Điều tra qua thư bạn đọc

Xử lý dứt điểm những vi phạm hành lang an toàn đê ở Nam Định

Theo phản ánh của bạn đọc, những năm qua, tình trạng vi phạm Luật Đê điều ở tỉnh Nam Định diễn ra khá phổ biến. Những vi phạm này chậm được các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xử lý và giải quyết, gây bức xúc cho người dân.

Một điểm tập kết vật liệu xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê Hữu Đào (Vụ Bản, Nam Định).
Một điểm tập kết vật liệu xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ đê Hữu Đào (Vụ Bản, Nam Định).

Vi phạm nhiều nhưng xử lý ít

Nhiều năm nay, người dân xã Nam Thanh (Nam Trực, Nam Định) rất bức xúc và đã làm đơn gửi các cơ quan chức năng đề nghị xử lý những vi phạm pháp luật về đê điều của Công ty cơ khí Nam Ninh trong sản xuất, kinh doanh cát, sỏi quy mô lớn. Trên diện tích đất hơn sáu nghìn m2 ngoài đê, công ty được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ); có giấy phép của Bộ Thủy sản (cũ) cho cắt, mở đường qua thân đê… Mặc dù vậy, hoạt động tập kết cát, sỏi của doanh nghiệp này đã vi phạm khoảng cách tiêu chuẩn đến mái kè sông. Nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này phản ánh về tình trạng xe tải trọng lớn vận chuyển vật liệu thường xuyên diễn ra. Tuy nhiên, khi trao đổi ý kiến với chúng tôi, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty cơ khí Nam Ninh Phan Minh Phê khẳng định: “Mặc dù ngành nghề đăng ký kinh doanh chính là sửa chữa tàu thuyền, nhưng kinh doanh vật liệu xây dựng cũng đã được cấp phép. Chúng tôi luôn thực hiện đúng các quy định về bảo vệ đê điều, thường xuyên kiểm tra, gia cố bảo đảm an toàn".

Không chỉ Công ty cơ khí Nam Ninh, trên tổng số 29,4 km đê sông huyện Nam Trực có tới 27 điểm tập kết vật liệu xây dựng, đa phần là cát, sỏi, nhưng chỉ có hai điểm được cấp phép. Nhiều điểm tập kết vật liệu xây dựng vi phạm Luật Đê điều, tự phát mở hàng chục con đường cho xe chuyên chở cát, sỏi đi trên thân đê. Thống kê của Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Nam Định cho thấy, Nam Trực có 461 vụ vi phạm về đê điều tính trong 15 năm trở lại đây.

Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Nam Định Đặng Ngọc Thắng cho biết, ở một số điểm, chính các đơn vị của Nhà nước như Điện lực Nam Định còn dựng cột điện sát chân đê (ở Nam Giang, Nam Trực), trên vai đê (Nam Phong, Nam Vân thuộc TP Nam Định)… Theo thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 1.300 vụ vi phạm, với hàng trăm hộ dân đang ở, canh tác trên các khu đất bãi bồi…

Ngay cả sau khi có Chỉ thị số 14/CT-UBND, ngày 25-6-2014, của UBND tỉnh Nam Định về tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều, thủy lợi trên địa bàn thì sự chuyển biến cũng rất chậm. Năm 2014, có 284 vụ việc được xử lý, chiếm 26% so với kế hoạch đề ra. Theo kế hoạch năm 2015 phải giải quyết 1.318 vụ việc liên quan đến đê điều, nhưng đến nay mới giải quyết được 20%... Tỉnh Nam Định có hệ thống đê dài 663 km, trong đó có 365 km đê cấp 1 đến cấp 3. Thời gian qua, do công tác quản lý lỏng lẻo, cho nên đã có rất nhiều vi phạm Luật Đê điều trên địa bàn tỉnh. Trong tổng số 3.680 vụ vi phạm, có 2.752 vụ xảy ra trước năm 2007 (khi Luật Đê điều chưa có hiệu lực thi hành); số vụ còn lại (928 vụ), phát sinh sau năm 2007. Những vi phạm chủ yếu là người dân tự ý xây dựng công trình, canh tác, sản xuất trong phạm vi bảo vệ đê. Nghiêm trọng hơn là khoảng 200 bãi tập kết, kinh doanh vật liệu xây dựng ngoài đê vi phạm vào hành lang an toàn bảo vệ đê. Hoạt động đổ, xả cát, sỏi từ các tàu hút và vận chuyển bằng xe tải trọng lớn qua thân đê… gây ảnh hưởng trực tiếp và lâu dài đối với nhiều tuyến đê cũ trên địa bàn.

