Bài 1: Còn nhiều bất cập
Ðội ngũ công nhân nước ta hiện có khoảng 15 triệu người, chiếm tỷ lệ 14% tổng dân số và 29% lực lượng lao động toàn xã hội, tạo ra gần 70% giá trị tổng sản phẩm xã hội. Có thể thấy, giai cấp công nhân là lực lượng quan trọng trong xã hội, đóng góp trực tiếp vào quá trình sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế. Quan tâm đến xây dựng văn hóa công nhân là quan tâm đến kiến tạo hệ giá trị văn hóa của gần 1/3 lực lượng lao động cả nước.
Văn hóa công nhân không chỉ là hành trang, tài sản của riêng người lao động mà còn là tài sản của doanh nghiệp, tài nguyên của đất nước, là nguồn lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, dân tộc.
Hưởng thụ chưa tương xứng với thành quả
Xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa ở cơ sở là một trong những chủ trương lớn của Ðảng và Nhà nước đặt ra từ Ðại hội Ðại biểu toàn quốc lần thứ V của Ðảng (năm 1982). Tuy nhiên, cùng với sự tăng nhanh về số lượng, quy mô của doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, đội ngũ công nhân lao động không ngừng lớn mạnh cả về số lượng và chất lượng, kéo theo những vấn đề xã hội mới, phức tạp xuất hiện. Công nhân trong các khu chế xuất, nhất là thanh niên công nhân là đối tượng bị kẻ xấu lôi kéo, kích động, chia rẽ; bị tác động bởi mặt trái các phương tiện truyền thông hiện đại. Do vậy, môi trường lao động, văn hóa, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất luôn là vấn đề cần được quan tâm sâu sắc.
Ngày 9/1/2016, Ban Bí thư Trung ương Ðảng ban hành Chỉ thị số 52-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, trong đó nêu rõ: Công nhân chưa được hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Chỉ thị này được xem như đã gỡ nút thắt nhằm tạo sự chuyển biến thật sự rõ rệt trong việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất, tương xứng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, cũng như tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của các cấp ủy, chính quyền và toàn xã hội.
Theo đó, Chỉ thị số 52-CT/TW chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội có chương trình hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng dần ngân sách đầu tư; đồng thời, có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân, lao động; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân khu vực này.
Có thể thấy, việc xây dựng văn hóa công nhân không riêng của doanh nghiệp hay tổ chức công đoàn và không thể làm được nếu không có sự quan tâm và đầu tư thích đáng, sự chung tay, vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cả hệ thống chính trị, ban ngành, đoàn thể. Thời gian qua, công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa cho công nhân lao động được quan tâm chỉ đạo, triển khai theo hướng công nhân không chỉ hưởng thụ văn hóa mà còn là chủ thể sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Việc tổ chức, thực hiện xây dựng đời sống văn hóa cho công nhân bảo đảm đa dạng, phong phú, phù hợp với ngành nghề, điều kiện của đơn vị, doanh nghiệp...
Dù vậy, đời sống vật chất khó khăn và cường độ lao động cao khiến mức hưởng thụ văn hóa của công nhân lao động còn ở mức thấp. Phần lớn công nhân lao động thiếu thời gian tiếp nhận thường xuyên, đầy đủ về thông tin chính trị-xã hội và chính sách, pháp luật, bao gồm cả những quy định về quyền, lợi ích hợp pháp liên quan trực tiếp đến bản thân họ. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất hạ tầng xã hội, các thiết chế văn hóa trong các khu công nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế. Các trung tâm văn hóa, thể thao do ngành văn hóa quản lý ở các địa phương hầu hết đều ở xa các khu công nghiệp và nơi công nhân lao động sinh sống. Sinh hoạt tinh thần của công nhân lao động phần lớn đều mới chỉ diễn ra trong các khu nhà trọ, mang tính tự phát. Người lao động hầu như phụ thuộc vào các hình thức giải trí được cung cấp sẵn qua truyền hình, internet.
