Xử lý các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh

NDO - Nhiều doanh nghiệp đang sản xuất tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh (tỉnh Đồng Nai) đang như ngồi trên “đống lửa” sau khi nhận quyết định xử phạt với số tiền từ hàng trăm triệu đến hàng tỷ đồng của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai về hành vi xây dựng không phép, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị, thực hiện dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, vi phạm về an toàn phòng cháy, chữa cháy.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, tỉnh Đồng Nai.
Toàn cảnh Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, tỉnh Đồng Nai.

Các ngành chức năng tỉnh Đồng Nai đang xem xét, xử lý theo tinh thần nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm, nhất là chuyển nhượng đất để làm dự án khác; đồng thời hướng dẫn, tạo điều kiện cho những trường hợp sản xuất gốm để phát huy giá trị, truyền thống gốm Biên Hòa - Đồng Nai hơn 325 năm.

Hàng loạt doanh nghiệp bị xử phạt

Giữa lúc gặp khó khăn do ảnh hưởng thị trường xuất khẩu, ông Đỗ Minh Sơn, Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn gốm mỹ nghệ Hoàng Mỹ, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh nhận quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt số tiền hơn 1,6 tỷ đồng về hành vi chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và xây dựng sai phép. Doanh nghiệp có nhiều đời làm gốm hàng đầu phía nam đứng ngồi không yên, vì cùng với quyết định xử phạt là buộc tháo dỡ phần công trình xây dựng sai phạm.

Ông Sơn cho biết, Hoàng Mỹ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên thực hiện chủ trương kêu gọi của tỉnh Đồng Nai vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh từ năm 2016 để sản xuất dòng gốm đất trắng với các sản phẩm trang trí để xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Hoa Kỳ.

Xử lý các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ảnh 1

Ông Đỗ Minh Sơn (bên phải) cho rằng quyết định xử phạt buộc tháo dỡ lúc này như "khai tử" doanh nghiệp gốm.

Sau khi xây dựng nhà xưởng đầu tiên trên diện tích 5.000m2, doanh nghiệp được Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chấp thuận xây dựng nhà xưởng thứ hai (đối diện nhà xưởng đầu tiên). Sau đó, Hoàn Mỹ được Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa cấp giấy phép xây dựng. Kể từ đó đến nay, doanh nghiệp sản xuất ổn định, mở rộng sản xuất, tạo công ăn việc làm ổn định cho hơn 100 thợ gốm ở Đồng Nai.

Thế nhưng, quyết định xử phạt và buộc tháo dỡ nhà xưởng khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. “Doanh nghiệp luôn chấp hành các quy định của pháp luật nhưng giữa lúc gặp nhiều khó khăn như hiện nay khi xuất khẩu giảm hơn 60%, việc xử phạt và buộc tháo dỡ chẳng khác nào như khai tử doanh nghiệp. Do vậy, chúng tôi mong chính quyền các cấp xem xét lại quyết định xử phạt sao cho hợp tình, hợp lý”, ông Đỗ Minh Sơn nói.

Tương tự, doanh nghiệp tư nhân Thành Công, ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh cũng bị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai xử phạt số tiền gần 700 triệu đồng về hành vi thực hiện dự án trước khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, chiếm đất phi nông nghiệp tại khu vực đô thị và tổ chức thi công không có giấy phép xây dựng.

Xử lý các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ảnh 2

Sau khi tiếp nhận quyết định xử phạt, bà Ôn Ngọc Mỹ đã cho tháo dỡ một phần nhà xưởng xây vi phạm.

Bà Ôn Ngọc Mỹ, Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Thành Công cho biết: Giữa năm 2016, doanh nghiệp vào Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh làm nhà xưởng trên diện tích hơn 4.500m2 đất để chuyển toàn bộ cơ sở ở phường Hóa An vào sản xuất. Tiếp đó, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai có văn bản 12406/UBND-CNN ngày 20/12/2016 về việc chấp thuận cho doanh nghiệp thuê thêm 1.366m2 đất để xây dựng các công trình phụ trợ cho sản xuất gốm.

“Sau khi tiếp nhận quyết định xử phát, doanh nghiệp đang tháo dỡ một phần nhà xưởng. Chúng tôi mong muốn ngành chức năng xem xét giảm mức phạt, tỷ lệ diện tích xây dựng đối với nhà xưởng nghề gốm để doanh nghiệp duy trì sản xuất, tạo công ăn việc làm cho các thợ gốm”, bà Ôn Ngọc Mỹ nói.

Ngoài hai trường hợp trên, có hàng loạt doanh nghiệp khác đang hoạt động tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh cũng nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai với hành vi tương tự. Trong đó, bị xử phạt với số tiền nhiều nhất là hơn 2,3 tỷ đồng và thấp nhất cũng vài trăm triệu đồng.

