Kỷ niệm 93 năm ngày thành lập Đảng (3/2/1930-3/2/2023)

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý không chỉ có ý nghĩa đối với sự vận hành của tổ chức và mỗi cá nhân trong tổ chức ấy mà còn có ý nghĩa quan trọng đối với công cuộc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý góp phần định hình và dẫn dắt văn hóa, kiến tạo bản sắc của cơ quan, tổ chức.
0:00 / 0:00
0:00
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, tháng 11/2022. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp mặt đại biểu dự Hội nghị biểu dương Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc cấp xã và Trưởng ban Công tác Mặt trận tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2017-2022, tháng 11/2022. (Ảnh: Trí Dũng - TTXVN)

Văn hóa trong lãnh đạo, quản lý từng bước được xây dựng, góp phần quan trọng vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại, góp phần tạo nên thắng lợi của công cuộc đổi mới đất nước hơn 35 năm qua.

Nhiệm vụ quan trọng

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định "Xây dựng và thực hiện các chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý" là một nhiệm vụ quan trọng nhằm phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong giai đoạn hiện nay.

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý là việc xác lập và thực hành các giá trị, chuẩn mực trong bộ máy tổ chức và trong hoạt động lãnh đạo, quản lý nhằm đạt được mục tiêu đề ra. Nếu văn hóa là các giá trị chân, thiện, mỹ thì xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý là phải làm cho cái đúng, cái tốt, cái đẹp ấy thẩm thấu và hiện diện trong tư duy, thái độ, hành vi của mỗi cán bộ lãnh đạo, quản lý; hiện diện trong tất cả các hoạt động của Đảng, của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý góp phần gạn đục, khơi trong, dung dưỡng và phát huy những giá trị tốt đẹp, loại bỏ những yếu tố tiêu cực, bảo thủ, lạc hậu, để Đảng ta là đạo đức, là văn minh, là trí tuệ, là lương tri của dân tộc và thời đại; để Nhà nước là của dân, do dân, vì dân. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý cũng là cách thức hữu hiệu để củng cố niềm tin của xã hội vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Văn hóa trong lãnh đạo, quản lý khi đã được hình thành, duy trì sẽ lan tỏa các giá trị của mình trong tổ chức, trong mỗi cá nhân của tổ chức ấy và cũng là góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Để triển khai tinh thần Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: "Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu theo tư tưởng, đạo đức, phong cách văn hóa của Chủ tịch Hồ Chí Minh".

Chú trọng xây dựng Đảng và hệ thống chính trị về văn hóa, về đạo đức; kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, để Đảng ta và hệ thống chính trị của nước ta thật sự là đạo đức, là văn minh, tiêu biểu cho lương tri và phẩm giá con người Việt Nam.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Những giá trị dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học được thấm nhuần trong cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng cầm quyền. Việc xây dựng tư tưởng đạo đức, lối sống của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đã được triển khai gắn với phong trào đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, thực hiện nghiêm các nghị quyết, quy định, quy chế, chỉ thị của Đảng về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; về phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu.

Trung ương đã ban hành nhiều văn bản góp phần cụ thể hóa chủ trương xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Chính phủ chủ động hơn trong xây dựng Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động phục vụ nhân dân. Việc xây dựng và thực hiện quy hoạch cán bộ, quy chế văn hóa công sở, cải cách thủ tục hành chính, đề án văn hóa công vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước... chính là những khía cạnh cụ thể của xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa, đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu... có chuyển biến tích cực. Bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, ý thức phục vụ nhân dân của cán bộ, đảng viên từng bước được nâng lên. Chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý từng bước được hình thành.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý cũng còn không ít hạn chế, bất cập. Văn hóa chưa thật sự trở thành sức mạnh nội sinh trong phát triển bền vững đất nước. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người, trong đó có đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý chưa được xác định đúng tầm; chưa phát huy được hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Một số tổ chức cơ sở đảng, một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa gương mẫu, nói không đi đôi với làm, phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Việc xác định hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam, trong đó có chuẩn mực văn hóa trong lãnh đạo, quản lý chưa thống nhất.

