Đây là cơ sở, tiền đề để thành phố Pleiku khai thác tốt thế mạnh điều kiện tự nhiên, cảnh quan môi trường, xây dựng đô thị có bản sắc riêng gắn với phát triển du lịch-dịch vụ và các giá trị văn hóa bản địa, hướng tới mục tiêu xây dựng thương hiệu thành phố Pleiku - thành phố Cao nguyên xanh vì sức khỏe; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Thực hiện chương trình trọng tâm, đột phá
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố Pleiku lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra các nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá, phấn đấu xây dựng, phát triển đô thị hợp lý, hài hòa, đồng bộ, gắn với kết cấu hạ tầng kỹ thuật theo hướng hiện đại, phù hợp với đặc điểm tự nhiên, giàu bản sắc với 4 chương trình trọng tâm gồm: Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng; chuyển đổi cây trồng, phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững; thu hút có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, tiếp tục thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân, nhất là tại các làng đồng bào dân tộc thiểu số.
Để từng bước hiện thực hóa các mục tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố đề ra, Thành ủy Pleiku đã ban hành ba nghị quyết và một chương trình nhằm cụ thể hóa bốn chương trình trọng tâm của thành phố.
Trong đó, điểm nhấn là nghị quyết chuyên đề về đầu tư, chỉnh trang hệ thống công trình hạ tầng đô thị, xây dựng thành phố theo hướng “Đô thị thông minh, cao nguyên xanh vì sức khỏe” đến năm 2030.
Với quan điểm là huy động và khai thác có hiệu quả các nguồn lực cùng với sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân để xây dựng và phát triển thành phố Pleiku theo quy hoạch, là vùng động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển toàn tỉnh, gắn với công nghiệp hóa, hiện đại hóa theo hướng bền vững, tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu; ưu tiên phát triển, hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị; đầu tư một số công trình mang tính biểu tượng, tạo lập không gian kiến trúc, cảnh quan đặc trưng của thành phố.
Những tín hiệu vui
Đồng chí Trịnh Duy Thuân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân thành phố Pleiku cho biết: Sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 12, nhiệm kỳ 2020-2025, về cơ bản đã có 16/21 nhóm chỉ tiêu đạt và vượt chỉ tiêu đại hội đề ra; còn 5 nhóm chỉ tiêu đang phấn đấu thực hiện, trong đó thu ngân sách tăng bình quân 12%/năm; thu nhập bình quân đến cuối nhiệm kỳ dự kiến đạt 140,11 triệu đồng/người/năm.
Với sự đồng thuận của cả hệ thống chính trị, trong nhiều năm qua, thành phố huy động các nguồn lực, tập trung đầu tư xây dựng, chỉnh trang hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị với tất cả những trục đường chính có tên được nhựa hóa, bê-tông hóa; 61,19% số đường hẻm được nhựa hóa, bê-tông hóa; 100% số đường chính có tên đã hoàn thiện hệ thống điện chiếu sáng công cộng; hơn 62% số ngõ, hẻm trong nội thành được chiếu sáng; hệ thống cây xanh đường phố, công viên, hoa viên được đầu tư bài bản, bảo đảm cảnh quan đô thị, như các công viên Diên Hồng, Đồng Xanh Kpă Klơng, Văn hóa các dân tộc; Quảng trường Đại đoàn kết, hoa viên Quang Trung, Trần Hưng Đạo-Lê Lợi, lâm viên Biển Hồ…
Bên cạnh đó, thành phố chú trọng đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp-tiểu thủ công nghiệp, các cao ốc, các khu đô thị mới, như: Hoa Lư-Phù Đổng, Cầu Sắt, Trà Đa, Diên Phú…; tập trung đầu tư xây dựng các công trình trường học, bến xe, bệnh viện, nâng cấp sân bay, hệ thống điểm đỗ xe ô-tô tạm thời trên lòng đường, hè phố; quy hoạch chi tiết phát triển các khu thương mại, siêu thị, chợ tại các khu vực, phố đi bộ mua sắm, phố ẩm thực, chợ phiên nông sản an toàn... làm cho diện mạo thành phố có nhiều khởi sắc, tạo điều kiện nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.
Thành phố Pleiku tiếp tục đề ra các giải pháp triển khai đồng bộ quy hoạch phát triển du lịch kết hợp nghỉ dưỡng sinh thái; tập trung đầu tư phát triển các khu vực có chức năng chuyên biệt về du lịch sinh thái, như: Phát triển khu Biển Hồ thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng gắn với không gian mặt nước; duy trì và cải tạo vùng bảo vệ cách ly chung quanh Biển Hồ tự nhiên; đẩy mạnh thu hút, kêu gọi xã hội hóa đầu tư, khai thác hiệu quả các vùng “miệng núi lửa dương” ở khu vực núi Hàm Rồng...
Trong đó, dự án Đầu tư xây dựng công trình kè chống sạt lở suối Hội Phú nhằm ứng phó với tình hình thời tiết ngày càng phức tạp, bảo đảm sự ổn định của bờ suối, ngăn chặn sự lấn sâu của dòng chảy, bảo đảm an toàn tài sản cho nhân dân hai bên bờ suối; cải tạo ô nhiễm môi trường và tạo cảnh quan cho dòng suối giữa thành phố Pleiku, tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân trong khu vực, phát triển du lịch dọc suối, từng bước hoàn thiện quy hoạch hệ thống tuyến đường giao thông của thành phố Pleiku; tạo điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, ổn định đời sống của nhân dân và tăng cường trật tự an ninh của khu vực sẽ là điểm nhấn về phát triển kinh tế, xã hội, phát triển du lịch của thành phố Pleiku với tổng mức kinh phí khoảng 1.639 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương khoảng 200 tỷ đồng đang được thành phố từng bước triển khai thực hiện.
Thành phố Pleiku cũng đang hình thành khu vực chợ đêm tại trung tâm thành phố.
Theo đó, dự kiến có ba mô hình được xây dựng phương án đầu tư trong giai đoạn 2023-2024 gồm: Phố đi bộ tại tuyến đường Phùng Hưng; chợ đêm tại tuyến đường dọc suối Hội Phú; phố ẩm thực ban đêm tại khu vực bến xe nhỏ, đường Nguyễn Thiện Thuật, phường Diên Hồng sau khi di dời chợ rau củ quả và bến xe nhỏ đi nơi khác.
Sau năm 2024, thành phố tiếp tục nghiên cứu xây dựng các mô hình, phương án phát triển kinh tế đêm trên diện rộng; đồng thời tiến tới hình thành các thung lũng hoa, thung lũng nông nghiệp, các khu ươm trồng dược liệu tại các khu vực lân cận ngoại ô.
Tại đây, người dân và du khách có thể tham quan, chụp ảnh, tổ chức cắm trại dã ngoại cùng gia đình, bạn bè. Những hoạt động này sẽ tạo nên nét văn hóa riêng biệt, tươi đẹp cho thành phố Pleiku.