Tham dự Hội nghị, có lãnh đạo các ban, bộ, ngành T.Ư; đại diện các tổ chức quốc tế; cùng 426 đại biểu đại diện 47 tỉnh có xã, thôn, bản, ấp ĐBKK.
Báo cáo đánh giá xây dựng NTM giai đoạn 2016-2020 nêu rõ: Đến nay, đã có 8/64 huyện nghèo thoát khỏi tình trạng ĐBKK và 14/30 huyện nghèo được hưởng cơ chế theo Nghị quyết 30a thoát khỏi tình trạng khó khăn, nhưng chưa có huyện được công nhận đạt chuẩn NTM.
Có 315/2.430 xã ĐBKK, xã ATK thuộc Chương trình 135 và xã ĐBKK vùng bãi ngang ven biển và hải đảo đạt chuẩn NTM (đạt 13%); 15/108 xã (13,9%) thuộc bốn Đề án xây dựng NTM đặc thù (Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An) đã đạt chuẩn NTM; 337/3.513 thôn, bản ĐBKK thuộc Đề án 1385 được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 9,6%). Ước đến hết năm 2020 có khoảng 25% thôn, bản được công nhận đạt chuẩn NTM. Tổng nguồn lực huy động đầu tư xây dựng khoảng 791.909 tỷ đồng (bằng 38,1% của cả nước).
Đến nay, có khoảng 80% số xã có đường ô-tô đến trung tâm xã được nhựa hóa hoặc bê-tông hóa; 73% đường xã và đường từ trung tâm xã đến huyện được cứng hóa; trên 70% số thôn, bản có đường trục giao thông được cứng hóa. 100% số xã và 97,8% số thôn đã có điện lưới quốc gia…
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm OCOP đã được nhiều địa phương chú trọng triển khai. Đã có khoảng 1.060 sản phẩm OCOP của các chủ thể ở vùng khó khăn được chuẩn hóa theo bộ tiêu chí quốc gia (chiếm 50,8% của cả nước). Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm 5,65%/năm, các xã đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm bình quân khoảng 4%/năm.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng biểu dương các thành tích đạt được trong việc xây dựng NTM vùng ĐBKK thời gian qua, đồng thời nhấn mạnh: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đặc biệt quan tâm đến việc xây dựng NTM tại vùng khó khăn (khu vực biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số). Trong giai đoạn 2016-2020, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản với những cơ chế, chính sách đặc thù để tập trung ưu tiên hỗ trợ các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới.
Phó Thủ tướng yêu cầu: Việc triển khai xây dựng NTM tại các xã ĐBKK phải có cách làm sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương, vùng, miền, không nên máy móc áp dụng các kinh nghiệm và mô hình ở vùng đồng bằng; không nhất thiết xây dựng bằng được xã đạt chuẩn nông thôn mới mà có thể trước mắt tập trung nguồn lực hỗ trợ xây dựng thôn, bản đạt chuẩn NTM. Cần tiếp tục tuyên truyền, vận động, quán triệt sâu rộng tới các cấp chính quyền và người dân phương châm xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, người dân hưởng lợi, dân làm, nhà nước hỗ trợ. Tránh tâm lý ỷ lại vào ngân sách T.Ư. Yêu cầu sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền của các địa phương, nhất là vai trò của người lãnh đạo đứng đầu, phải quyết tâm, nỗ lực hơn nữa trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện.
Các địa phương cần quan tâm chỉ đạo xây dựng kế hoạch, lộ trình cụ thể để hoàn thành các mục tiêu phấn đấu xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và đời sống của người dân trên địa bàn xã theo quy hoạch đã được phê duyệt gắn với bố trí, ổn định dân cư bảo đảm phòng, chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu. Quan tâm đến công tác đào tạo nghề, phát triển ngành nghề truyền thống gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu tại địa phương, các sản phẩm đặc sản có lợi thế theo Chương trình OCOP. Đồng thời, phải giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số, gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cần phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Dân tộc, các ban, bộ, ngành liên quan, thống nhất đề xuất cơ chế lồng ghép cơ chế, chính sách và nguồn lực thực hiện của ba chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm tập trung ưu tiên hỗ trợ cho các địa phương vùng đặc biệt khó khăn xây dựng nông thôn mới trong thời gian tới; không trùng lặp về đối tượng, nội dung hỗ trợ và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước trên cùng địa bàn.