Tiếp cận mở về xây dựng văn hóa công nhân

Việc xây dựng văn hóa công nhân không chỉ góp phần nâng cao trình độ văn hóa, nhận thức chính trị, hình thành lý tưởng cách mạng, ý thức giai cấp cũng như nâng cao vị thế của giai cấp công nhân mà còn tiếp tục khẳng định vai trò nòng cốt của lực lượng tiên phong trong lao động, sản xuất, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
0:00 / 0:00
0:00
Thư viện dành cho công nhân Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT).
Thư viện dành cho công nhân Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam Thái Nguyên (SEVT).

Bài 1: Văn hóa công nhân - tài sản doanh nghiệp, tài nguyên đất nước

Khi việc làm còn bấp bênh, tiền lương, thu nhập còn chưa đủ để trang trải đời sống, việc nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động nói riêng, xây dựng văn hóa công nhân nói chung là điều thiết yếu trong bối cảnh hiện nay.

Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu đời sống văn hóa, tinh thần càng trở nên cần thiết bởi nó có khả năng tái tạo sức lao động, tăng cường sự sáng tạo của mỗi người lao động.

Quan tâm, chăm lo nhưng chậm chuyển biến

Tuy nhiên, gần năm triệu công nhân, lao động đang làm việc tại hàng trăm khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước, trong đó hơn 65% lao động di cư đang ở các khu nhà trọ có một cuộc sống tinh thần đơn điệu, thiếu thốn. Phần lớn công nhân lao động tại các khu chế xuất, khu công nghiệp xuất thân từ nông thôn, tuổi đời còn trẻ. Số đông đang dần thích ứng với môi trường làm việc công nghiệp, nếp sống văn minh đô thị, có ý chí vươn lên, học tập nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn.

Cùng với đó, xuất hiện nhiều vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh cũng như đời sống tinh thần người lao động. Có thể thấy rõ những hệ lụy về văn hóa-xã hội đáng lo ngại, đã đến lúc cần báo động, đó là một bộ phận công nhân, lao động thiếu hiểu biết về pháp luật, lập trường tư tưởng chưa vững vàng, tâm lý tự ti, thói quen tự do khó bỏ dẫn đến thiếu kỷ luật trong lao động, dễ bị kích động lôi kéo tham gia vào những việc làm không tốt, thậm chí sống buông thả, thực dụng, mắc vào các tệ nạn xã hội. Tình trạng sống chung, sống thử trước hôn nhân trong công nhân, lao động trẻ có xu hướng gia tăng. Lợi dụng sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người lao động, các thế lực thù địch tranh thủ lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, gây rối...

Sau hơn 35 năm đổi mới, với vai trò là lực lượng đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, giai cấp công nhân không ngừng lớn mạnh. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ 14% dân số, 27% lực lượng lao động xã hội song hằng năm, giai cấp công nhân Việt Nam tạo ra hơn 65% giá trị tổng sản phẩm xã hội và hơn 70% giá trị thu ngân sách nhà nước.

Chỉ thị số 52-CT/TW ngày 9/1/2016 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân, lao động khu chế xuất, khu công nghiệp nêu rõ: Các cấp ủy đảng đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân, lao động khu công nghiệp, khu chế xuất vào nghị quyết của cấp ủy; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị-xã hội có chương trình hành động cụ thể nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động khu công nghiệp, khu chế xuất; tăng dần ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân, lao động; ưu tiên bố trí quỹ đất và kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, giải trí cho công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất.

Quyết định số 2164/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030 nêu rõ: Mục tiêu đến năm 2020, 100% khu công nghiệp, khu chế xuất có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động. Trong đó, tối thiểu 30% khu công nghiệp, khu chế xuất đã hoạt động xây dựng được trung tâm văn hóa-thể thao phục vụ công nhân, người lao động...

