Ảm đạm
Theo lời giới thiệu của ông Vòng Khiềng, Tổng Thư ký Hiệp hội gốm Đồng Nai, chúng tôi quyết định đến lò gốm Phong Sơn, một doanh nghiệp tư nhân hiếm hoi còn giữ được những lò gốm cổ trăm năm. Dĩ nhiên, điểm đặc biệt mà chúng tôi quan tâm ở đây không chỉ tuổi đời của lò gốm mà còn vì quy mô “trăm mét” của lò đốt như ông Khiềng nói và lý do vì sao nó đã phải nằm im trong hơn một năm qua.
Mất hơn năm phút di chuyển từ HTX Thái Dương đến Chợ Đồn, chúng tôi đã tìm thấy lò gốm Phong Sơn nằm trên đường Bùi Hữu Nghĩa, phường Tân Vạn, TP Biên Hòa. Tuy vậy, đập vào mắt hai anh em lại là hình ảnh của cánh cổng sắt to đóng kín, chỉ chừa lại lối đi nhỏ vừa đúng một chiếc xe máy lách qua. Phía sau cánh cổng đó là đống đất nguyên liệu cao ngút mái nhà với cỏ, cây dại mọc chung quanh.
Mình trần trùng trục, ông La Vĩnh Hưng, 61 tuổi, cho biết, trung bình mỗi ngày ông đắp tay được bốn đến năm chiếc lu, ngày nhiều là bảy đến tám chiếc.
Hỏi thêm ông Hưng thì được biết, khâu đắp lu ở lò gốm Phong Sơn chỉ còn bốn người thợ như ông. Nhẩm tính thì với mỗi người thợ làm được bốn chiếc, giá thành khoảng một triệu đồng/lu, doanh thu mỗi ngày mà họ làm ra chỉ khoảng 16 triệu đồng. Nếu trừ đi chi phí nguyên liệu, nhiên liệu và tiền công, lợi nhuận của lò gốm chắc chắn không cao.
Thực tế thì một năm qua, quy mô sản xuất của lò gốm Phong Sơn đã bị co hẹp do lò đốt bằng củi không được phép hoạt động nữa.
Một thời hoàng kim
Theo lịch sử ghi lại, từ thế kỷ 17, nghề thủ công gốm đã xuất hiện và hình thành tại Cù Lao Phố, TP Biên Hòa do cư dân bản địa và người Việt, người Hoa vào khai khẩn. Đến nửa cuối thế kỷ 19, nhiều lò gốm Tân Vạn hình thành do số thợ gốm người Hoa phải di chuyển qua bên kia sông sau khi Cù Lao Phố bị tàn phá những năm trước. Trong số những lò gốm đầu tiên tại đây có lò gốm Lâm Trường Phong của ông Lâm Khôn.
Sau đó, năm 1903, Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa (nay là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai) được người Pháp thành lập và một trong những hiệu trưởng của trường là ông Robert Balick đã tạo được nét đặc trưng, hướng đi riêng của gốm Biên Hòa như ngày nay. Đó là những sản phẩm gốm trang trí nhiều mầu, chạm khắc chi tiết hoa văn. Cũng vì thế mà sau này, Trường Mỹ nghệ thực hành Biên Hòa đã đào tạo được nhiều thế hệ nghệ nhân gốm nổi tiếng, qua đó giúp nghề gốm mỹ nghệ Biên Hòa phát triển rất mạnh từ những năm 60 của thế kỷ 20.
Theo ông Khiềng, lịch sử hình thành và phát triển của gốm Biên Hòa - Đồng Nai xuất phát từ sự giao thoa của các dòng gốm Việt, Chăm, Hoa trên địa bàn, cộng với kỹ thuật tạo tác, pha chế men mầu của phương Tây. Từ đó đã hình thành một quy trình sản xuất gồm các công đoạn rất riêng như: phối liệu đất (tạo ra các loại đất in, đất xoay và đất rót), tạo hình sản phẩm, chạm khắc, chấm men và nung sản phẩm. Đáng chú ý, men mầu xanh đồng trổ bông là đặc trưng tiêu biểu và tinh hoa của dòng gốm Biên Hòa - Đồng Nai nếu so với gốm hoa lam Bát Tràng, gốm đen Phù Lãng hay gốm xanh Bình Dương. Thậm chí, trong nghệ thuật làm gốm ở Việt Nam, chỉ có mầu men tại Biên Hòa có danh xưng quốc tế là Vert de Bienhoa.
Thế nhưng, những hào quang quá khứ cũng nhanh chóng biến mất với gốm Biên Hòa trong hơn 15 năm qua. Số lao động nghề gốm ở các cơ sở tại Biên Hòa đều đã lớn tuổi, chưa có lao động thay thế theo kiểu người đi trước truyền nghề cho người đi sau.
Bên cạnh đó là vấn đề bảo vệ môi trường, vốn đầu tư, tư duy ăn xổi với những sản phẩm đúc bằng bê-tông xịt giả men… tất cả không chỉ kìm hãm sự phát triển của gốm Biên Hòa mà còn đe dọa làm mai một nghề truyền thống suốt 15 năm qua.
Gian nan tìm hướng đi
Lò gốm Phong Sơn đang nỗ lực tìm cách cải tiến công nghệ lò nung gốm đất đen nhằm duy trì dòng gốm truyền thống, bên cạnh gốm đất trắng được dùng để sản xuất hàng mỹ nghệ, trang trí được đốt bằng gas, và bảo vệ môi trường. Thực tế là hiện nay, gần một nửa số cơ sở, doanh nghiệp của gốm Biên Hòa đang sản xuất dòng sản phẩm gốm đất đen, trong khi do kích thước sản phẩm lớn và lớp men phủ từ chính tro bụi của dòng gốm này buộc phải nung bằng lò củi truyền thống.
Ông Khiềng cho biết, nếu có thể, Đồng Nai cho phép các cơ sở nêu trên tiếp tục được sử dụng lò đốt củi nhưng có cải tiến công nghệ xử lý khói bụi, bảo đảm tiêu chuẩn môi trường. Rộng hơn, cũng như nhiều địa phương khác, gốm Biên Hòa nếu muốn phát triển bền vững cần có sự kết hợp du lịch, không chỉ nhằm quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường trong nước và nước ngoài mà còn giúp tăng doanh thu cho lò gốm, cải thiện thu nhập của người thợ. Chẳng gì thì qua nhiều thời kỳ phát triển, gốm Biên Hòa cũng đã khẳng định được vị thế và tính đặc trưng của làng nghề gốm truyền thống có tiếng tại Đông Nam Bộ, sự gần gũi với cuộc sống và bản sắc văn hóa của người dân Đồng Nai.