Với bản chất, mục tiêu, lý tưởng của Đảng mà mỗi cán bộ, đảng viên đã tuyên thệ, nguyện nỗ lực phấn đấu khi được kết nạp vào Đảng, trước hết, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải luôn có ý thức đặt lợi ích của Tổ quốc, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động lên trên lợi ích cá nhân, gắn bó mật thiết với nhân dân.
Nhân dân là chủ thể lớn nhất, cao nhất và duy nhất mà Đảng phải tôn trọng và phục vụ nhiều nhất. Sự tôn trọng, phục vụ nhân dân là một sứ mệnh cao cả, nhiệm vụ vinh quang được thể hiện qua nhiều loại hình công việc, nhiệm vụ, vị trí việc làm của những cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị, những người được giác ngộ lý tưởng, sẵn sàng hy sinh, cống hiến trí tuệ, sức lực cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.
Vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về phát huy vai trò, sức mạnh và quyền làm chủ của nhân dân, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, nhất là trong công cuộc đổi mới, Đảng, Nhà nước luôn đề cao vai trò, sức mạnh của nhân dân, luôn quan tâm chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân thông qua nhiều chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh, tiến bộ và công bằng xã hội.
Đến nay, mức sống của người dân đã được nâng lên gấp nhiều lần so với những năm trước đổi mới. Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định về công tác dân vận, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, năm 2019, toàn Đảng đã học tập, quán triệt và thực hiện chuyên đề "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" đạt những kết quả quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế ở nhiều nơi, cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo vẫn còn có biểu hiện quan liêu, xa dân, thiếu tôn trọng, thậm chí thờ ơ, vô cảm với đời sống nhân dân. Biểu hiện của sự thiếu tôn trọng đối với nhân dân như: Sống xa dân, không gần gũi, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân; quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân, coi thường người dân, mất dân chủ, không bảo đảm các quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; vô cảm, thiếu trách nhiệm với dân; ngại tiếp dân, không dám đối thoại với dân.
Một số biểu hiện khác của sự thiếu tôn trọng đối với nhân dân là cán bộ, đảng viên thiếu gương mẫu, nói không đi đôi với làm, làm không đến nơi đến chốn, hay biểu hiện nặng hơn là tình trạng suy thoái về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, sa vào chủ nghĩa cá nhân, tham nhũng, tiêu cực, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi… Đó cũng chính là sự bội tín, sự phản bội lợi ích của nhân dân, của đất nước và dân tộc.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách trong cán bộ, đảng viên hiện nay.
Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân là nhiệm vụ rất quan trọng, cấp bách trong cán bộ, đảng viên hiện nay. Để tăng cường xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân trong cán bộ, đảng viên, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.
Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cần tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, nâng cao nhận thức về trách nhiệm đối với nhân dân, đưa nội dung xây dựng ý thức tôn trọng và tinh thần trách nhiệm với nhân dân vào sinh hoạt cấp ủy, tổ chức đảng. Tiếp tục cụ thể hóa, hoàn thiện hơn nữa các quy định, hướng dẫn về tăng cường ý thức tôn trọng và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên đối với nhân dân, đưa ý thức tôn trọng, trách nhiệm đối với nhân dân vào các quy chế, quy định cụ thể của cấp ủy, tổ chức đảng và những điều đảng viên không được làm, vào việc kiểm điểm, đánh giá xếp loại tổ chức đảng và đảng viên hằng năm.
Tăng cường công tác quản lý cán bộ, đảng viên, thường xuyên kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, đảng viên trong thực hiện các quy định của Điều lệ Đảng, thực hiện nhiệm vụ đảng viên và những quy định liên quan chức trách, nhiệm vụ của cán bộ, đảng viên, bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên đều được quản lý, giám sát chặt chẽ. Phát huy vai trò, trách nhiệm của nhân dân trong giám sát, góp ý phê bình, xây dựng, nâng cao ý thức tôn trọng nhân dân của cán bộ, đảng viên. Với tư cách là những người làm chủ xã hội, người được phục vụ, hơn ai hết, mỗi người dân đều có thể cảm nhận, đánh giá được mức độ tôn trọng của cán bộ, đảng viên đối với mình.
Đấu tranh phê phán, xử lý nghiêm minh những cán bộ, công chức, viên chức thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm, quan liêu, hách dịch, cửa quyền, nhũng nhiễu dân. Thực hiện tốt Quy chế dân chủ ở cơ sở. Sâu sát cơ sở, tăng cường đối thoại, tiếp xúc với nhân dân, lắng nghe tâm tư, kịp thời giải quyết nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của nhân dân.
"Phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ".
Hồ Chí Minh
Mỗi cán bộ, đảng viên cần nhận thức đúng về vị trí, vai trò của nhân dân. Đây là cơ sở tiền đề của ý thức tôn trọng nhân dân. Mỗi cán bộ, đảng viên "phải ghi tạc vào đầu cái chân lý này: dân rất tốt. Lúc họ đã hiểu thì việc gì khó khăn mấy họ cũng làm được, hy sinh mấy họ cũng không sợ"(1).
Thực hiện phong cách quần chúng, luôn gần gũi, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Nếu cùng sinh sống trên một địa bàn, một cơ sở, nhưng sống xa cách nhân dân cả về điều kiện, mức sống, mức hưởng thụ, lại không thường xuyên tiếp xúc, gần gũi với dân, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, đề xuất, kiến nghị, phản ánh của dân là xa dân, khinh dân, thiếu tôn trọng với dân.
Luôn có thái độ ứng xử đúng mực với mọi người dân, không phân biệt tuổi tác, giới tính, dân tộc, tôn giáo, điều kiện sống, thành phần xuất thân, phong tục, tập quán, tín ngưỡng… Tuyệt đối tránh thái độ quan liêu, hách dịch, cửa quyền hay vô cảm với dân, không được nhạo báng, xúc phạm tới tập quán văn hóa, tín ngưỡng, tôn giáo được pháp luật công nhận của nhân dân.
Trong công tác cũng như trong đời sống hằng ngày, cán bộ, đảng viên phải luôn đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân, phát huy dân chủ, quyền làm chủ của nhân dân, việc gì có lợi cho dân và đúng pháp luật thì quyết làm, những việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh. Luôn giữ lời hứa với dân, nói đi đôi với làm, không nên làm hoặc nói điều gì có thể làm cho dân hiểu lầm rằng mình xem thường nhân dân. Yêu cầu này đòi hỏi cán bộ, đảng viên khi phát ngôn với nhân dân phải thận trọng, chắc chắn, ngôn ngữ gần gũi, dân dã, dễ hiểu, dễ nhớ, không dùng lời lẽ thô lỗ, ba hoa.
Thật lòng, thật tâm, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Đây là những điều kiện rất quan trọng để có được sự tôn trọng cả trong ý thức và hành động thực tế, sự thống nhất giữa nói và làm. Không có tâm, không cần, kiệm, bất liêm, bất chính, tham ô, tham nhũng, tiêu cực, trục lợi, vun vén lợi ích cá nhân là biểu hiện rõ nét của sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đó cũng chính là những biểu hiện của thiếu ý thức tôn trọng nhân dân.
------------------------
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tập 5, tr. 286.