Mong xử lý thấu tình, đạt lý

Hơn 25 năm về trước, tỉnh Đồng Nai thực hiện chủ trương xây dựng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh để di dời các cơ sở sản xuất gốm trong khu dân cư và phát huy giá trị, truyền thống gốm Biên Hòa - Đồng Nai. Năm 2002, Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh bắt đầu xây dựng hạ tầng trên diện tích hơn 32ha ở phường Tân Hạnh, thành phố Biên Hòa với vốn đầu tư từ ngân sách khoảng 225 tỷ đồng.

Phải mất hơn 10 năm sau, hạ tầng cụm công nghiệp mới hoàn thành để giao đất trên thực địa cho các cơ sở. Năm 2014, những doanh nghiệp đầu tiên bắt đầu vào xây dựng nhà xưởng để sản xuất kinh doanh.

Xử lý các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ảnh 3

Hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh được ngân sách nhà nước đầu tư khoảng 225 tỷ đồng.

Tổng thư ký Hiệp Hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai Vòng Khiềng cho biết, quá trình hoạt động các doanh nghiệp ở Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh có vi phạm quy định pháp luật trong việc tuân thủ mật độ xây dựng, sử dụng đất khi chưa hoàn thiện thủ tục thuê đất, sử dụng đất. Tuy nhiên, một phần cũng do điều kiện khách quan, sự bức bách trước những khó khăn trong hoạt động mà chưa được hướng dẫn, hỗ trợ đầy đủ và thực tế cũng đã hoạt động ổn định từ hơn 5 năm nay.

Do vậy, ông Khiềng kiến nghị, việc xử lý những vi phạm này cần được thấu tình đạt lý, thể hiện sự quan tâm của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đối với những cố gắng, tâm huyết của các doanh nghiệp gốm trong việc bảo tồn và phát triển nghề gốm truyền thống. Từ đó, góp phần giúp các doanh nghiệp có thêm động lực, tinh thần vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Rà soát quyết định xử phạt

Liên quan đến các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, cuối tháng 2 vừa qua, hai Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng và Võ Văn Phi đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa để xử lý và thống nhất kết luận:

Giao Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa phối hợp với Sở Tư pháp, các đơn vị liên quan rà soát tất cả hồ sơ, quyết định xử phạt vi phạm hành chính do Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa ban hành. Đối chiếu với quy định pháp luật liên quan, thực hiện thu hồi, hủy bỏ quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các trường hợp không đủ cơ sở pháp lý đã ban hành.

Đối với các doanh nghiệp đủ cơ sở pháp lý để xử lý vi phạm hành chính về xây dựng, đất đai, phòng cháy, chữa cháy thì kiên quyết xử lý vi phạm, cưỡng chế theo thẩm quyền và quy định, nhất là những trường hợp hoạt động không đúng ngành nghề, chuyển nhượng dự án trái pháp luật.

Xử lý các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ảnh 4

Hạ tầng Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh được đầu tư từ vốn ngân sách khoảng 225 tỷ đồng.

Riêng phần đất chưa sử dụng trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh, giao Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai khẩn trương thẩm định giá, tổ chức đấu giá, lựa chọn nhà đầu tư sản xuất đúng chức năng của Cụm công nghiệp, tránh lãng phí về đất đai.

Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa quan tâm, hỗ trợ các doanh nghiệp nghề gốm đã đi vào hoạt động theo đúng chức năng ngành nghề thực hiện các thủ tục pháp lý về đầu tư, đất đai, xây dựng. Qua đó, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh xuất khẩu gốm, phát huy truyền thống nghề gốm trên địa bàn.

Việc để xảy ra tồn tại, thiếu sót về đầu tư, xây dựng, đất đai, đăng ký kinh doanh thời gian qua là do Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh chưa có cơ quan quản lý, chưa có quy chế phối hợp giữa các đơn vị liên quan để hướng dẫn các doanh nghiệp hoạt động theo quy định.

Giao Ủy ban nhân dân thành phố Biên Hòa chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Nội vụ thống nhất giải pháp quản lý, tổ chức hoạt động Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

Xử lý các sai phạm tại Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh ảnh 5

Sản xuất dòng gốm đất trắng tại một doanh nghiệp trong Cụm công nghiệp gốm sứ Tân Hạnh.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh đã có buổi làm việc với các đơn vị nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp ngành gốm mỹ nghệ Đồng Nai gặp phải trong thời gian dài chưa có lối thoát.

Theo đó, Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai giao Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan xem xét lại quy định đấu giá đất tại cụm công nghiệp, gồm: Quan tâm, giải quyết kiến nghị của Hiệp Hội Gốm mỹ nghệ Đồng Nai về việc sản xuất sản phẩm phụ liên quan đến ngành gốm, chuyển đổi loại hình doanh nghiệp và thuê thêm đất để mở rộng sản xuất, chú ý thực hiện nhanh thủ tục hành chính.