Cảnh giác với các chiêu trò mê tín dị đoan qua mạng

Hiện nay, các "thầy bói online" phán về đủ thứ. Từ việc xem tử vi, chọn ngày lành, tháng tốt cho đến xem công danh, tình duyên đều diễn ra nhộn nhịp trên các nền tảng trực tuyến. Những chiêu trò này khiến những người có tâm lý "có họa thì vái tứ phương", dễ trở thành "con mồi" của đối tượng lừa đảo.
0:00 / 0:00
0:00
Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) xử phạt vi phạm hành chính T.T.H - cô đồng bổ cau gây xôn xao dư luận. (Ảnh GIA KHIÊM)
Công an thị xã Kinh Môn (Hải Dương) xử phạt vi phạm hành chính T.T.H - cô đồng bổ cau gây xôn xao dư luận. (Ảnh GIA KHIÊM)

Không khó tìm ra những địa chỉ xem bói trên Facebook, Zalo nổi tiếng như: "Review xem bói Hà Nội", "Xem bói online chuẩn", "Xem bói miễn phí"… Bằng phương thức quảng cáo rầm rộ với đủ mọi "dịch vụ tâm linh" miễn phí gồm: Tử vi, tướng số, xem bói phong thủy, chọn ngày đẹp, tìm người thất lạc, thậm chí livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán..., các trang web, tài khoản mạng xã hội về nội dung này thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt theo dõi. Một số tài khoản tự xưng là "cậu", "cô", quảng cáo có năng lực đặc biệt, luận giải được mọi vận hạn của đời người thông qua các đường chỉ tay, tướng mạo,... Ðiều đáng nói, các "dịch vụ tâm linh" online đang bị những kẻ xấu lợi dụng để lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan và đánh cắp thông tin cá nhân.

Các "thầy" nhận xem qua lá trầu, lá bài, chỉ tay, ngày sinh, xem tuổi… với giá từ 50.000 đến 500.000 đồng/lần. Trên TikTok cũng có thể dễ dàng tìm thấy vô số nội dung như "xem bói trực tuyến", "cô đồng hữu duyên xem giúp hai đến ba bạn mỗi ngày"… Chủ đề để xem xoay quanh về công danh sự nghiệp, tình duyên, vận hạn. Các "quẻ" xem phải trả phí hoặc không. Người xem muốn đăng ký để lại số điện thoại trực tiếp hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo. Với một số người muốn xem bói theo gói tổng quan cả năm, gói tình cảm, gói công việc, gói combo thì giá từ 79.000 đến 299.000 đồng. Có thầy bói online còn "quảng cáo" xem với độ chính xác từ 80% trở lên.

Vừa qua, Công an thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng đối với bà T.T.H - cô đồng bổ cau "đúng nhận, sai cãi" (38 tuổi, trú tại phường Hiến Thành, thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương) về hành vi "Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc".

Hành vi của H đã vi phạm vào điểm b, khoản 1, Ðiều 101, Nghị định số 15/2020/NÐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ, sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 14/2022/NÐ-CP ngày 27/1/2022 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin, an toàn thông tin mạng và giao dịch điện tử.

Gần đây nhất, Công an thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình triệt phá một ổ nhóm lừa đảo bán vòng tay, bùa hộ thân, mặt Phật gắn mác phong thủy... cho gần 60.000 người nhẹ dạ cả tin. Ðiều đáng nói, các đối tượng cũng lập mạng xã hội, lấy hình ảnh các cô đồng nổi tiếng để giả danh, lừa đảo. Chủ mưu là vợ chồng Dương Văn Cao và Hoàng Thị Mỹ Hằng (cùng sinh năm 1997), ở phường Thanh Bình, thành phố Ninh Bình. Nhóm này lập các trang mạng xã hội, chạy quảng cáo khiến trang cá nhân càng trở nên uy tín.

Theo nhiều nhà quản lý văn hóa và chuyên gia tâm lý, sở dĩ tình trạng kinh doanh không hợp pháp liên quan vấn đề tâm linh bùng phát là do lợi nhuận rất lớn của hoạt động này. Thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh và hành vi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận nhân dân cũng khiến việc kiểm soát và xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, những quy định của pháp luật về vấn đề này chưa đầy đủ, tạo kẽ hở khiến những người kinh doanh dịch vụ tâm linh online dễ "lách luật"… Bên cạnh đó, những người đặt kỳ vọng vào các "giá trị hư vô" không chỉ tiền mất, tật mang mà còn làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may từ bùa phép dẫn đến hậu quả khó lường. Ðáng sợ hơn, khi không đạt được kỳ vọng, họ có thể sẽ trở nên ích kỷ, thậm chí chìm đắm vào tư tưởng mang đậm màu sắc mê tín dị đoan.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Nguyễn Xuân Sang (Ðoàn Luật sư thành phố Hà Nội) cho rằng: Trong thẩm quyền của mình, các cơ quan quản lý, đơn vị quản trị mạng xã hội cần chủ động xây dựng cơ chế kiểm soát hành vi vi phạm pháp luật trên nền tảng thuộc quản lý của mình, kịp thời lên án, chấn chỉnh, khóa vĩnh viễn các tài khoản có hành vi truyền bá, kinh doanh mê tín dị đoan... Ðối với những người mới vi phạm lần đầu thì tùy theo mức độ để xử phạt vi phạm hành chính theo quy định. Nếu những người cố tình vi phạm nhiều lần hoặc từng bị xử phạt hành chính về hoạt động mê tín dị đoan thì xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể, về xử phạt hành chính có thể căn cứ Ðiều 14 Nghị định số 38/2021/NÐ-CP ngày 29/3/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Căn cứ xử lý hình sự là Ðiều 320 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan.

Việc bài trừ mê tín, dị đoan chỉ thành công khi mỗi người dân đều trang bị cho bản thân tư duy tích cực, có hành động đúng đắn và lối sống lành mạnh; nhìn nhận đúng bản chất các hoạt động tâm linh, không tin theo bói toán vô căn cứ khiến tâm trí mê muội và "tiền mất tật mang".