Buông lỏng quản lý tài nguyên khoáng sản
Mỏ than Suối Bàng có trữ lượng khoảng 237.500 tấn, nằm trên địa bàn xã Suối Bàng, huyện Vân Hồ (Sơn La).
Từ năm 2011, Công ty cổ phần Khoáng sản Sơn La (Công ty KS) được UBND tỉnh Sơn La cấp giấy phép khai thác than số 1975/QĐ-UBND, ngày 30-8-2011.
Theo đó, đơn vị này được phép khai thác than tại điểm mỏ than Suối Bàng bằng phương pháp khai thác hầm lò trên diện tích gần 45 ha. Cũng theo giấy phép, Công ty KS được phép khai thác với công suất tối đa 25.000 tấn/năm, liên tục trong vòng 10 năm. Để được cấp phép, Công ty KS đã hoàn thiện các nội dung báo cáo cơ quan quản lý nhà nước như thiết kế mỏ, biện pháp bảo đảm an toàn khai thác, bảo vệ môi trường, ký, nộp quỹ môi trường, kế hoạch khai thác… Tuy nhiên, đó là các nội dung khai thác bằng phương pháp hầm lò. Trên thực tế, đơn vị khai thác không thực hiện đúng giấy phép được cấp mà tự ý khai thác theo phương pháp lộ thiên. Nhiều nội dung cam kết khác như trong giấy phép đề cập không được thực hiện.
Hệ quả là nhiều quả đồi bị đào xới tan hoang, hàng trăm héc-ta rừng tự nhiên, rừng sản xuất “không cánh mà bay”. Nhiều km đường giao thông bị hàng đoàn xe tải hạng nặng ngày đêm quần nát. Bụi than, bụi đất vây phủ, bóp nghẹt không gian sống của các hộ dân sinh sống gần khai trường. Không những vậy, đơn vị khai thác còn ngang nhiên đổ thải theo dọc triền núi, gây ô nhiễm nguồn nước, khiến cho sản xuất của nhiều hộ dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đã có một số hộ dân phải bỏ bản, bỏ nương đi tìm nơi ở mới do không chịu được ô nhiễm. Chị Lò Thị Sua (ở bản Pưa Ta, xã Suối Bàng) bức xúc cho biết: “Khi mới đến đây, chủ đơn vị khai thác có hứa là những ảnh hưởng tới sức khỏe, sản xuất của người dân sẽ được bồi thường, hỗ trợ. Nhưng suốt từ đó đến nay chúng tôi có thấy gì đâu”.
Làm việc với chúng tôi, Phó Chủ tịch UBND xã Suối Bàng Mùi Văn Huấn thừa nhận việc khai thác than làm ảnh hưởng tới cuộc sống như người dân phản ánh là đúng. Tuy nhiên, xã không có giải pháp nào cả. Chỉ hằng tháng lên mỏ kiểm tra và báo cáo tình hình lên huyện chờ phương án xử lý. “Thấy bà con sống gần mỏ than khổ quá mà mình không biết làm sao. Báo cáo lên thì cấp trên bảo mỏ đang bị đình chỉ, doanh nghiệp không có gì hỗ trợ. Văn bản đình chỉ khai thác của họ, chúng tôi cũng có đây”. Tuy vậy, khi được xem những hình ảnh và đoạn phim do chúng tôi vừa ghi lại và từ người dân cung cấp về hoạt động khai thác than lộ thiên vẫn đang diễn ra; hình ảnh nhiều xe tải chở than nguyên khai đi lại trong khu vực mỏ, ông Huấn và ông Đinh Văn Đức, cán bộ địa chính - xây dựng xã Suối Bàng nhún vai, lắc đầu.
Cần làm rõ khối lượng khai thác trái phép
Theo tìm hiểu của chúng tôi, mặc dù là đơn vị được cấp phép nhưng Công ty KS không tổ chức khai thác mà “bán” lại cho đơn vị khác. Cụ thể, năm 2016, Công ty KS ký Hợp đồng kinh tế liên doanh khai thác than với Công ty TNHH Nam Thọ, một doanh nghiệp có trụ sở tại Yên Bái (Công ty Nam Thọ). Sau một thời gian đầu tư hạ tầng, làm đường, lắp đặt một số máy móc phục vụ việc khai thác, ngày 15-1-2017, Công ty TNHH Nam Thọ “nhượng” lại quyền khai thác cho một đơn vị khác là Công ty TNHH một thành viên Sơn Trường (Công ty Sơn Trường, có địa chỉ tại thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh). Hai doanh nghiệp này có ký văn bản thỏa thuận về việc chuyển nhượng hợp đồng khai thác than cùng Công ty KS. Từ thời điểm đó, Công ty Sơn Trường là đơn vị khai thác tại mỏ than Suối Bàng, mặc dù trên giấy tờ Công ty KS là đơn vị được cấp phép, vẫn phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về pháp lý trong quá trình khai thác tại đây.
