Xử lý dứt điểm những vi phạm công trình thủy lợi

Những năm qua, trên địa bàn cả nước, các cơ quan chức năng đã phát hiện hàng chục nghìn vụ vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi với nhiều hình thức khác nhau. Những hành vi vi phạm đang không chỉ làm cản trở dòng chảy, ảnh hưởng đến khả năng tưới, tiêu cho sản xuất nông nghiệp mà còn trực tiếp đe dọa an toàn công trình thủy lợi.
0:00 / 0:00
0:00
Xây dựng công trình trái phép trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải. (Ảnh: LƯƠNG VĂN CHÍNH)
Xây dựng công trình trái phép trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải. (Ảnh: LƯƠNG VĂN CHÍNH)

Theo Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), các hình thức vi phạm công trình thủy lợi thời gian qua như: Xây dựng nhà kiên cố, nhà tạm, kho xưởng, bến, bãi, sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia cầm... Trong đó, một số địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhưng chưa xử phạt hành chính.

Phát hiện hàng chục nghìn vụ vi phạm

Cục Thủy lợi cho biết, từ năm 2018 đến nay, trên địa bàn cả nước phát hiện hơn 56 nghìn vụ vi phạm phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi. Các vi phạm tập trung chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Hồng, miền núi phía bắc, Đồng bằng sông Cửu Long...

Những hình thức vi phạm rất đa dạng như: Xây dựng nhà ở kiên cố, nhà tạm, nhà xưởng, kho tàng, lều lán, chuồng trại chăn thả gia súc, xây tường bao, xây dựng bến, bãi bốc dỡ hàng hóa; tập kết nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, vật tư phương tiện; đào ao nuôi trồng thủy sản; khai thác vật liệu xây dựng; trồng cây lâu năm, quản lý an toàn hồ chứa thủy lợi. Hình thức vi phạm này diễn ra phổ biến ở khu vực đông dân cư, vùng nông thôn. Đối tượng vi phạm chủ yếu là người dân sống gần phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng phát hiện nhiều vi phạm về đổ, xả chất thải độc hại, nước thải bệnh viện, nhà máy, làng nghề… chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn vào nguồn nước trong hệ thống thủy lợi. Các hình thức vi phạm này chủ yếu diễn ra ở khu đô thị, nơi đông dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, làng nghề và vùng nông thôn.

Tại tỉnh Hải Dương hiện có 1.245 trạm bơm, 68 hồ chứa nước, 10.465 km kênh mương, 840 km bờ bao thủy lợi. Những năm qua, tình hình vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh diễn ra khá nhiều ảnh hưởng đến phục vụ tiêu, thoát nước của các hệ thống thủy lợi. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương Lương Văn Cảnh cho biết: “Những năm gần đây, công tác quản lý và xử lý vi phạm công trình thủy lợi trên địa bàn có nhiều chuyển biến tích cực, giảm về số vụ cũng như mức độ vi phạm.

Tuy nhiên, do hệ thống công trình thủy lợi có số lượng lớn, dàn trải, đan xen với các làng, khu dân cư cho nên vi phạm công trình thủy lợi vẫn còn diễn ra, tỷ lệ vi phạm được xử lý bằng hình thức giải tỏa đạt tỷ lệ chưa cao. Theo thống kê, thời gian qua cơ quan chức năng tỉnh đã xử lý được 1.440 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi; còn tồn đọng 1.410 trường hợp vi phạm tính từ ngày 1/7/2018 đến nay.

Các các hành vi vi phạm là: Xây dựng nhà ở, làm chuồng trại, tường bao, cầu dân sinh qua kênh, tập kết vật liệu, đổ đất, cát san lấp làm mặt bằng; xả nước thải không phép, thả đăng, đó, đào ao, làm vườn, trồng cây…”. Theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Lương Xuân Chính: “Thời gian qua, tình trạng vi phạm công trình thủy lợi như: Xả rác, nước thải gây ô nhiễm nước, xây nhà kiên cố, trồng cây, lập bến bãi, làm lều quán… trên hệ thống kênh trục Bắc Hưng Hải xảy ra ngày càng nghiêm trọng, tác động lớn đến hiệu quả khai thác của công trình và sản xuất nông nghiệp. Tính từ tháng 7/2018 đến nay, công ty đã phát hiện 1.303 trường hợp vi phạm, trong đó tỉnh Hải Dương có 836 vụ, Hưng Yên 448 vụ, Hà Nội 17 vụ…”.

