Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, chiến lược về hạ tầng giao thông

NDO -

Ngày 3-9, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT) về kết quả thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020, tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước hằng năm, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và 2021-2025.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT).
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã làm việc với lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải (GTVT).

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển ghi nhận, đánh giá cao trong giai đoạn 2016-2020, Bộ GTVT đã nỗ lực vượt qua khó khăn, có nhiều đổi mới, đạt kết quả khá tốt trên một số lĩnh vực, đặc biệt là đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và xây dựng chính sách pháp luật, xây dựng cơ bản, cải cách thủ tục hành chính, quản lý vận tải, dịch vụ vận tải, bảo đảm an toàn giao thông (ATGT), đào tạo nhân lực,...

Tuy nhiên, công tác triển khai thực hiện một số dự án quan trọng như dự án cải tạo, nâng cấp đường sắt bắc - nam 7.000 tỷ đồng, dự án sân bay Long Thành, dự án đường cao tốc bắc - nam phía đông,… còn chậm.

"Công tác đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tập trung và ưu tiên nguồn lực quá lớn cho phát triển đường bộ, thiếu quan tâm các lĩnh vực khác như đầu tư cho đường sắt, kể cả đường sắt kết nối cảng biển để tận dụng ưu thế của loại hình vận tải này đối với ưu thế về địa hình kéo dài của nước ta. Bộ cần xây dựng quy hoạch, tầm nhìn chiến lược để phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tuân thủ nghiêm việc thực hiện vấn đề này", Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển nhấn mạnh. 

Ngoài ra, việc thực hiện cơ chế thị trường trong đầu tư hạ tầng giao thông chưa tốt nên chưa khai thác được ưu điểm, hiệu quả của các dự án xã hội hóa đầu tư như dự án BOT,… Bộ GTVT cần kiên trì thực hiện tốt cơ chế thị trường trong đầu tư hạ tầng giao thông vì đây là động lực để phát triển; kiên trì triển khai các dự án đầu tư theo hình thức PPP; làm rõ vấn đề tài chính, thu phí đối với các dự án…

Giai đoạn 2021-2025 được nhận định tiếp tục là giai đoạn khó khăn về vốn, đặc biệt do ảnh hưởng dịch Covid-19, tăng trưởng kinh tế giảm so với mục tiêu ban đầu kéo theo giảm thu ngân sách,… Vì vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ GTVT bám sát Dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, để xây dựng mục tiêu, tầm nhìn cụ thể theo từng giai đoạn, với những đột phá, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại.

“Bộ GTVT phải tập trung hoàn thành hơn 600 km đường cao tốc, hoàn thành giai đoạn 1 dự án sân bay Long Thành, hoàn thiện các dự án đang còn dở dang, cần ưu tiên những công trình kết nối, bố trí vốn triển khai các công trình này, bảo đảm sự kết nối, đồng bộ các lĩnh vực”, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đề nghị.

Xây dựng và thực hiện tốt quy hoạch, chiến lược về hạ tầng giao thông -0
 Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cũng thẳng thắn thừa nhận, giai đoạn qua, ngành GTVT chưa phát triển đồng bộ năm lĩnh vực đường bộ, hàng không, hàng hải, đường sắt, đường thủy nội địa, nhất là tỷ trọng đầu tư dành cho đầu tư hạ tầng đường sắt, đường thủy còn rất thấp. Vấn đề kết nối giao thông giữa các lĩnh vực còn yếu.

Trong kế hoạch đầu tư giai đoạn tới, Bộ GTVT sẽ tập trung đầu tư cân đối, hài hòa năm lĩnh vực giao thông, ưu tiên tăng tỷ trọng đầu tư đường sắt, đường thủy lên khoảng 7-8% và tăng đầu tư cho hạ tầng kết nối.

Về huy động vốn xã hội hóa, Bộ GTVT đang nghiên cứu cơ chế cụ thể để đề xuất, trình Chính phủ, theo hướng huy động vốn qua hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ, như vậy sẽ bảo đảm lãi suất thấp, lợi nhuận tốt, đem lại lợi ích cho người dân khi tham gia mua trái phiếu…”, Bộ trưởng Thể cho biết.

Trong giai đoạn tiếp theo, Bộ GTVT xác định phát triển kết cấu hạ tầng giao thông một cách đồng bộ, hiện đại và có trọng tâm trọng điểm. Nguồn vốn nhà nước phải được ưu tiên dành cho đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông (KCHTGT), đặc biệt đối với các công trình trọng điểm quốc gia, kết nối các phương thức vận tải; đồng thời với huy động tối đa mọi nguồn lực khác cho đầu tư phát triển và bảo trì, bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông. 

Phát triển vận tải và dịch vụ logistics theo hướng hiện đại, chất lượng ngày càng được nâng cao với chi phí hợp lý, bảo đảm an toàn, tin cậy, nhanh chóng, tiện nghi và thân thiện với môi trường, phát huy lợi thế của từng phương thức vận tải. Chủ động tiếp cận, ứng dụng và làm chủ khoa học - công nghệ gắn với nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành GTVT thích ứng với xu thế phát triển công nghệ thông tin và cách mạng công nghiệp. Tăng cường hợp tác quốc tế trên cơ sở bảo đảm tính độc lập, tự chủ của nền kinh tế.

Cụ thể, giai đoạn 2021-2025, sau khi rà soát, xác định các trọng tâm ưu tiên “đột phá”, sơ bộ nhu cầu đầu tư để đáp ứng các mục tiêu phát triển kết cấu hạ tầng của ngành trong giai đoạn 2021-2025 vào khoảng 759.400 tỷ đồng. Trong đó có 392.100 tỷ đồng vốn trong nước; 69.800 tỷ đồng vốn nước ngoài và 297.500 tỷ đồng vốn huy động ngoài ngân sách (55.800 tỷ đồng Bộ huy động, 241.600 tỷ đồng do địa phương, cơ quan khác huy động).

Với dự kiến nhu cầu vốn đầu tư như vậy, đến hết năm 2025 sẽ đưa vào khai thác khoảng 3.858 km đường bộ cao tốc (trong đó có 2.084 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn tới Cà Mau); Hoàn thành nâng cấp, cải tạo khoảng 3.760 km quốc lộ trọng yếu; Hoàn thành giai đoạn 1 dự án cảng hàng không quốc tế Long Thành; Hoàn thành cải tạo đường hạ cất cánh, đường lăn cảng hàng không Nội Bài, Tân Sơn Nhất; Nâng cấp, cải tạo cơ bản tuyến đường sắt Thống Nhất; Nâng tĩnh không cầu để bảo đảm khổ thông thuyền các tuyến đường thủy nội địa có lưu lượng lớn.