Công việc vừa cấp thiết vừa lâu dài

Đứng trước yêu cầu xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, giai đoạn có nhiều dấu mốc lịch sử trọng đại, giai đoạn cả nước tập trung thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng với nhiều quan điểm, chủ trương lớn, mang tính đột phá để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững, trong bối cảnh tình hình quốc tế có những biến đổi nhanh, phức tạp, vừa mang đến những thời cơ nhưng đồng thời cũng đặt ra rất nhiều thách thức, vấn đề xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý càng trở nên cấp thiết. Để gia tăng hiệu quả xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý ở nước ta hiện nay, thiết nghĩ cần chú ý những vấn đề sau:

Một là, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn xã hội về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý góp phần xây dựng, hoàn thiện nhân cách, phẩm chất, năng lực của các chủ thể lãnh đạo, quản lý, phát huy vai trò nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là vai trò tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu. Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý sẽ tạo dựng môi trường lành mạnh trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý là cách tiếp cận chiến lược và bền vững để đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên đều ý thức được sự cần thiết của nhiệm vụ này đồng thời lan tỏa, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, những cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý là cách tiếp cận chiến lược và bền vững để đạt được mục tiêu đề ra. Do đó, cần đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục để mỗi cán bộ, đảng viên đều ý thức được sự cần thiết của nhiệm vụ này đồng thời lan tỏa, nhân rộng những tấm gương tiêu biểu, những cách làm hay, hiệu quả trong xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Hai là, trong các chương trình đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, cán bộ cấp chiến lược, cần có các chuyên đề hoặc ít nhất cũng phải tích hợp được nội dung xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý vào các chuyên đề của chương trình. Học phải đi đôi với hành. Mỗi cán bộ, đảng viên cần được trang bị cả tri thức và phương pháp, kỹ năng để thực hành xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý tại chính vị trí công tác của mình.

Ba là, xây dựng cơ chế chuyển hóa giá trị văn hóa vào trong hoạt động lãnh đạo, quản lý. Trong các quy định của Đảng, Chính phủ về đánh giá cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức cần nghiên cứu bổ sung những quy định về chuẩn mực văn hóa. Khi những giá trị, chuẩn mực văn hóa đã trở thành những tiêu chí để đánh giá, bổ nhiệm cán bộ sẽ tạo nên xung lực mạnh mẽ để mỗi cán bộ, đảng viên rèn luyện, thực hành văn hóa trong lãnh đạo, quản lý.

Bốn là, xây dựng môi trường văn hóa, xây dựng văn hóa ứng xử trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đây vừa là điều kiện, là tiền đề để xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, đồng thời cũng là kết quả của việc xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý. Một môi trường làm việc lành mạnh sẽ góp phần phát huy tính sáng tạo, chủ động, tích cực của mỗi thành viên, trong đó có đội ngũ lãnh đạo, quản lý. Ngược lại, nếu cán bộ lãnh đạo, quản lý được dẫn dắt bởi những chuẩn mực văn hóa thì sẽ chăm lo tới việc tạo dựng một môi trường làm việc nhân văn, văn minh và hiệu quả.

Xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý là một công việc vừa cấp thiết vừa lâu dài. Đây cũng là cách thức để khắc phục, để đẩy lùi tình trạng suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống. Trong quá trình xây dựng văn hóa trong lãnh đạo, quản lý, cần chú ý tới mối quan hệ giữa văn hóa và chính trị, giữa cá nhân và tổ chức, giữa tri thức và kỹ năng, phương pháp, giữa đạo lý và pháp lý. Có như vậy mới phát huy được sức mạnh mềm của văn hóa trong chính trị nói riêng, trong phát triển đất nước nhanh và bền vững nói chung.