Đây là sự kiện quan trọng để kết nối, trao đổi ý tưởng và khám phá những xu hướng mới nhất trong lĩnh vực nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Với dân số hơn 100 triệu người cùng tầng lớp trung lưu đang gia tăng nhanh chóng như hiện nay, Việt Nam được ví như “mảnh đất màu mỡ” cho ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống.
Đây là ngành đóng vai trò then chốt trong chuỗi giá trị của ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam, không chỉ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn bảo đảm an ninh lương thực quốc gia.
Vài năm trở lại đây, ngành thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam đang chứng kiến sự phát triển vượt bậc, tốc độ tăng trưởng trung bình hằng năm ấn tượng, đạt 10-12%.
Đáng chú ý, trong năm 2023, tại khu vực Đông Nam Á, doanh thu ngành thực phẩm Việt Nam đã vươn lên vị trí thứ ba, chỉ đứng sau Indonesia và Philippines.
Xu hướng tiêu dùng mới cũng đang tạo ra cơ hội lớn cho ngành. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đòi hỏi sự đa dạng trong sản phẩm thực phẩm và đồ uống, dẫn đến nhu cầu ngày càng tăng về các loại nguyên liệu, hương liệu đa dạng và độc đáo.
Đặc biệt sau đại dịch, xu hướng tiêu dùng thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng, thực phẩm hữu cơ và thực phẩm chức năng đang mở ra những thị trường mới đầy tiềm năng cho ngành.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Nguyễn Đoan Duy, Trưởng Khoa Công nghệ thực phẩm, Trường đại học Công thương Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến sức khỏe nên họ có xu hướng chọn lọc kỹ càng các loại thực phẩm và đồ uống.
Trong đó, các thực phẩm và đồ uống có dinh dưỡng thuần tự nhiên như sản phẩm không có hóa chất bảo quản, không có màu nhân tạo càng được ưa chuộng.
Người tiêu dùng Việt bắt đầu quan tâm đồ uống và thực phẩm có khả năng phòng bệnh như hỗ trợ dinh dưỡng, quản lý cân nặng, quản lý về sức khỏe tim mạch, hay tăng chiều cao...
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực và thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, bên cạnh những tiềm năng lớn, ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều thách thức như chất lượng nguyên liệu không ổn định, công nghệ sản xuất lạc hậu, tác động của biến đổi khí hậu và sự thiếu liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị. Những yếu tố này làm hạn chế khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài.
Hội Lương thực và thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, để có thể phát triển bền vững, ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống Việt Nam đòi hỏi cần sự hợp tác chặt chẽ giữa doanh nghiệp, nhà nước và các tổ chức nghiên cứu.
Tập trung nâng cao chất lượng, đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, áp dụng công nghệ hiện đại và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững là chìa khóa để nâng cao vị thế quốc tế.
Đồng thời, chú trọng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển nguyên liệu mới sẽ giúp ngành bắt kịp xu hướng tiêu dùng và đáp ứng nhu cầu của những thực khách khó tính.
Theo thống kê, trong 8 tháng đầu năm 2024, chỉ số sản xuất công nghiệp của ngành sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023; doanh thu bán lẻ hàng hóa 8 tháng năm 2024 tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2023, đạt khoảng 3,2 triệu tỷ đồng với nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,2%.
Dịp này, Hội Lương thực Thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Khoa học Công nghệ Lương thực, Thực phẩm Việt Nam, cùng Hiệp hội Bia-rượu-nước giải khát Việt Nam cũng phối hợp công bố thông tin về Triển lãm ngành nguyên liệu thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
Triển lãm dự kiến tổ chức từ ngày 9 và 11/10/2024 tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (Quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh).
Hoạt động triển lãm thực phẩm và đồ uống năm 2023. (Ảnh: Ban tổ chức cung cấp) |
Sự kiện thu hút hơn 150 đơn vị trưng bày và dự kiến đón tiếp hơn 6.000 khách tham dự từ 30 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Sự kiện còn giới thiệu đa dạng danh mục sản phẩm từ những nguyên liệu truyền thống của Việt Nam đến các nguyên liệu trên thế giới.