Còn thiếu và yếu
Bình Dương là tỉnh có các khu công nghiệp chiếm một phần tư diện tích khu công nghiệp ở các tỉnh phía nam, là địa phương dẫn đầu cả nước về sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Với tổng số lao động hơn 1,3 triệu người, trong đó lao động trẻ chiếm số đông, lao động nữ chiếm khoảng 56%, lao động đến từ các tỉnh, thành phố khác chiếm khoảng 85%.
Theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Dương Cao Văn Chóng, tỉnh luôn xác định xây dựng đời sống văn hóa cơ sở có vị trí hết sức quan trọng, tác động trực tiếp đến tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống của người dân và cộng đồng dân cư, trong đó công nhân, lao động là một chủ thể quan trọng trong xây dựng đời sống văn hóa và môi trường văn hóa. Vì vậy, trong quá trình thực hiện chính sách an sinh xã hội, ngoài việc tạo điều kiện thuận lợi về việc làm, tỉnh thường xuyên quan tâm, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân, lao động. Việc đầu tư xây dựng, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở phục vụ nhân dân nói chung và công nhân lao động nói riêng luôn được các cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo, tổ chức triển khai.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của các công trình văn hóa, thể thao nhìn chung chưa đủ tiêu chuẩn để đáp ứng nhu cầu; chất lượng và hiệu quả hoạt động của một số thiết chế văn hóa, thể thao hiệu quả vẫn chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế - xã hội; đội ngũ nhân sự còn thiếu, nhất là ở cơ sở. Các thiết chế văn hóa, thể thao hiện nay khó huy động được nguồn xã hội hóa để tổ chức các hoạt động vì vướng vào quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, do đó chưa khai thác hiệu quả hoạt động các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở. Trong khi đó, cũng có những thiết chế đã được hoàn thành nhưng chưa đưa vào sử dụng, gây lãng phí.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Bến Cát (Bình Dương) Trần Thị Thảo cho hay, trên địa bàn thị xã có tám khu công nghiệp đô thị, thu hút hơn 550 dự án đầu tư, sự phát triển kinh tế dân cư biến động thường xuyên, thu hút lao động từ các nơi đến làm ăn, sinh sống chiếm 70% công nhân lao động. Để đáp ứng nhu cầu thụ hưởng văn hóa thể thao của công nhân lao động, thị xã đã đầu tư xây dựng nhiều thiết chế văn hóa, trong đó có Trung tâm Văn hóa công nhân lao động thị xã được khánh thành ngày 30/8/2022. Tuy nhiên, cho đến nay Trung tâm vẫn chưa được đưa vào sử dụng do còn khó khăn về việc bố trí nhân sự. Điều này không chỉ gây lãng phí, mà còn ảnh hưởng lớn đến việc thụ hưởng cũng như nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của công nhân.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, thống kê của Sở Văn hóa và Thể thao cho thấy, chỉ có 9/17 khu chế xuất, khu công nghiệp tại trung tâm có trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao cho công nhân, chiếm chưa đến 60%. Thiếu thiết chế văn hóa khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần.
Thừa nhận việc thiếu thiết chế văn hóa là một trong nhiều nguyên nhân đẩy công nhân đến với tệ nạn xã hội, tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Thúy, trên thực tế không phải do doanh nghiệp thiếu quan tâm, mà nhiều năm qua, không ít doanh nghiệp đề xuất xây dựng các trung tâm sinh hoạt văn hóa, thể thao, thậm chí siêu thị cho công nhân trong khu chế xuất, khu công nghiệp nhưng không thể thực hiện. Xây mới đã khó, duy trì hoạt động tại các thiết chế văn hóa đang có tại các khu chế xuất, khu công nghiệp lại càng khó hơn khi nhân sự vừa thiếu lại vừa yếu.