Thiếu biện pháp xử lý mạnh

Trong tổng số hơn 56 nghìn vụ vi phạm từ năm 2018 đến nay, các cơ quan chức năng đã vào cuộc, xử lý được 39.734 vụ, còn tồn đọng 17.244 vụ. Tuy nhiên hình thức xử lý chủ yếu bằng hình thức lập biên bản, nhắc nhở và phạt cảnh cáo, thiếu biện pháp xử lý mạnh (xử phạt, cưỡng chế, thu hồi) mang tính răn đe. Kết quả xử phạt vi phạm hành chính rất thấp, trong đó một số địa phương có số vụ vi phạm nhiều nhưng chưa xử phạt hành chính.

Cũng theo Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Bắc Hưng Hải Lương Xuân Chính: “Mặc dù, khi phát hiện vi phạm, công ty đã lập biên bản báo cáo Ủy ban nhân dân xã sở tại đề nghị xử lý nhằm ngăn chặn, giải tỏa vi phạm; chủ động phối hợp Ủy ban nhân dân các xã rà soát, thống kê, phân loại và đề xuất giải tỏa các trường hợp vi phạm trọng điểm. Tuy nhiên, đến nay số vụ vi phạm công trình thủy lợi trong hệ thống mới chỉ xử lý được 367 vụ, chiếm 28,3%. Riêng năm 2023 xảy ra 150 vụ vi phạm mới nhưng cũng mới xử lý, giải tỏa được 64 vụ”.

Phó Cục trưởng Thủy lợi Lương Văn Anh cho rằng: “Hiện nay, kết quả xử lý vi phạm công trình thủy lợi còn thấp và hiệu quả chưa cao. Nguyên nhân là do sự phối hợp, chia sẻ thông tin giữa chính quyền địa phương và các đơn vị quản lý thủy lợi còn hạn chế, chưa kịp thời và thiếu đồng bộ.

Hơn nữa, nhiều địa phương chưa triển khai cắm mốc giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi dẫn đến khó khăn trong quản lý, bảo vệ công trình cũng như xác định vi phạm và xử lý; một số địa phương chưa quan tâm đúng mức đến bảo vệ công trình thủy lợi và chưa quyết liệt xử lý mà xem trách nhiệm đó thuộc về ngành thủy lợi, các đơn vị quản lý”.

Mặt khác, ở một số địa phương việc phát hiện vi phạm chậm, chế tài xử lý, cưỡng chế chưa đủ mạnh và nếu có xử lý cũng chưa kiên quyết, né tránh, ngại va chạm. Nhiều công trình thủy lợi khi xây dựng không đền bù, giải tỏa đất trong hành lang bảo vệ công trình. Vì vậy, hiện nay một số diện tích đất trong phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân, gây khó khăn cho việc xử lý.

Nhằm quản lý và xử lý vi phạm, bảo đảm chất lượng nước phục vụ sản xuất nông nghiệp cũng như an toàn công trình thủy lợi, nhất là trong mùa mưa, bão, lũ, thời gian tới các tỉnh, thành phố cần chỉ đạo các sở, ban, ngành, địa phương và công ty khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn tăng cường thanh tra, kiểm tra, đánh giá, xử lý những vi phạm; tăng cường phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan nhằm giải tỏa, xử lý triệt để hành vi vi phạm về khai thác, bảo vệ công trình thủy lợi; kiên quyết xử lý dứt điểm các vụ vi phạm tồn đọng, nhất là những vi phạm nghiêm trọng ảnh hưởng đến an toàn công trình thủy lợi; cắm mốc chỉ giới phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi và bàn giao mốc chỉ giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để phối hợp quản lý, bảo vệ.

Cùng với đó, sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các địa phương cần tăng cường phối hợp công an tỉnh nhằm phòng ngừa, đấu tranh, phát hiện, xử lý vi phạm. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, phổ biến các văn bản, chính sách, pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ công trình thủy lợi; thường xuyên kiểm tra, phát hiện sớm, kịp thời các vi phạm phát sinh, chủ động áp dụng ngay các biện pháp ngăn chặn, lập biên bản, thông báo, kiến nghị và phối hợp Ủy ban nhân dân các cấp để tăng cường xử lý…

Ngày 6/1/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 03/2022/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực phòng, chống thiên tai; thủy lợi; đê điều. Nghị định quy định mức phạt tiền tối đa đối với lĩnh vực phòng, chống thiên tai là 50.000.000 đồng, lĩnh vực đê điều là 100.000.000 đồng và lĩnh vực thủy lợi là 250.000.000 đồng.