Tuy nhiên, gần như bỏ qua những quy định và cam kết trong giấy phép khai thác mỏ, Công ty KS để mặc Công ty Sơn Trường tự tung tự tác trên mỏ than Suối Bàng. Những sai phạm liên tiếp xảy ra trong quá trình khai mỏ Suối Bàng và những phản ánh của người dân chủ yếu từ thời điểm doanh nghiệp này “tiếp quản” từ Công ty Nam Thọ.
Theo báo cáo của Phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn (Sở Tài nguyên và Môi trường Sơn La), đến thời điểm này, Công ty KS đã khai thác 27.312 tấn than nguyên khai, đúng theo công suất được cấp phép. Tuy nhiên, đây là số liệu do Công ty KS cung cấp, còn số liệu do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN & MT) kiểm tra, nắm bắt thì đơn vị này không thể cung cấp. Lý do, như ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Tài nguyên nước, khoáng sản và khí tượng thủy văn, là “do bên thanh tra họ làm việc, số liệu cụ thể chúng tôi không nắm được”. Ông Hùng cũng cho biết, từ năm 2018, Sở TN&MT cũng như các đơn vị chức năng thường xuyên kiểm tra và tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo đối với việc khai thác than tại mỏ Suối Bàng (khoảng 20 văn bản). Ngày 1-2-2018, Công văn số 408/UBND-KT của UBND tỉnh yêu cầu Công ty KS dừng khai thác để khắc phục vi phạm chưa nộp tiền cấp quyền khai thác, tiền sử dụng số liệu thông tin kết quả điều tra, thăm dò và làm thủ tục thuê đất. Năm 2019, UBND tỉnh ra Quyết định số 780/QĐ-UBND, ngày 2-4-2019, phạt 450 triệu đồng và yêu cầu thực hiện các biện pháp khắc phục do vi phạm các quy định về khoáng sản, môi trường và đất đai. “Phía Công ty KS chỉ có vi phạm là khai thác không đúng phương pháp theo giấy phép và đã bị xử phạt đình chỉ”, ông Hùng cho biết.
Mặc dù thừa nhận là có việc khai thác lộ thiên, nhưng ông Nguyễn Văn Hùng kiên quyết không cho biết diện tích, vị trí, sản lượng khai thác cũng như số liệu thu nộp ngân sách nhà nước đối với vi phạm của đơn vị này. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La Lò Minh Hùng, việc Công ty KS vi phạm trong hoạt động khai thác than tại mỏ Suối Bàng xảy ra nhiều lần và đã được các cơ quan chức năng xử phạt. Hiện đơn vị này đang bị đình chỉ khai thác chờ khắc phục vi phạm và hoàn thiện các thủ tục theo quy định. Tại các Thông báo số 58/TB-VPUB ngày 25-2-2020 và số 186/TB-VPUB ngày 1-8-2020, UBND tỉnh Sơn La đã nêu rõ: “Công ty KS, Công ty Sơn Trường chỉ được phép khai thác khoáng sản khi hoàn thành các thủ tục pháp lý theo quy định và có văn bản chấp thuận của UBND tỉnh”. UBND tỉnh cũng giao các sở, ngành và địa phương liên quan kiểm tra thực địa, đôn đốc tiến độ khắc phục để có cơ sở xem xét chấp thuận cho phép Công ty KS được tiếp tục khai thác than tại mỏ Suối Bàng theo phương pháp lộ thiên hay không. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng yêu cầu các đơn vị liên quan phải giải quyết dứt điểm tranh chấp về kinh tế liên quan đến các hợp đồng, thỏa thuận nhượng quyền khai thác giữa Công ty KS, Công ty Nam Thọ và Công ty Sơn Trường; bảo đảm các phương án bồi thường, hỗ trợ đối với người dân trong trường hợp có ảnh hưởng đến môi trường sống và hoạt động sản xuất.
Trên các văn bản trả lời là vậy, thế nhưng những gì chúng tôi chứng kiến và phản ánh của người dân tại mỏ than Suối Bàng cho thấy sự thật ngược lại. Hoạt động khai thác lộ thiên vẫn diễn ra qua mặt lực lượng chức năng cũng như chính quyền địa phương. Lần kiểm tra gần nhất, trong tháng 2-2020, như báo cáo của Sở TN&MT tỉnh Sơn La, chưa thể hiện được chính xác những gì đang diễn ra ở đây. Đề nghị các cơ quan chức năng cần có biện pháp đo đạc bằng hệ quy chiếu điện tử để xác định khối lượng, diện tích Công ty KS đã khai thác lộ thiên (diện tích khai thác sai phép). Bởi đây là yếu tố quan trọng để tính toán mức độ vi phạm của đơn vị khai thác, nhằm xác định khối lượng truy thu thuế cho ngân sách cũng như thanh toán giá trị thỏa thuận kinh tế giữa các bên liên quan.