Có thể thấy, mặc dù Đảng, Chính phủ đã có chủ trương, các chính sách cụ thể để chăm lo đời sống văn hóa, tinh thần cho đối tượng này nhưng việc tổ chức triển khai còn chậm chuyển biến, hiệu quả ít hoặc không đồng đều. Một khảo sát mới nhất của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy: hơn 60% công nhân ở các khu công nghiệp không xem ti-vi, nghe đài; 85% không đọc sách, báo; 80% không tập thể dục, thể thao thường xuyên; 65% không tham gia vào các hoạt động văn nghệ quần chúng. Kinh tế eo hẹp, thời gian làm việc kéo dài, loại hình giải trí nghèo nàn, thiếu thiết chế văn hóa cơ bản khiến cho công nhân ở các khu công nghiệp, khu chế xuất không có điều kiện để thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần dẫn tới hệ lụy là 28% công nhân có xu hướng và lối sống buông thả, thực dụng; 22% sống ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân...

Kết quả khảo sát trên cũng đưa ra đánh giá: thực tế hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao nói chung, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ người lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất có bước chuyển nhưng còn chậm, thiếu, chưa đáp ứng được so với nhu cầu, đặc điểm làm việc của người lao động khu vực này. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đời sống văn hóa, tinh thần của công nhân, lao động. Môi trường văn hóa ở nơi làm việc, nơi sinh sống của công nhân chưa được quan tâm đầy đủ…

Mối quan hệ hai chiều biện chứng

Một trong những yếu tố cốt lõi làm nên thành công của doanh nghiệp chính là văn hóa doanh nghiệp. Văn hóa này là đòn bẩy gắn kết keo sơn giữa doanh nghiệp và nhân viên, người lao động. Thực tế cho thấy, những doanh nghiệp xây dựng được “thương hiệu” thành công và đứng vững trên thương trường, đều là những doanh nghiệp chăm lo tốt cả về vật chất và tinh thần cho người lao động.

Trong hành trình hơn 15 năm, Samsung trở thành mái nhà của hàng trăm nghìn cán bộ, công nhân Việt Nam. Doanh nghiệp liên tục được Nhà nước vinh danh “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động”; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tặng bằng khen vì những kết quả chăm lo lợi ích cho công nhân, lao động.

Chủ tịch Công đoàn cơ sở Samsung Electronics Việt Nam Lại Hoàng Dũng khẳng định: Samsung chú trọng gắn kết nhân viên bằng nền tảng giá trị văn hóa tích cực. Hệ thống xe ô-tô chuyên đưa đón công nhân viên, ký túc xá dành cho công nhân, lao động, chế độ đặc biệt cho phụ nữ mang thai, bữa ăn dinh dưỡng miễn phí trong giờ làm, trung tâm y tế với trang thiết bị hiện đại, các câu lạc bộ dành cho thanh niên công nhân mang lại đời sống tinh thần phong phú, tạo sân chơi bổ ích, phát triển năng khiếu cá nhân… Tất cả những việc làm đó nhằm cố gắng xây dựng môi trường làm việc thật tốt cho người lao động; góp phần quan trọng xây dựng văn hóa công nhân có tác phong công nghiệp.

Chủ tịch Công đoàn Tổng công ty May 10 Trần Quý Dân chia sẻ: Đối với Tổng công ty May 10, văn hóa là gốc rễ của sự phát triển, trong đó, con người vừa là mục tiêu vừa là động lực. May 10 là một trong số ít doanh nghiệp có các công trình phúc lợi phục vụ người lao động và xã hội, với trường mầm non chăm sóc hơn 300 cháu là con cán bộ, công nhân viên, phòng y tế hiện đại. Trường cao đẳng nghề Long Biên góp phần quan trọng vào việc đào tạo nghiệp vụ, nâng cao tay nghề, trình độ cho công nhân, lao động. Điểm sinh hoạt văn hóa công nhân thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm bồi đắp giá trị về văn hóa, tinh thần cho người lao động.

