Theo đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động tổ chức thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các vi phạm trong hoạt động lễ hội; đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi; hoạt động mê tín dị đoan, cờ bạc.
Đầu xuân là dịp cao điểm diễn ra nhiều lễ hội, cũng là thời điểm hoạt động mê tín dị đoan nở rộ và khó kiểm soát. Vì thế, việc xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội, tín ngưỡng để trục lợi là rất cần thiết; góp phần bảo đảm một mùa lễ hội an toàn, tiết kiệm; đồng thời để văn hóa thật sự là mạch nguồn truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Khác với chính tín (niềm tin đưa tới kết quả tốt đẹp, hướng đến lối sống thiện), mê tín dị đoan là tin theo những điều mù quáng, là một hành vi không chỉ làm mất đi những giá trị tinh thần tốt đẹp của tín ngưỡng, tôn giáo mà còn gây ra những tác động tiêu cực, ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự an toàn xã hội.
Một trong những biểu hiện dễ nhận thấy của mê tín dị đoan là hoạt động đốt đồ mã, vàng mã vô tội vạ tại các đền, chùa, khu di tích... vào dịp lễ hội đầu xuân. Đáng nói, đốt vàng mã hiện nay không đơn thuần chỉ là những bộ quần áo, giày dép, mũ nón như trước mà còn có thêm nhà lầu, xe hơi, tủ lạnh... với quan niệm của nhiều người là “trần sao âm vậy”.
Hành động này vừa không đúng giáo lý đạo Phật vừa gây tốn kém, ô nhiễm môi trường và còn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Bên cạnh đó, việc sử dụng tiền lẻ không phù hợp (nhét tiền vào tay tượng Phật, cài tiền trong các lọ hoa, đồ thờ cúng...) cũng gây phản cảm, ảnh hưởng đến tính tôn nghiêm và cảnh quan của di tích, nơi thờ tự.
Chưa kể, tại một số lễ hội, không ít người vì quá mê tín còn tranh giành, cướp lộc để cầu may, gây mất an ninh, trật tự. Ngoài ra, các hoạt động khác như: hầu đồng, xem bói, đoán tướng, cúng sao giải hạn... cũng bị biến tướng nhằm mục đích trục lợi, đặc biệt diễn ra tràn lan vào dịp đầu xuân.
Có thể thấy hiện nay ranh giới giữa thực hành tôn giáo, tín ngưỡng với mê tín dị đoan trong cộng đồng có lúc, có nơi khá mong manh. Để thực hành đúng tôn giáo, tín ngưỡng đòi hỏi cần hiểu rõ bản chất của tôn giáo, tín ngưỡng.
Về mặt pháp luật, hiện đã có các quy định, chế tài xử phạt cụ thể với các hành vi mê tín dị đoan, tùy theo mức độ vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc có thể truy cứu trách nhiệm hình sự tùy mức độ vi phạm.
Tuy nhiên, đôi lúc việc xử phạt chưa được thực hiện nghiêm minh, các chế tài chưa đủ sức răn đe nên các hoạt động trục lợi tâm linh, mê tín dị đoan vẫn tiếp diễn.
Vì thế, cần thực hiện nghiêm các chế tài đã có, đồng thời, tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật phù hợp hơn với thực tiễn, tăng sức răn đe, nhằm kịp thời chấn chỉnh, xử lý các hành vi trục lợi mê tín dị đoan của các tổ chức, cá nhân.