Cùng với đó, việc khai thác các thiết chế văn hóa ở các địa phương để phục vụ công nhân, lao động cũng chưa mang lại hiệu quả cao. Đơn cử, Giám đốc Nhà văn hóa Lao động huyện Bình Chánh Lê Thị Hồng Vân chia sẻ, dù được tạo điều kiện để tổ chức các hoạt động thu hút người lao động đến sinh hoạt, song đến nay Nhà văn hóa vẫn chỉ có thể thực hiện những nhiệm vụ cụ thể theo từng hoạt động của Liên đoàn Lao động huyện giao, mà chưa tổ chức được nhiều hoạt động theo chức năng của một nhà văn hóa lao động.
Có 31 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, với hơn 1,2 triệu công nhân lao động, song đến nay tỉnh Đồng Nai lại chưa có thiết chế văn hóa quy mô dành riêng cho công nhân, lao động trong khu công nghiệp. Một số doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trên địa bàn đã quan tâm đầu tư thiết chế văn hóa phục vụ người lao động, nhưng con số này còn rất thấp so với đông đảo công nhân, lao động trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có Nhà sinh hoạt văn hóa thể thao và tổ chức sự kiện tại trụ sở Công đoàn Khu công nghiệp Biên Hòa phục vụ một số hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục - thể thao của người lao động. Báo cáo của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa 10 tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Nai lần thứ 11, nhiệm kỳ 2020 - 2025 cũng nhận định: “Đầu tư thiết chế văn hóa cơ sở ở các nơi tập trung đông công nhân sinh sống còn hạn chế”.
Tiết mục văn nghệ trong liên hoan tiếng hát công nhân lao động. Ảnh: BẮC SƠN |
Cần sự linh hoạt, sáng tạo
Theo bà Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh, hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao không chỉ là nơi nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, lao động, mà còn là cầu nối quan trọng để chuyển tải các chủ trương, chính sách. Song, để xây dựng thiết chế văn hóa cho công nhân còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố như: nguồn vốn, quỹ đất, các thủ tục hành chính... cần rất nhiều thời gian và nỗ lực của các đơn vị liên quan. Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh là cơ hội để thành phố từng bước giải quyết được vấn đề này, bởi càng nhiều công trình văn hóa, thể thao được hoàn thành, đẩy nhanh tiến độ, người dân càng có lợi, chất lượng sống ngày càng được nâng lên.
Nhận định tầm quan trọng của các thiết chế văn hóa, thể thao cho công nhân khi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tại một số tỉnh Đông Nam Bộ mới đây, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Phan Viết Lượng nêu rõ, các địa phương cần có đánh giá, nhận định thêm về việc lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, cũng như công tác đầu tư, phối hợp triển khai các nhiệm vụ phát triển văn hóa, thể thao trên địa bàn đã tương xứng, đáp ứng yêu cầu chưa, đã hướng đến từng địa bàn, từng đối tượng chưa, và đã đạt được tiêu chí, số lượng theo quy định chưa? Trên cơ sở đó, làm rõ nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc, bổ sung những kết quả nổi bật, từ đó tổng kết kinh nghiệm, để thời gian tới thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư, xây dựng, quản lý và sử dụng thiết chế văn hóa, thể thao tốt hơn, phù hợp tình hình thực tế địa phương, đáp ứng nhu cầu của công nhân lao động, cũng như thực tiễn và xu hướng phát triển văn hóa, thể thao của một xã hội hiện đại.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ cũng cho rằng, các địa phương cần cấp thiết nghiên cứu để có giải pháp để khắc phục, có thể linh hoạt, sáng tạo hơn, tránh tình trạng đã đầu tư được cơ sở vật chất nhưng để không, gây lãng phí, thất thoát, hư hỏng. Nếu liên quan đến biên chế, chế độ chính sách thì có thể giao quyền chủ động cho địa phương, có sự phân cấp mạnh mẽ hơn để phát triển hơn nữa lĩnh vực văn hóa thể thao, để người lao động chưa có điều kiện cải thiện đời sống tinh thần, tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tương xứng với sự phát triển của các khu công nghiệp. Bởi, mục đích cuối cùng của phát triển kinh tế là bảo đảm cho nhu cầu thụ hưởng vật chất, tinh thần của người dân, song phải có sức khỏe, tinh thần mới lao động làm ra của cải vật chất được.