Khảo sát năm 2023 của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy: 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem tivi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng. Ðiều kiện sống của người lao động còn nhiều khó khăn, các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí dành cho công nhân lao động chưa tương xứng với sự phát triển của các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, tổ chức công đoàn chưa có bộ phận chuyên trách để xây dựng và trực tiếp tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao trong công nhân lao động cho nên kết quả thực hiện vẫn còn khá khiêm tốn so với nhu cầu thực tế. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ dành cho công nhân mang tính phong trào, theo thời điểm, có lúc chưa kịp thời, chưa thường xuyên, thiếu tính hệ thống, nhất là ở khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài trong các khu công nghiệp.
Trưởng ban Tuyên giáo Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh Huỳnh Văn Tuấn lo ngại: Những hệ lụy về văn hóa-xã hội tác động đến một bộ phận công nhân lao động đã đến mức báo động. Một bộ phận công nhân sống buông thả, sa vào tiêu cực, tệ nạn xã hội. Tình hình trộm cắp, cướp giật, gây rối trật tự công cộng, cờ bạc, mê tín dị đoan, ma túy, mại dâm xuất hiện ở nhiều khu vực có đông công nhân lao động. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến văn hóa, tinh thần của công nhân. Môi trường văn hóa nơi làm việc, sinh sống của công nhân chưa được quan tâm đầy đủ…
Những thách thức mới
Công tác xây dựng và phát triển văn hóa công nhân càng trở nên quan trọng khi phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức hơn bao giờ hết, nhất là khi sự phát triển nhanh chóng của internet đã hình thành môi trường văn hóa mới trên không gian mạng. Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Nguyễn Thị Thu Thủy chia sẻ: Về mặt tích cực, internet đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, tác động vào thị hiếu, lối sống, thói quen của công chúng nói chung, công nhân, lao động nói riêng. Ngoài giờ tăng ca mệt mỏi, người công nhân trở về phòng trọ với chiếc điện thoại thông minh, hiện là phương tiện giải trí hữu hiệu, gần gũi, phổ biến nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của người lao động.
Tuy nhiên, ở mặt trái, do sống khép kín trong phòng trọ, lệ thuộc những hình thức giải trí đơn thuần, nhiều công nhân rơi vào tình trạng thiếu thông tin chính thống, nhận thức xã hội hạn chế. Do dành nhiều thời gian giải trí trên mạng, nhiều công nhân lao động đã bị vướng vào những vụ lừa đảo, tín dụng đen, vi phạm pháp luật. Phổ biến nhất là tình trạng bình luận, chia sẻ những thông tin sai trái, độc hại.
Bên cạnh đó, các thế lực thù địch lợi dụng mặt trái của internet và những kẽ hở trong quản lý nhà nước để tăng cường chống phá nền tảng tư tưởng của Ðảng, kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, gây ra hoài nghi, dao động, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân, trong đó có công nhân, người lao động.
Thực tế, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị đã sử dụng nhiều chiêu trò, bao gồm tấn công trên lĩnh vực văn hóa, tư tưởng. Trong thời gian dịch Covid-19, lợi dụng tình hình khó khăn chung trong sản xuất tại nhiều nhà máy, xí nghiệp, trên mạng xã hội xuất hiện những bài viết kích động công nhân đình công, biểu tình. Thậm chí các đối tượng xấu còn cố tình xuyên tạc, phủ nhận vai trò của Công đoàn Việt Nam.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu trăn trở: Văn hóa công nhân đang là một khoảng trống về học thuật, trong khi đời sống văn hóa công nhân đang đứng trước nhiều thách thức. Một bộ phận không nhỏ công nhân không có điều kiện thụ hưởng các giá trị văn hóa và càng không có cơ hội sáng tạo các giá trị văn hóa. Có thể thấy, công nhân đang rất cô đơn trong không gian văn hóa.
Hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và 2 năm cụ thể hóa kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, thực tế ở nhiều địa phương vẫn tồn tại những hạn chế đáng lưu tâm khi đời sống tinh thần của người lao động tại các khu công nghiệp còn khá nghèo nàn, phần đông chưa có điều kiện tham gia sinh hoạt văn hóa, thể thao, nâng cao kiến thức, tay nghề. Vì vậy, bên cạnh công tác chăm lo việc làm, mức thu nhập cho người lao động, việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, lao động vẫn sẽ là bài toán cần lời giải hiệu quả, chất lượng hơn trong thời gian tới.
(Còn nữa)