Mô hình trên do cán bộ, chiến sĩ Trạm sửa chữa tổng hợp, Phòng Kỹ thuật của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang thực hiện. Thiếu tá Trần Thanh Thuyên, Trạm trưởng Trạm sửa chữa tổng hợp, cho biết, khi đợt dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn hồi đầu tháng 8 vừa qua, bệnh nhân và công dân của tỉnh từ nơi có dịch trở về rất nhiều ở các khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến. Khi đó, lượng rác thải rất lớn, nhưng không có xe chuyên dụng xử lý lượng rác này kịp thời.
Thấy tiềm ẩn nguy cơ cho lực lượng đang làm nhiệm vụ ở các khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, chỉ huy đơn vị đã giao cho Trạm sửa chữa tổng hợp nghiên cứu những lò đốt rác thông thường ở đơn vị, có thể cải tiến thành xe đốt rác di động để phục vụ cho các khu nói trên, nhằm bảo đảm an toàn, hiệu quả.
Theo Thiếu tá Trần Thanh Thuyên, rác thải phát sinh của người dân trong khu cách ly tập trung Covid-19 khó xử lý, tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh, nếu không có biện pháp thu gom, xử lý phù hợp. Trước áp lực xử lý rác thải trong các khu cách ly tập trung và bệnh viện dã chiến, nên khi nhận được nhiệm vụ, tất cả cán bộ, chiến sĩ xưởng sửa chữa tổng hợp, ngoài nhiệm vụ bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ của lực lượng vũ trang tỉnh, đã không quản ngày, đêm gia công, cải tiến. Chỉ sau thời gian ngắn, 7 chiếc xe đốt rác thải nguy hại di động lần lượt đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Thượng úy chuyên nghiệp Thân Hoàng Nhã, thợ cơ khí Trạm sửa chữa tổng hợp, Phòng Kỹ thuật, cho biết, xe đốt rác di động giúp xử lý rác thải ở các khu cách ly rất hiệu quả, bảo đảm an toàn hơn. Mỗi chiếc xe có thể kéo đi, giúp thu gom rác dễ dàng, có thể đáp ứng cho khu cách ly hàng trăm người.
Đại úy Tiết Văn Đúng, Trợ lý xe máy, Phòng Kỹ thuật, cho biết thêm, hằng ngày, lượng rác thải của bà con trong các khu cách ly rất lớn. Với công suất có thể xử lý từ 250-300kg rác thải mỗi ngày, nên xe đốt rác bảo đảm an toàn phòng, chống lây nhiễm cũng như vệ sinh môi trường trong khu cách ly. Từ đó, không chỉ giải bài toán xử lý rác thải thuộc nhóm nguy hại, tránh nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 mà còn góp phần giúp cán bộ, chiến sĩ an tâm làm nhiệm vụ.
Thiếu tá Trần Thanh Thuyên, Trạm trưởng Trạm sửa chữa tổng hợp, thông tin thêm, sau thời gian đưa vào sử dụng 7 xe đốt rác thải bằng sắt di động tại các khu cách ly tập trung, như: Trường Đại học Cần Thơ - khu Hòa An, Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang, khu cách ly tập trung liên quan ổ dịch ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ… và bệnh viện dã chiến số 2 của tỉnh, được đánh giá cao, giúp giảm được áp lực xử lý lượng rác thải nguy hại khá lớn tại các khu này, góp phần tiết kiệm hàng chục triệu đồng xử lý rác mỗi ngày, nếu phải thuê đội xử lý rác thải nguy hại này ở Cần Thơ..
Theo đại tá Huỳnh Việt Trung, Chính ủy Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang, thời gian qua, với chủ đề: “Lực lượng vũ trang tỉnh cùng cả nước chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch Covid-19”, các lực lượng tham gia chống dịch đã nêu cao tinh thần vì nhân dân phục vụ. Cụ thể là, quyết tâm, chủ động triển khai, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19; quản lý, phục vụ có hiệu quả tại các khu cách ly và bệnh viện dã chiến, kể cả tham gia khám sàng lọc, điều trị bệnh nhân mắc Covid-19.
Trong phong trào thi đua đặc biệt phòng, chống đại dịch Covid-19, đã xuất hiện nhiều mô hình hiệu quả, sáng kiến hay đã được nhân rộng, như: “Máy nạp ắc quy dòng nhỏ bằng năng lượng mặt trời”; “Xe đốt rác di động” phục vụ trong các khu cách ly và bệnh viện dã chiến… là minh chứng sinh động nhất cho điều đó.
Việc nghiên cứu, cải tiến lò đốt rác thông thường thành xe đốt rác di động, tuy là mô hình nhỏ, nhưng có ý nghĩa rất lớn, thể hiện tinh thần trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ Trạm sửa chữa tổng hợp, nói riêng, của toàn đơn vị nói chung trong công tác phòng, chống dịch Covid-19. Qua đó, giúp lan tỏa hiệu ứng thiết thực từ phong trào thi đua quyết thắng chung của lực lượng vũ trang tỉnh, luôn phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới.
Trong những tháng dịch bùng phát, cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Hậu Giang ngoài đồng hành cùng tuyến đầu chống dịch, còn tham gia vận chuyển và tiêu thụ được 33 đợt nông, thủy sản cho nông dân, theo kế hoạch phối hợp giữa Quân khu 9 và tỉnh Hậu Giang với khối lượng gần 160 tấn hàng hóa, tổng trị giá hơn 2 tỷ đồng.
Ngoài ra, còn tổ chức 39 chuyến xe vận chuyển hàng hóa, lương thực, thực phẩm, trang thiết bị y tế bảo đảm an toàn, kịp thời hỗ trợ cho Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương. Đây là sự chung tay, cùng chia sẻ với bà con vùng dịch, cũng như người dân trên địa bàn Quân khu 9 vượt qua khó khăn trong thời điểm đại dịch.