“Hữu xạ tự nhiên hương”, giờ đây đã có không ít người là thế hệ thứ tư trong gia đình đang cống hiến trí tuệ, công sức cho Tổng công ty May 10. Nhiều gia đình có 5-6 người đang làm việc trong tổng công ty. Mỗi sáng thứ hai hằng tuần, tổng công ty tổ chức chào cờ, hát Quốc ca. Sau lễ chào cờ, lãnh đạo tổng công ty và các đơn vị truyền đạt một số sự kiện kinh tế, chính trị nổi bật trong nước và quốc tế trong tuần, chia sẻ thông tin, định hướng cho toàn thể cán bộ, công nhân viên có nhận thức đúng, từ đó vận dụng vào công việc và cuộc sống của mỗi người.

Nhận thức về vai trò của công đoàn cơ sở trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp, giáo dục đoàn viên, người lao động đồng lòng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty cổ phần TKG Tae Kwang Vina Đinh Sỹ Phúc cho biết: "Doanh nghiệp chúng tôi quyết định xây dựng văn hóa doanh nghiệp với nét đặc trưng là tin tưởng, an toàn và bình đẳng trong công nhân. Để làm được điều đó, chúng tôi đã trải qua quá trình rất dài để xây dựng giá trị cốt lõi, những trụ cột văn hóa.

Văn hóa doanh nghiệp được thể hiện thông qua hành vi, niềm tin, thái độ, cách thức xử lý công việc từ công nhân, lao động tới lãnh đạo doanh nghiệp. “Công đoàn cơ sở có nhiệm vụ giáo dục, tuyên truyền, lan tỏa những điều này tới toàn thể công nhân, lao động. Chính họ là người quyết định sự thành công của văn hóa công nghiệp của chúng tôi”, ông Đinh Sỹ Phúc nói.

Tiến sĩ Phan Nhạc Linh, Phó Viện trưởng Công nhân và Công đoàn khẳng định: Văn hóa công nhân là một trụ cột, là cấu phần của văn hóa doanh nghiệp. Do đó, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công nhân vừa là điều kiện cần và đủ để thiết lập môi trường lao động sản xuất tiên tiến, vừa là động lực quan trọng để xây dựng lực lượng lao động lành nghề, có năng lực thích nghi với bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc xây dựng và phát triển văn hóa công nhân, trước tiên cần vai trò, trách nhiệm chủ động, tích cực của chủ doanh nghiệp.

Tiến sĩ Chu Xuân Giao, Viện Nghiên cứu văn hóa, Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam cho rằng: Công nhân, lao động là một thành viên của doanh nghiệp. Như vậy, văn hóa doanh nghiệp được thẩm thấu trong mỗi công nhân. Ở chiều ngược lại, công nhân được sở hữu, thực hành, hưởng thụ văn hóa doanh nghiệp. Giá trị của văn hóa công nhân góp phần nâng cao tính tổ chức, kỷ luật, nền nếp, tác phong công nghiệp, thúc đẩy ý thức giữ gìn hình ảnh, thương hiệu, bí mật kinh doanh, sự tự tin, niềm tự hào về doanh nghiệp, ngành nghề. Đó là mối quan hệ hai chiều biện chứng.

Do đó, theo Tiến sĩ Chu Xuân Giao, văn hóa công nhân quyết định sự thành bại của quá trình xây dựng văn hóa doanh nghiệp. Ngược lại, văn hóa doanh nghiệp được xây dựng từ văn hóa công nhân và cung cấp lại môi trường văn hóa để người lao động hưởng thụ. Văn hóa công nhân thành công không chỉ là hành trang, tài sản của người lao động mà còn là tài sản, tài nguyên của doanh nghiệp và đất nước, là nguồn lực to lớn thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp, dân tộc.

(Còn nữa)

Quyết định số 1268/QĐ-TTg phê duyệt chương trình “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong công nhân lao động tại các doanh nghiệp đến năm 2030” với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 50%, đến năm 2030, đạt 75% công nhân lao động tại các doanh nghiệp tham gia học tập các nội dung giáo dục kỹ năng sống. Năm 2030, đạt 65% công nhân, lao động tại các doanh nghiệp được phổ biến về công nghệ thông tin, công nghệ số; 50% công nhân, lao động tại các doanh nghiệp đạt danh hiệu “Công dân học tập” do cơ quan có thẩm quyền ban hành…