Buông lỏng quản lý

Điều 43, Luật Đê điều có hiệu lực từ ngày 1-7-2007, đã quy định rõ trách nhiệm của UBND các cấp trong việc quản lý Nhà nước về đê điều. Theo đó, UBND cấp xã có các nhiệm vụ, quyền hạn như: Tổ chức thực hiện việc quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê trên địa bàn…; ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; xử lý hành vi vi phạm pháp luật về đê điều theo thẩm quyền, trường hợp vượt quá thẩm quyền phải báo cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để xử lý. UBND cấp huyện có các nhiệm vụ, quyền hạn như: …Chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương; tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện pháp luật về đê điều và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều; giải quyết theo thẩm quyền khiếu nại, tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật về đê điều trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay vẫn còn tình trạng một số địa phương của tỉnh Nam Định chưa nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình trong công tác quản lý, bảo vệ đê điều. Sự buông lỏng quản lý hoặc né tránh trách nhiệm tập thể, cá nhân có thẩm quyền, nhất là ở cán bộ chuyên trách và người đứng đầu trong việc phát hiện, kiểm tra và xử lý vi phạm còn khá phổ biến. Vì lợi ích cục bộ, một số địa phương đã giao đất, cho thuê đất xây dựng nhà ở, hoặc sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng… ngay trong hành lang bảo vệ đê, trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi dẫn đến những vi phạm phức tạp kéo dài. Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trực Nguyễn Thanh Hà thừa nhận: Công tác quản lý về đê điều còn chưa đầy đủ, vẫn có sai phạm, việc xử lý chưa triệt để mặc dù thường xuyên kiểm tra. Ngoài điểm tập kết của Công ty cơ khí Nam Ninh, hiện huyện đang chỉ đạo tập trung xử lý vụ việc vi phạm tại cống Cổ Lễ, nơi một công ty xây dựng trạm xử lý nước sạch vi phạm nghiêm trọng an toàn đê, kè. Tinh thần chung là xử lý nghiêm, nhưng phải chờ kết luận của đoàn kiểm tra.

Bên cạnh sự buông lỏng quản lý, sự thiếu hiểu biết hoặc cố tình vi phạm cũng là nguyên nhân khiến tình trạng vi phạm Luật Đê điều ở Nam Định trở nên nghiêm trọng. Thống kê cho thấy, chỉ có 31/75 cơ sở đóng tàu, 8/50 cơ sở sản xuất gạch, 18/202 bãi kinh doanh vật liệu xây dựng được cấp có thẩm quyền cấp phép. Nhiều xã, thị trấn chưa nắm chắc các quy định của Luật Đê điều, đã cho thuê đất trong hành lang bảo vệ đê, một số huyện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hành lang bảo vệ đê. Việc phát hiện, xử lý ngay từ đầu của lực lượng quản lý chuyên trách đê điều, thủy lợi và chính quyền cơ sở chưa kịp thời, quyết liệt.

Ngoài ra, ý thức của một số người dân chưa cao, chưa nhận thức đúng quy định pháp luật về bảo vệ đê điều, cho nên đã tận dụng tối đa diện tích đất trong phạm vi bảo vệ đê để canh tác. Việc đổ phế thải, ngâm tre, nứa, xây lều quán, nhà cửa, bãi vật liệu trong hành lang bảo vệ đê điều và công trình thủy lợi còn diễn ra phổ biến. Nhiều hộ gia đình sinh sống trong khu vực bảo vệ đê có nguồn gốc đất đai từ lâu đời (đất cha ông để lại) chưa có nơi tái định cư để di dời, giải tỏa, đã tạo thành những điểm vi phạm rất khó xử lý.

Trước những vi phạm với số lượng lớn nhưng chậm được xử lý nói trên, Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và phòng, chống lụt bão tỉnh Nam Định Đặng Ngọc Thắng bức xúc: Nếu tình trạng vi phạm Luật Đê điều, vi phạm Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi ở tỉnh Nam Định không được xử lý nghiêm, sẽ ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều, công trình thủy lợi, cản trở thoát lũ lòng sông, đe dọa tính mạng, tài sản của nhân dân trong tỉnh. Để xử lý hiệu quả các vi phạm pháp luật về đê điều, các cơ quan chức năng cần lập kế hoạch, phương án và tổ chức xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm tồn tại từ năm 2007 đến nay trên mặt đê, mái đê và trong phạm vi năm mét từ chân đê trở ra. Các vi phạm gây mất ổn định công trình đê điều, làm thu hẹp dòng chảy tại các kênh mương cần phải giải tỏa ngay như đăng, đó, vó bè,...