửa đổi, bổ sung năm 2019; các điều trong Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) liên quan hình thức xử phạt các hành vi chế tạo, vận chuyển, mua, bán, sử dụng, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ trái phép;… Thời gian qua, Công an thành phố tổ chức hơn 5.000 lượt tuyên truyền với hơn 283.660 người tham dự; cho người dân ký 6.539 bản cam kết không sản xuất, mua, bán, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ và đốt pháo trái phép. Qua hoạt động kiểm tra, truy quét, các lực lượng đã bắt giữ 129 đối tượng, truy tố 23 đối tượng; thu giữ năm súng quân dụng, 776 công cụ hỗ trợ, 1.104 vũ khí thô sơ; thu hồi 59 súng săn, súng hơi, 36 súng tự chế, 556 vũ khí thô sơ, ba lựu đạn, mìn…

UBND thành phố Hồ Chí Minh cũng ban hành nhiều văn bản yêu cầu các đơn vị chức năng, trong đó Công an thành phố, Bộ Tư lệnh thành phố và Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố cần tích cực triển khai thực hiện các biện pháp quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kịp thời báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết các khó khăn, vướng mắc cụ thể. Cũng theo Ðại tá Nguyễn Sỹ Quang, do các hoạt động mua, bán, trao đổi vũ khí, công cụ hỗ trợ chủ yếu thực hiện trên mạng xã hội cho nên Công an thành phố kiến nghị UBND thành phố báo cáo Chính phủ chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông tăng cường kiểm tra, quản lý, giám sát hoạt động này trên in-tơ-nét; rà soát và gỡ bỏ các trang web đăng tải thông tin, vi-đê-ô với nội dung giới thiệu, mua, bán và hướng dẫn chế tạo, sản xuất, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ;…

Nhằm ngăn chặn tình trạng mua, bán, tàng trữ, sử dụng và vận chuyển trái phép vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trên các tuyến biên giới, lực lượng Bộ đội Biên phòng đã chủ động phối hợp chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt phong trào quần chúng tự giác giao nộp vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; tích cực tham gia tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm; không mua, bán, vận chuyển, tàng trữ vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ trái phép; thường xuyên tổ chức lực lượng phối hợp tuần tra, kiểm soát kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này; thực hiện có hiệu quả Ðề án "Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật cho cán bộ, nhân dân khu vực biên giới"…

Ðại tá BÙI VĂN LUA

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống ma túy và Tội phạm (Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng)